Thời sự

PV trẻ tự ứng cử ĐBQH: Không tự ti trước "cây đa, cây đề"

20/03/2016, 11:03

Nguyễn Doãn Trung, PV Báo Đời sống & Pháp luật, SN 1993, tự ứng cử Đại biểu Quốc hội.

15

BTV Nguyễn Doãn Trung dẫn chương trình cho chuyên mục “Mỗi ngày một vấn đề” của Báo Đời sống & Pháp luật

Nguyễn Doãn Trung, PV Báo Đời sống & Pháp luật, SN 1993, là một trong những người trẻ nhất tự ứng cử ĐBQH và HĐND TP Hà Nội từ trước đến nay đã tự tin chia sẻ như vậy với Báo Giao thông về quyết định khiến khá nhiều người cảm thấy ngạc nhiên.

Trẻ, nhiệt huyết là một lợi thế

Là một người vẫn còn rất trẻ, điều gì thôi thúc anh tham gia ứng cử ĐBQH?

Lý do khiến tôi đi đến quyết định tham gia ứng cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016 - 2021 xuất phát từ chính thực tế xã hội, những gì tôi và mọi người đang nghe, đang nhìn thấy hàng ngày. Thật sự còn tồn tại nhiều vấn đề chúng ta phải suy nghĩ và cần những hành động thiết thực để giải quyết. Hơn nữa, với đặc thù nghề nghiệp của mình, tôi lại có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn, sâu hơn về những vấn đề đó. Tôi thấy mình phải hành động để xã hội có những thay đổi tích cực, người dân có được cuộc sống ngày một tốt hơn.

Có lẽ, nhiều cử tri sẽ rất suy nghĩ khi đưa ra lựa chọn cho một ứng viên ĐBQH trẻ, bởi họ cho rằng người trẻ thì kinh nghiệm sống và kiến thức có thể chưa nhiều. Nhưng tôi nghĩ rằng, đây cũng là một lợi thế, vì mình có sức trẻ, sự sáng tạo và lòng nhiệt huyết - điều mà cử tri cũng rất cần. Với sức trẻ, sự nhiệt huyết đó, tôi sẽ có điều kiện bám sát đời sống, đi sâu, đi sát vào thực tế xã hội để được gần dân, lắng nghe một cách chân thành những suy nghĩ của người dân để truyền tải ý kiến của cử tri đến Quốc hội, để Quốc hội cùng bàn thảo và giải quyết.

Hơn nữa, tôi nghĩ rằng, cử tri lúc nào cũng cần người đại biểu nhiệt huyết, biết lắng nghe và hiểu được suy nghĩ của họ dù nhiều hay ít tuổi, chứ cử tri không cần một người đại biểu có kinh nghiệm nhưng áp đặt những kinh nghiệm, hiểu biết của cá nhân vào cử tri hoặc không nói lên được tiếng nói cử tri.

Anh nung nấu ý định ra ứng cử ĐBQH lâu chưa hay chỉ vừa mới đây, khi mà trào lưu tự ứng cử đột nhiên rầm rộ?

Để đi đến quyết định ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND tôi đã suy nghĩ và trăn trở từ rất lâu chứ không phải đến bây giờ mới theo trào lưu.

Khi đưa ra quyết định, anh có chia sẻ hay tham khảo ý kiến người thân, gia đình, bạn bè? Mọi người động viên hay ngăn cản anh làm việc này?

Việc tôi quyết định ứng cử là hoàn toàn công khai. Tất cả mọi người trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp rất ủng hộ và động viên tinh thần, tạo điều kiện để tôi có động lực thực hiện quyền của một công dân đã được quy định trong Hiến pháp...

Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ tham gia ứng cử, anh có gặp khó khăn gì không?

Tôi không gặp khó khăn nào trong việc chuẩn bị và nộp hồ sơ, thậm chí còn được sự giúp đỡ, hướng dẫn rất nhiệt tình từ Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội.

“Điều tôi làm là điều dân muốn làm”

Mỗi ứng cử viên đều có một chương trình hành động để thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình. Anh sẽ nói những gì khi đứng trước hội nghị cử tri?

Tôi có quan điểm là: “Điều tôi suy nghĩ là điều dân suy nghĩ. Điều tôi làm là điều dân muốn làm”. Bởi người ĐBQH có nhiệm vụ rất quan trọng đó là lắng nghe suy nghĩ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nói thế không có nghĩa những mong muốn, suy nghĩ sai trái, không phù hợp với lợi ích chung của toàn dân là người đại biểu lờ đi không nghe. Mà vẫn sẽ nghe và lúc đó người đại biểu còn có nhiệm vụ nặng nề hơn là làm sao giải thích, phân tích cho cử tri về những sai trái, những điều không phù hợp, để người dân hiểu và thực hiện đúng pháp luật, tránh xảy ra những tình huống xấu.

