Chất lượng sống

Quan Độ phập phồng nỗi lo sau vụ nổ kinh hoàng

06/03/2018, 09:05

Sau 2 tháng xảy ra vụ nổ kinh hoàng khiến 2 người chết, 8 người bị thương, 217 hộ dân bị ảnh hưởng...

15

Hoạt động buôn bán phế liệu ở Quan Độ vẫn diễn ra tràn lan, phế liệu xếp tràn ra đường làng

Sau 2 tháng xảy ra vụ nổ kinh hoàng khiến 2 người chết, 8 người bị thương, 217 hộ dân bị ảnh hưởng, nỗi lo cháy nổ, ô nhiễm không khí vẫn cận kề tại làng tỷ phú “đồng nát” Quan Độ (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).

Nỗ lực khắc phục hậu quả vụ nổ

Sau Tết, thôn Quan Độ lại nhộn nhịp trở lại với nghề kinh doanh phế liệu truyền thống. Tại tâm vụ nổ - nơi đã san phẳng 4 ngôi nhà đến độ không còn nhìn thấy móng, tạo thành một hố sâu 3-4m rộng như một cái ao, những chiếc xe tải đang đổ đất đá, lấp “cái ao” xuất hiện bất đắc dĩ. Bà Nghiêm Thị Thoa, nhà gần kề tâm vụ nổ cho hay, việc hoàn trả mặt bằng vụ nổ do người thân của ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1964, ở thôn Quan Độ, Văn Môn, huyện Yên Phong - chủ kho đạn phát nổ, người đã bị bắt giữ và khởi tố về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng) thực hiện. Một số ngôi nhà bị đạn nổ làm thủng tường, thủng mái, đổ tường đã được sửa chữa để đón Tết. Nhưng bên cạnh đó, một số hộ bị hư hỏng nặng từ vụ nổ vẫn còn để nguyên hiện trạng chờ qua Rằm tháng Giêng, mới gọi được thợ đến khắc phục.

Ngay sau khi xảy ra vụ nổ tại thôn Quan Độ, chiều 3/1, cơ quan Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1964, ở thôn Quan Độ, Văn Môn, huyện Yên Phong) - chủ kho đạn phát nổ về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Bước đầu, ông Tiến khai nhận: Khoảng tháng 12/2016 có thu mua của một cán bộ tại Trung tâm Xử lý bom mìn thuộc Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng khoảng 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 về tháo dỡ phế liệu. Số đầu đạn trên được tập kết tại khu vực sân vườn nhà ông Tiến và xảy ra vụ nổ.

Theo bà Thoa, hai hộ thiệt hại lớn nhất là anh Nguyễn Văn Lợi (bố bé Nguyễn Tiến Nam, 2 tuổi) và anh Đặng Đình Tiến (bố bé Đặng Thuỳ Dương, 4 tuổi) dường như chưa gượng lại được sau nỗi đau mất con trong vụ nổ. “Anh Lợi là cháu của ông Tiến. Do nhà nghèo nên anh mới mượn ngôi nhà mà ông Tiến chứa 7-8 tấn đầu đạn để ở nhờ. Sau vụ nổ, mất con, mất một số tài sản, vợ chồng Lợi đã chuyển về ngôi nhà rách nát của họ ở mé sông. Còn nhà Tiến trước làm thợ mộc, đã xây được nhà 3 tầng khang trang, ai ngờ vụ nổ làm mất sạch nhà cửa, tài sản, lại còn mất đứa con chạy chữa chục năm mới có, giờ vợ chồng nó nương náu bên ngoại”, bà Thoa chỉ vào đống đổ nát cho hay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Gia, Phó chủ tịch UBND xã Văn Môn, thống kê có 217 hộ gia đình bị thiệt hại sau vụ nổ. UBND huyện Yên Phong đã ra quyết định hỗ trợ với số tiền khoảng 420 triệu đồng. Riêng hộ anh Nguyễn Văn Lợi và Đặng Đình Tiến, xã vừa lập hồ sơ xác nhận hộ nghèo và đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan ủng hộ giúp đỡ họ xây nhà. “Khi xây nhà, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ kinh phí thu dọn vật liệu xây dựng cho 2 hộ này”, ông Gia cho biết.

Nỗi lo còn đó

Sau vụ nổ kinh hoàng khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương, 217 hộ dân bị ảnh hưởng cách đây 2 tháng, người dân Quan Độ vẫn phập phồng nỗi lo khi “quả bom” trong dân cư vẫn là ngòi nổ báo động bất cứ lúc nào.

Theo UBND xã Văn Môn, xã có 3.000 hộ, trong đó 80% là kinh doanh, buôn bán. Cả xã có trên 500 hộ làm nghề thu gom buôn bán phế liệu và cô đúc nhôm. Nghề kinh doanh phế liệu đã đem lại thu nhập tốt cho người dân nơi đây, rất nhiều nhà xây như biệt thự, có ô tô con. Xe tải hàng ngày ra vào Văn Môn nườm nượp để xuất, nhập hàng.

Ông Gia cho hay, sau vụ nổ kinh hoàng, lực lượng chức năng đã rà soát toàn bộ các hộ gia đình kinh doanh phế liệu ở đây để tìm kiếm vật liệu nổ còn sót lại. Nhưng sau khi lực lượng chức năng rời đi, vẫn phát hiện một số túi đầu đạn, vật liệu nổ được người dân lén vứt ra rìa đường, hội trường thôn. “Công an xã tuần tra kiểm soát phát hiện 5 đầu đạn pháo dài 58cm, đường kính 15,7cm; nhân dân giao nộp gần 10kg đạn do vụ nổ gây nên; 2 quả lựu đạn còn nguyên kíp nổ”, ông Bùi Đức Thuyên, Trưởng Công an xã Văn Môn cho biết.

Tuy nhiên, ông Gia vẫn lo lắng, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở Văn Môn như thế nào để người dân không còn tái vi phạm, 100% người dân Văn Môn không thu thập đầu đạn, chất cháy nổ về kinh doanh. Bởi làng nghề buôn bán, tái chế phế liệu ở Văn Môn chưa có nơi sản xuất tập trung mà xen kẽ trong khu dân cư, khiến ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ cao.

Theo ông Bùi Đức Thuyên, xã hiện trang bị rất nhiều bình chữa cháy nhưng Văn Môn chưa có hồ chứa nước PCCC, địa bàn lại rất ít ao hồ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.