Pháp đình

Phương Trang bị bà Sáu Phấn "đổ" nợ khống hơn 5.000 tỷ

15/03/2018, 07:00

Bà Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo các chân rết của mình trong Ngân hàng Đại Tín lập chứng từ khống để tạo nguồn...

22

Bà Hứa Thị Phấn

Buộc ký trước hồ sơ vay

VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bà Hứa Thị Phấn (nữ đại gia Sáu Phấn, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ, nguyên cố vấn cao cấp tại Ngân hàng Đại Tín - TrustBank (sau đổi thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB và nay là CB) cùng 27 đồng phạm gây thiệt hại cho ngân hàng này 12.000 tỷ đồng.

Theo hồ sơ, từ ngày 26/5/2010 - 12/2/2012, Ngân hàng Đại Tín - Chi nhánh Sài Gòn và Chi nhánh Lam Giang đã giải ngân cho Công ty CP Đầu tư Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác (gọi tắt là Công ty Phương Trang) tổng cộng 83 khoản vay và 1 khoản phát hành trái phiếu. Đến nay, dư nợ gốc 9.437 tỷ đồng và lãi là hơn 16.504 tỷ đồng. Với số tiền nợ trên sổ sách này, lãi trong hạn là 1.109 tỷ đồng, lãi quá hạn lên tới 13.904 tỷ đồng và lãi phạt chậm trả là 1.490 tỷ đồng. Như vậy, số tiền lãi của khoản ghi nợ trên sổ sách của Công ty Phương Trang chủ yếu là lãi quá hạn và lãi phạt chậm trả.

Ngay sau khi phát hiện hành vi sai trái này, từ năm 2012, Công ty Phương Trang đã tố cáo bà Sáu Phấn và Ngân hàng Đại Tín lợi dụng việc Công ty Phương Trang là doanh nghiệp có quy mô lớn, cần tiền để đầu tư kinh doanh nên buộc ký trước hồ sơ vay, chứng từ giải ngân và chứng từ nhận tiền mặt, phê duyệt hồ sơ vay và tiến hành giải ngân khoản vay mà không thông báo cho Công ty Phương Trang; chiếm giữ và sử dụng trái pháp luật tiền của Ngân hàng Đại Tín, rồi lợi dụng các hồ sơ vay Công ty Phương Trang đã ký trước với mong muốn vay được tiền, để đẩy dư nợ cho Công ty Phương Trang.

Lập chứng từ khống đổ nợ để tất toán các khoản vay

Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh toàn bộ các khoản vay có liên quan đến dư nợ của Công ty Phương Trang tại CB. Tiến hành truy ngược dòng tiền để xác định bản chất của các hoạt động cho vay, giải ngân, thu nợ… trong quan hệ tín dụng giữa Công ty Phương Trang và Ngân hàng Đại Tín trên cơ sở hồ sơ, sổ sách, chứng từ lưu trữ tại ngân hàng và lời khai các của các đối tượng có liên quan, cơ quan điều tra xác định: Hứa Thị Phấn lợi dụng ảnh hưởng của mình tại Ngân hàng Đại Tín đã thông qua Bùi Kim Loan, là kế toán Công ty Phú Mỹ và là thư ký của mình, chỉ đạo một số cán bộ tại TrustBank - Chi nhánh Lam Giang và hàng loạt lãnh đạo, cán bộ chủ chốt tại ngân hàng như kế toán, kiểm soát kế toán, kế toán giao dịch, thủ quỹ chính, nhân viên quỹ… thu chi không dùng tiền mặt, hạch toán khống trên hệ thống Smartbank.