- Nguyễn Doãn Trung sinh ngày 26/1/1993 tại thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Truyền hình - Khoa Báo chí, đang tiếp tục theo học hệ đào tạo cử nhân trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Tham gia làm báo từ năm 2013 tại kênh truyền hình VTC10 với vai trò cộng tác viên. Từ tháng 1 - 12/2014 là nhân viên truyền thông tại Công ty CP Truyền thông trực tuyến Netlink. Từ tháng 1/2015 đến nay, là BTV - PV Báo Đời sống & Pháp luật.

- Sáng qua (17/3), tại Hội nghị hiệp thương lần 2 của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Nguyễn Doãn Trung đã có tên trong danh sách thông qua 48 người tự ứng cử ĐBQH khóa XIV.

Lĩnh vực tôi quan tâm và sẽ hành động, ngoài vấn đề chung của xã hội đó là: Nông nghiệp, nông thôn và văn hóa, giáo dục. Tôi quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến người nông dân mà còn ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Dù là nông dân, công nhân, viên chức..., chúng ta đều phải ăn, phải sử dụng những thành quả từ sản xuất nông nghiệp. Ví dụ như vấn đề “được mùa mất giá”- câu chuyện chúng ta đặt ra từ nhiều năm nay, cũng có nhiều giải pháp nhưng hiệu quả thật sự thì chưa cao, đời sống người nông dân vẫn còn bấp bênh. Kĩ thuật trong lao động sản xuất của người nông dân còn thủ công, việc áp dụng khoa học công nghệ còn chưa cao, dẫn tới phụ thuộc quá nhiều vào tự nhiên, có thể khiến mất mùa, giá đội lên nhiều lần. Khi đó, người tiêu dùng lại phải chịu giá cao, người nông dân thì không có thu…

Còn lĩnh vực văn hóa, giáo dục là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến các thế hệ tương lai đất nước, ảnh hưởng đến mỗi gia đình trong xã hội khiến tôi rất quan tâm. Thực tế, hiện tại chúng ta thấy có một bộ phận giới trẻ phát triển lệch lạc thậm chí sa vào tệ nạn, tình trạng tội phạm trẻ hóa khiến dư luận lo ngại. Theo tôi, điều này có phần do công tác giáo dục cho giới trẻ trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội chưa thật sự đồng đều.

Thường các ứng cử viên đều gặp khó khăn trong quá trình lấy phiếu cử tri vì ít có mối quan hệ cũng như các hoạt động được cử tri trên địa bàn biết đến. Với anh, đây có phải là khó khăn?

Theo tôi, nếu không có quan hệ, không hoạt động vì cộng đồng thì hiển nhiên là khó khăn, nhưng tôi tự tin vì mình hành động vì dân, vì nước và cũng có những bài báo, những phản ánh trong suốt quá trình công tác báo chí của mình góp phần tích cực vì cuộc sống của nhân dân, vì sự phát triển chung của đất nước. Hiện, tôi cũng được hàng trăm cử tri trong địa phương ủng hộ, ký tên giới thiệu ứng cử.

Ứng cử vì muốn cống hiến

Không ít người trẻ cho rằng, mình không “đủ tuổi” đứng trong đội ngũ cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Anh có nghĩ hành động của mình sẽ góp phần thay đổi nhận thức đó để nhiều người trẻ khác tự tin, chủ động tận dụng những cơ hội, phát huy khả năng, cống hiến cho đất nước?

Thực tế này là có, nhưng tôi hy vọng với sự tự tin, mong muốn cống hiến cho Tổ quốc thì tôi sẽ có thể đánh thức tinh thần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ với đất nước, với nhân dân trong mỗi bạn trẻ như các thế hệ cha, anh đi trước. Ngay những khóa Quốc hội trước, chúng ta thấy có nhiều đại biểu trẻ đã đại diện cho thế hệ trẻ, đưa ra rất nhiều ý kiến táo bạo, hiệu quả và thiết thực vì nhân dân.

Trong danh sách ứng cử ĐBQH khóa này, có thể nói có rất nhiều “cây đa, cây đề”. Điều này có khiến anh thấy tự ti?

Tôi không hề tự ti, dù danh sách ứng cử toàn “cây đa, cây đề”. Bởi tôi ứng cử không phải để tranh đua, vụ lợi mà vì muốn cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân và đó thậm chí còn là điều đáng hãnh diện.

Nếu không được đưa vào danh sách chính thức, anh có tiếp tục ứng cử trong khóa tiếp theo?

Dù có trúng cử hay không, tôi cũng vẫn sẽ cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân. Trúng cử thì mình có cơ hội làm nhiều việc vì nhân dân, vì đất nước hơn, tham gia quyết định những vấn đề lớn hơn. Nếu không trúng cử thì tôi sẽ công hiến cho xã hội, cho tập thể trong sạch, vững mạnh, không còn tiêu cực qua các bài báo của mình. Chắc chắn, tôi sẽ tiếp tục tham gia ứng cử khóa tiếp theo để được phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng đất nước.

Tôi mong rằng, sẽ tiếp tục nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm, ủng hộ của cử tri và nhận được những góp ý chân thành vì nước, vì dân để chúng ta cùng hành động đưa đất nước ngày một phát triển, nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc.

Cảm ơn anh!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.