Hạ tầng

“Quả ngọt” từ các dự án đường cao tốc

09/02/2016, 10:03

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc bộ.

sd-0147
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Tạ Tôn

Hiện nay, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã đưa vào khai thác, thu phí ba tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng chiều dài 350 km. Các dự án cao tốc khi đưa vào sử dụng đã và đang phát huy hiệu quả to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, an ninh quốc phòng cho các địa phương có tuyến đường đi qua nói riêng và cả nước nói chung.

VEC được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư 5 dự án đường cao tốc có tổng chiều dài 550km, tổng mức đầu tư 125.572 tỷ đồng. Đến nay, VEC đã đưa vào khai thác, thu phí các tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng chiều dài 350km. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2018, VEC sẽ lần lượt đưa vào khai thác tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (năm 2018) dài 139,52km và Bến Lức - Long Thành (năm 2019) dài 57,8km.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình là tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của khu vực Đồng bằng Bắc bộ. Dự án là một phần của tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, nối dài đường cao tốc từ Bắc Giang qua Bắc Ninh - Hà Nội - Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình tới Thanh Hóa, Vinh…, góp phần hoàn thiện quy hoạch hệ thống đường cao tốc Quốc gia. Kể từ khi được đưa vào khai thác, công trình đã tăng cường năng lực vận tải hành lang phía Nam của khu vực phía Nam Đồng bằng Bắc bộ.

Tính từ 30/6/2012 (thông xe toàn tuyến) đến 28/10/2015, dự án đã phục vụ 19,6 triệu lượt xe, lưu lượng bình quân 16 - 17 nghìn lượt xe/ngày đêm, cơ bản đảm bảo an toàn và thuận lợi, mỗi năm tăng khoảng hơn 5 triệu lượt phương tiện lưu thông trên đường, giúp các phương tiện tiết kiệm 15% chi phí vận tải so với lưu thông theo tuyến quốc lộ cũ.

Với chiều dài lớn nhất trong số các tuyến cao tốc tại Việt Nam, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mekong gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Tuyến cao tốc này ngoài mục đích phục vụ phát triển KT - XH, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước, còn tạo sự kết nối các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp của Thủ đô Hà Nội với các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, góp phần hình thành mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo thống kê từ đơn vị quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường, từ ngày thông xe toàn tuyến (21/9/2014) đến 23/10/2015, tổng lưu lượng xe lưu thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đạt gần 5 triệu lượt xe, lưu lượng trung bình 13 - 14 nghìn lượt xe/ngày đêm, cơ bản đảm bảo an toàn và thuận lợi, mức tăng trưởng lưu lượng đạt 40%. Dự án được đưa khai thác đã đem lại hiệu quả tích cực, giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 giờ so với 7 giờ trước đây, tiết kiệm 20 - 30% chi phí vận tải cho các chủ phương tiện, ước tính một năm tiết kiệm cho xã hội khoảng 1.800 tỷ đồng.

Một dự án cao tốc khác tại khu vực phía Nam do VEC làm chủ đầu tư đã đưa vào khai thác là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đang phát huy những hiệu quả rất tích cực.

Thống kê cho thấy, từ tháng 2/2015 (thời điểm thông xe toàn tuyến) đến 28/10/2015, tổng lưu lượng xe lưu thông trên tuyến  cao tốc  này đạt 7,4 triệu lượt xe, lưu lượng xe bình quân trên ngày 27.359 lượt/ngày, cơ bản đảm bảo an toàn và thuận lợi.

Đại diện VEC cho biết, theo đánh giá của các doanh nghiệp vận tải, lưu thông trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã tiết kiệm được 30% chi phí so với đi theo lộ trình Xa lộ Hà Nội - QL51. Đối với các đơn vị có tần suất chạy xe cao thì vận tải qua tuyến cao tốc còn phát huy hiệu quả lớn hơn nhiều khi 90% chủ phương tiện được hỏi đánh giá mức cước phí ở mức chấp nhận được...  

Đặc biệt, kể từ khi đưa vào thông xe toàn tuyến, các phương tiện từ TP HCM đi ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1A và hướng đi Liên Khương) theo lộ trình cũ dài khoảng 70km, thời gian lưu thông mất 3 giờ đồng hồ do thường xuyên ùn tắc; nhưng nếu đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian chỉ còn một giờ,  giảm hơn hai giờ so với trước đây. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.