Theo cáo trạng, bà Phấn đã thực hiện và chỉ đạo nhân viên thực hiện 5 hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại cho TrustBank hơn 12.000 tỷ đồng: Nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng; hạch toán thu khống, sử dụng trái pháp luật hơn 5.256 tỷ đồng; thông qua 29 khoản vay chủ yếu là đất nông nghiệp của nhóm Phú Mỹ, chiếm đoạt và sử dụng hơn 3.581 tỷ đồng; chỉ đạo TrustBank đầu tư trái luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.037 tỷ đồng; nâng khống 25 bất động sản khác bán cho TrustBank để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỷ đồng.Ở giai đoạn I, bị can Phấn bị truy tố liên quan khoản thiệt hại lên tới hơn 6.362 tỷ đồng thông qua hai hành vi đầu tiên. Ba hành vi còn lại chờ kết quả xét xử giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh để làm rõ, xử lý sau.

Mục đích các chứng từ khống này để tạo nguồn thu, tất toán các khoản vay mà nhóm Phú Mỹ do bà Phấn đứng đầu. Sau đó, các chân rết của bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín do bà Phấn chỉ đạo lập chứng từ khống giải ngân các khoản vay của Công ty Phương Trang để cấn trừ. Nếu các khoản thu vào nhiều hơn khoản chi ra, Ngân hàng Đại Tín - Chi nhánh Lam Giang và Chi nhánh Sài Gòn sẽ thống nhất với Bùi Thị Kim Loan bỏ bớt chứng từ hoặc rút tiền mặt từ tài khoản công ty hoặc cá nhân thuộc nhóm Phú Mỹ để khớp chứng từ….

Với phương thức thủ đoạn trên, từ tháng 5/2010 - 2/2011 bà Phấn đã thông qua Loan chỉ đạo một số lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín tại Chi nhánh Lam Giang và Sài Gòn lập chứng từ thu khống để tất toán khống các khoản gốc và lãi vay của nhóm Phú Mỹ. Sau đó lập hồ sơ khống giải ngân ghi nợ khống cho Công ty Phương Trang để không làm chênh lệch tồn quỹ tiền mặt thực tế so với số liệu tiền mặt trên sổ sách hạch toán, nhằm che đậy hành vi phạm tội và đẩy nợ cho Công ty Phương Trang.

Quá trình điều tra đến nay xác định, Công ty Phương trang đã thực nhận 3.936 tỷ đồng chứ không phải như sổ sách ghi là 9.402 tỷ đồng. Công ty Phương Trang sẽ chịu trách nhiệm trả cho Ngân hàng Đại Tín số tiền thực nhận 3.936 tỷ đồng. Số tiền còn lại là 5.456 tỷ đồng đến nay không thu hồi được gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín, bà Phấn và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trả lại cho ngân hàng.

Được biết, từ năm 2012, Công ty Phương Trang nhiều lần nộp đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng về việc bị kê nợ khống nên muốn trả nợ cũng không trả được.

Cố tình không hợp tác với cơ quan điều tra?

Sau một năm khởi tố vụ án, đến nay, cơ quan điều tra vẫn không thể hỏi cung bà Hứa Thị Phấn. Ít ngày trước khi vụ án được khởi tố (22/3/2017), bị can đã nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Tân Hưng, TP HCM. Từ đó đến nay, cơ quan CSĐT đã nhiều lần đến bệnh viện để xác định tình trạng bị can, tiến hành hỏi cung nhưng bị can Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi không trả lời. Các luật sư của bị can liên tục kiến nghị hoãn buổi hỏi cung cho đến khi sức khỏe của bị can tốt hơn.

Nhưng một điều lạ kỳ, bà Phấn vẫn đủ sức khỏe, minh mẫn để ký vào Đơn tố cáo, Đơn kiến nghị và cả Đơn kháng cáo trong vụ án Oceanbank. Cụ thể, trong đại án Oceanbank, ngày 29/9/2017, bà Phấn bị TAND TP Hà Nội xử phạt 17 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tuy nhiên, bà Phấn đã kháng cáo chờ xét xử phúc thẩm. “Bởi vậy, cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bị can trong quá trình xét xử để quyết định hình phạt”, cáo trạng nêu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.