Chuyện dọc đường

Quản chặt nhà đầu tư

16/04/2014, 06:13

Chưa khi nào làn sóng xã hội hóa, đầu tư hạ tầng giao thông mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Chỉ trong vòng hai, ba năm, ngành GTVT đã huy động được một lượng vốn khổng lồ ...

Thi công QL14 qua Đắk Lắk
Thi công QL14 qua Đắk Lắk


Nếu như trước đây, khi nhắc đến lĩnh vực hạ tầng giao thông, các nhà đầu tư “có số má”, thường “lắc đầu” dù cơ quan chức năng mở rộng cánh cửa mời gọi với nhiều ưu đãi. Lý do là bởi các dự án giao thông kém hấp dẫn, vốn đầu tư bỏ ra quá lớn, rủi ro nhiều do vòng đời dự án kéo dài, thu hồi vốn chậm, lợi nhuận không quá cao. Tuy nhiên, các dự án BOT giao thông giờ lại trở thành “hàng hot”. Nhiều dự án nhà đầu tư phải xếp hàng, chờ đến lượt đăng ký. 


Trong số hàng chục dự án đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách đang triển khai, đa phần đều là các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực thi công, đồng thời mục đích đầu tư chân chính, vừa mong muốn góp phần công sức của mình xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế đất nước; vừa phát huy khả năng, năng lực kinh doanh để tạo lợi nhuận, phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó dư luận gần đây cho rằng, còn có một số nhà đầu tư tham gia chỉ vì mục đích tư lợi, “xí phần”, để bán dự án kiếm lời. Một số nhà đầu tư năng lực tài chính yếu kém cũng đăng ký tham gia dự án theo kiểu “tay không bắt giặc”, rồi chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không có tiền giải ngân cho nhà thầu khiến tiến độ dự án bết bát, kéo dài.


Theo qui định nhà đầu tư phải bảo đảm 15% vốn chủ sở hữu, nhưng trên thực tế vẫn có không ít nhà đầu tư không thực hiện được điều này dù hồ sơ, sổ sách, giấy tờ, các đơn vị này đều trưng đầy đủ với cơ sở pháp lý rõ ràng. 


Người đứng đầu ngành GTVT - Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhận biết những tồn tại kể trên nên nhiều lần khẳng định, tất cả các dự án giao thông đều là của dân, của nước, không phải của cá nhân ai. Các dự án BOT do nhà đầu tư bỏ tiền ra trước nhưng thực chất là tiền của dân vì dân nộp thuế, nộp phí nên phải được quản lý chặt chẽ. Không có chuyện các nhà đầu tư muốn làm gì thì làm. Nhà đầu tư nào không đủ năng lực, nhận dự án xong bỏ đó sẽ kiên quyết thay thế ngay. Bộ GTVT không chấp nhận bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia dự án theo kiểu “tay không bắt giặc”. 


Mục tiêu lớn thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông bước đầu đã thành công vượt ngoài mong đợi, giờ đến lúc công tác quản lý các dự án ngoài ngân sách phải đi vào chiều sâu để vừa lựa chọn được những nhà đầu tư có tâm, có tầm, đủ năng lực; vừa quản chặt, có chế tài đủ mạnh để buộc các nhà đầu tư thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các dự án.


Hà Thanh Oai
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.