Doanh nghiệp

Phương Trang yêu cầu khắc phục hậu quả vụ “nợ xấu 3.000 tỷ”

13/06/2016, 16:06

Ngân hàng Xây dựng (CB) phải khắc phục những hậu quả do thông tin sai lệch về khoản nợ xấu 3.000 tỷ đồng....

2

Một dự án bất động sản của Phương Trang bị quản thủ, cỏ mọc lút đầu người

Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoán đổi tài sản, giải chấp khối tài sản trên 14.500 tỷ đồng đang bị quản thủ trái phép tại ngân hàng.

Gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp

Mới đây, Ngân hàng Xây dựng (CB) phát đi thông tin sẽ khởi kiện Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư Phương Trang (gọi chung là Phương Trang) và các thành viên hợp tác kinh doanh về khoản nợ 3.000 tỷ đồng liên quan đến 10 hồ sơ vay được CB liệt vào nhóm nợ xấu (qua thông cáo báo chí và trả lời phỏng vấn của ông Đỗ Tất Khá, thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc CB).

Thông tin này ngay lập tức gây bức xúc lớn cho Phương Trang. “Chúng tôi hoàn toàn phản đối việc phát hành thông cáo báo chí với những thông tin liên quan đến thương hiệu Phương Trang có nội dung mập mờ, một chiều, không đầy đủ, không khách quan, thiếu kiểm chứng và xác thực, không được sự đồng ý của chúng tôi”, ông Phạm Đăng Quan, Tổng giám đốc Phương Trang nói.

Trao đổi với PV Báo Giao thông ngày 11/6 về những nội dung phản pháo của Phương Trang, bà Thanh Hương, Phó phụ trách Phòng Quan hệ công chúng, Ngân hàng Xây dựng cho biết, CB mới chuyển đổi sở hữu, ban lãnh đạo mới tiếp quản (bị NHNN mua lại với giá 0 đồng và chuyển đổi mô hình từ cổ phần sang TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu). Thực hư về khoản nợ của Phương Trang, bà Hương không bình luận mà chỉ cho biết ngắn gọn là CB giải quyết theo hồ sơ lưu tại ngân hàng. Bà Hương cũng từ chối trả lời những nội dung liên quan khác vì vụ việc đã “đưa nhau ra tòa nên để tòa xử lý”.

Thông tin thiếu chính xác đầu tiên, theo phản pháo của Phương Trang, tên chủ thể vay 3.000 tỷ đồng được CB đề cập là CTCP Xe khách Phương Trang (FUTA Bus Lines) trong khi công ty này không có quan hệ tín dụng, không vay bất cứ một đồng nào của CB! Ông Đỗ Tất Khá còn nhấn mạnh, theo hồ sơ lưu, cùng các thông tin CB nhận được từ các cơ quan chức năng, không tồn tại tên gọi đích xác này, đó là một khái niệm chung để chỉ nhóm nợ có liên quan đến các doanh nghiệp mang thương hiệu Phương Trang và các cá nhân có liên quan.

Trong khi đó, tại một số biên bản làm việc giữa hai bên, do ông Khá trực tiếp tham gia, đều ghi rõ “CTCP Đầu tư Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh”. Từ đây, Phương Trang đặt vấn đề: Khi không có chủ thể pháp nhân được công nhận và xác định rõ ràng để thực hiện các giao dịch tín dụng, vậy ngân hàng đã cho ai vay? Trong trường hợp này, hoặc công ty đó không vay tại CB, hoặc là hồ sơ vay do Ngân hàng CB lập khống không xác định được chủ thể giao dịch. “Thông tin không chính xác này đã gây thiệt hại đặc biệt về hình ảnh thương hiệu, uy tín và danh dự của doanh nghiệp, gây hoang mang nghiêm trọng trong hệ thống gần 5.000 cán bộ công nhân viên Phương Trang kéo theo những thiệt hại rất lớn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi trong những ngày qua”, Tổng giám đốc Phương Trang bức xúc.

Hàng chục nghìn tỷ đồng để hoang phí

Về con số dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng được CB khẳng định “nợ xấu”, Phương Trang cũng cho rằng đã bị “vu oan”, không đúng bản chất quan hệ tín dụng giữa doanh nghiệp này và ngân hàng. Phương Trang phân tích, nợ xấu là các khoản nợ có thể quá hạn và bị nghi ngờ về khả năng trả nợ. Trong khi đó, Phương Trang có tài sản đảm bảo hơn 14.500 tỷ đồng - do chính CB định giá, lớn gấp gần 5 lần giá trị cho vay. Doanh nghiệp đang kinh doanh tốt, phát triển thuận lợi. Mặt khác, Phương Trang đã chủ động đề xuất các giải pháp xử lý khoản nợ, trong đó có việc trả nợ vay theo thỏa thuận hoán đổi tài sản. Tại biên bản làm việc giữa hai bên ngày 28/1/2015 (có sự tham gia của đại diện cơ quan Cảnh sát Điều tra và đại diện Ban Kiểm soát đặc biệt của NHNN), CB xác nhận, chậm nhất đến 6/2/2015 sẽ thực hiện giải pháp này.

