Vận tải

Phục dựng những chuyến tàu làm sống lại “thời bao cấp”

23/01/2019, 06:08

Toa xe khách duy nhất vẫn là toa ghế gỗ cách đây ít nhất 40 năm, với hai hàng ghế bóng màu vécni nâu sẫm.

img
Tàu hỗn hợp tại ga Hạ Long

“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu/ Ngàn đời không đủ sức đi mau…”, những vần thơ này trong bài thơ: “Những ngày nghỉ học” của nhà thơ Tế Hanh từ những năm 30 của thế kỉ trước dường như vẫn đúng cho đến tận bây giờ khi chúng tôi đặt chân lên chuyến tàu hỗn hợp từ Yên Viên (Hà Nội) đi Hạ Long (Quảng Ninh).

Ấy là vì chuyến tàu khởi hành sớm, chỉ có bóng nhà ga lờ mờ trên nền trời tối sẫm. Con tàu cà rịch cà tàng đi trong ánh bình minh rạng dần. Qua khỏi ga Bắc Giang, những nhà ga mang kiến trúc cũ kĩ cùng màu vôi vàng đặc trưng của những năm bao cấp dần hiện ra: Nào Kép, nào Lan Mẫu, Uông Bí...

Dù toa tàu đã được sơn màu “logo thương hiệu” của Tổng công ty Đường sắt VN nổi bật ba màu xanh, đỏ và trắng, trông hiện đại nhưng bước vào trong mới hay hóa ra là “vỏ mới, bình cũ”. Toa xe khách duy nhất vẫn là toa ghế gỗ cách đây ít nhất 40 năm, với hai hàng ghế bóng màu vécni nâu sẫm. Trên trần, mấy chiếc quạt chắc chỉ còn trong bảo tàng trưng bày các đồ vật thời bao cấp, quay vòng vòng. Cửa sổ vẫn là cửa lưới, khung nhôm chống ném đá lên tàu. Khách lên dần qua các toa nhưng vẫn chẳng thể lấp nổi nửa toa; chẳng bù cho thời bao cấp, vật vã, khổ sở, chen lấn mới mua được tấm vé, lên được tàu rồi thì chen chúc như hộp cá mòi.

Theo sau toa xe khách ấy lại là toa C, loại toa có hai hàng ghế gỗ bám dọc theo thành toa, ở giữa để hàng hóa, cũng nhiều tuổi chẳng kém toa ghế ngồi. Tôi nhớ, khi mình còn bé, theo bố mẹ về quê nội, ưu tiên lắm mới được lên toa này vì đây được gọi là toa “con mọn”. Nhưng vẫn như thời bao cấp xưa, qua các ga, hành lý, hàng hóa lên, xuống tấp nập, qua cả cửa sổ con tàu. Có điều toàn hàng nông sản, thực phẩm, nào gạo, nào rau, nào măng, hoa quả... rồi bu gà, bu vịt, cả rọ lợn, toàn của bà con tiểu thương đi chợ, cung cấp thực phẩm cho tỉnh Quảng Ninh.

Khách ít, hàng ít, doanh thu đương nhiên càng ít và lương nhân viên phục vụ trên tàu, dưới ga cũng bị thấp theo. “Bỏ thì thương, vương thì tội”, đã nhiều lần ngành Đường sắt định bỏ tàu vì không thể cứ cố bù lỗ mãi, nhưng bà con lại yêu cầu.

Nhưng sẽ thế nào nếu thay vì chạy để duy trì, ngành Đường sắt xây dựng thành phương án khai thác tàu theo hướng “hoài cổ”: Chỉnh trang lại toa xe, nhà ga và cả các dịch vụ trên tàu theo hướng gợi nhớ lại hình ảnh con tàu, nhà ga bao cấp xưa. Điều này sẽ khiến những hành khách lớn tuổi sống lại một thời dĩ vãng, còn những hành khách trẻ tuổi được trải nghiệm, hiểu hơn về một thời ông bà, cha mẹ đã trải qua... Biết đâu, việc này còn thu hút được cả khách nước ngoài ham trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử Việt Nam? Biết đâu đấy...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.