Xã hội

Phục hồi sinh thái biển gắn với tạo nghề ổn định cho ngư dân

17/05/2018, 06:10

Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ do sự cố môi trường biển ở tỉnh Thừa Thiên - Huế là 980.3 tỷ đồng

4

Thủ tướng trao đổi, động viên người dân tại buổi làm việc

Chiều 16/5, đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về công tác thực hiện chi trả hỗ trợ, bồi thường sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh.

Sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4/2016 đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của 46.218 người, khoảng 13.000 hộ dân ở 230 thôn/xóm, 42 xã/ thị trấn của 4 huyện (Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc) và TX Hương Trà tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Qua các đợt thực hiện chi trả tiền hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển ở các địa phương trong tỉnh, đã làm tình hình xã hội dần ổn định. Việc tổ chức kê khai, xác định, thẩm định đã được tổ chức đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Người dân phấn khởi, đồng tình cao với các chính sách của Chính phủ.

Theo thống kê, tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ do sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế là 980.3 tỷ đồng (bao gồm kinh phí hỗ trợ khẩn cấp theo Quyết định số 772/QĐ-TTg. Đến nay đã hoàn thành công tác chi trả, đạt tỷ lệ 100% so với phê duyệt. Trong đó, huyện Phú Vang đã triển khai bồi thường với tổng kinh phi 382,4 tỷ đồng (chiếm khoảng 41% tổng kinh phí toàn tỉnh).

Tại buổi làm việc, Thủ tướng và đoàn công tác lắng nghe người dân Thừa Thiên- Huế trình bày về những ảnh hưởng của sự cố môi trường biển đến đời sống cũng như những tâm tư, nguyện vọng để có cuộc sống tốt hơn.

Ngư dân Thừa Thiên - Huế cảm ơn sự vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ, các bộ ngành sớm giúp người dân vùng ảnh hưởng ổn định đời sống. Đồng thời cho biết, bà con đã dành số tiền nhận được từ nguồn hỗ trợ, đền bù mua sắm ngư lưới cụ, phương tiện tiếp tục vươn khơi, bám biển.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành sớm có hướng dẫn thực hiện các dự án từ nguồn vốn bồi thường sự cố môi trường biển của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt cơ chế đặc thù về đầu tư các dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; dự án khôi phục hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản của tỉnh...

Thủ tướng đánh giá cao sự công khai, dân chủ, minh bạch, chính xác trong hỗ trợ, đền bù của tỉnh Thừa Thiên - Huế; đặc biệt, nhờ sự giám sát chặt chẽ của chính quyền, cấp ủy và nhân dân nên hạn chế thấp nhất khiếu nại, tố cáo, không phát sinh khiếu kiện đông người vượt cấp, điểm nóng. Thủ tướng nhấn mạnh, số tiền hỗ trợ, đền bù đã đi vào đúng các hộ trực tiếp thiệt hại, đã giải quyết được đời sống trước mắt và hỗ trợ cho bà con mua sắm công cụ, phương tiện đánh bắt lâu dài, nuôi trồng thủy hải sản.

Về một số đề xuất của tỉnh Thừa Thiên - Huế và của ngư dân địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phục hồi hệ sinh thái biển, giải quyết việc làm cho người dân, chuyển đổi nghề với phương châm đa nghề, đa lĩnh vực, cơ cấu lao động hợp lý. Trước hết, cần quy hoạch lại vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, vừa phát triển du lịch vừa nuôi trồng thủy sản. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ dành nguồn lực hỗ trợ cho tỉnh sớm khắc phục khó khăn, trong đó chú trọng tới âu neo đậu tàu thuyền, hậu cần nghề cá.

Dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng quà cho 20 ngư dân; đồng thời, đến thăm hỏi, động viên 2 hộ ngư dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Theo chương trình, hôm nay (17/5), Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm về hỗ trợ khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Quảng Trị sẽ được khai mạc. Tại hội nghị này, Chính phủ cùng với các bộ, ngành, 4 địa phương sẽ đánh giá, tìm giải pháp hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.