Tuy nhiên, đến ngày 4/4/2016, CB cho biết mới nhận được văn bản của NHNN về việc xử lý nợ của Phương Trang. Song, từ đó đến nay, CB chưa có cuộc họp nào với Phương Trang, cũng chưa đưa được hướng giải quyết, song lại loan tin khởi kiện Phương Trang về khoản “nợ xấu” hơn 3.000 tỷ đồng!

Sự chậm trễ này đã khiến cho khối tài sản thế chấp hơn 14.500 tỷ đồng của Phương Trang bị CB quản thủ, không đầu tư sinh lợi, không luân chuyển vốn kinh doanh, không tái tạo được của cải xã hội khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Đại diện Phương Trang nhấn mạnh, khẳng định “nhóm Phương Trang vẫn đang khai thác tài sản thế chấp” của ông Đỗ Tất Khá là hoàn toàn sai sự thật. Đơn cử như khối tài sản 9.924m2 đất tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM của Công ty TNHH TM DV Quang Thành (một thành viên hợp tác kinh doanh của Phương Trang), đã bị UBND quận Thủ Đức thu hồi giấy phép sửa chữa, cải tạo làm cửa hàng xăng dầu, sau khi CB (thời điểm đó là NH Đại Tín) có công văn đề nghị quận ngăn chặn thay đổi tài sản do là tài sản thế chấp tại NH này. Kết quả là, khu đất này rơi vào tình trạng cỏ mọc lút đầu người, trở thành nơi tập kết rác thải. Hay vài chục ô tô của Phương Trang đã không đăng kiểm được do giấy tờ bị cầm cố, không thể vận hành hay sang nhượng, dẫn đến hư hỏng, mục nát…

Ngụy tạo hồ sơ chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng

Một nội dung gây bức xúc khác, theo Phương Trang, là bị ngân hàng đã ghi khống số nợ lên đến gần 9.500 tỷ sau đó cộng cả lãi lên đến gần 17.000 tỷ đồng. “Chúng tôi khẳng định không vay, không nhận hơn số tiền này thì không thể trả hơn như các khoản của CB (trước đó là Đại Tín).

Cụ thể, biên bản đối chiếu nợ vay của CB và Phương Trang ngày 18/12/2014 và biên bản làm việc giữa hai bên ngày 19/10/2015 đều xác nhận, Phương Trang chỉ nhận giải ngân 3.436 tỷ đồng. Trong khi đó, hồ sơ, sổ sách và chứng từ kế toán lưu tại CB, từ tháng 5/2010 đến tháng 2/2012, Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng) đã giải ngân cho CTCP Đầu tư Phương Trang và các thành viên hợp tác kinh doanh tổng số tiền 16.486 tỷ đồng, bao gồm 83 khoản vay và 1 khoản mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, có 47 khoản vay và 1 khoản mua bán trái phiếu còn dư nợ gốc 9.437/9.469 tỷ đồng tổng số tiền đã giải ngân.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là, khoản chênh lệch gần 6.000 tỷ đồng đã “biến” đi đâu? Theo thông tin Báo Giao thông nắm được, số tiền này đã bị một số cán bộ chủ chốt của CB chiếm đoạt, sử dụng trái phép rồi ngụy tạo hồ sơ để ghi thành nợ khống cho Phương Trang.

Cũng chính vì những khuất tất trong số liệu khoản vay của Phương Trang tại CB, nên theo Tổng giám đốc Phạm Đăng Quan, từ năm 2012, doanh nghiệp đã chủ động yêu cầu đưa vụ việc ra tòa. Tuy nhiên, do những cơ quan điều tra đang điều tra, xử lý những sai phạm liên quan đến một số lãnh đạo của CB nên Phương Trang chưa thực hiện.

“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác để xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại giữa hai bên. Đề nghị CB chủ động đề xuất phương án, lộ trình, giải pháp xử lý nợ, tài sản đảm bảo rồi bàn bạc với chúng tôi để thống nhất thực hiện”, ông Quan nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.