Thị trường

Quản lý thực phẩm: Có tình trạng né tránh trách nhiệm

19/01/2018, 18:29

Theo Chánh VP Quỹ Chống hàng giả Hồ Quang Thái, cơ quan chức năng thực thi chưa chặt, còn né tránh trách nhiệm...

Quan-ly-thuc-pham-co-tinh-trang-ne-tranh-trach-nhi

Theo Chánh VP Quỹ Chống hàng giả Hồ Quang Thái, cơ quan chức năng thực thi chưa chặt, còn tình trạng né tránh trách nhiệm. Ảnh minh hoạ

Tại Tọa đàm Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn mới đây, nhiều ý kiến cho rằng , còn tình trạng né tránh của các cơ quan chức năng trong quản lý thực phẩm, vận dụng các văn bản pháp luật chưa được triệt để…

Cụ thể, liên quan tới việc quản lý hóa chất trong thực phẩm, ông Hồ Quang Thái, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết: “Chúng tôi kiểm tra ở chợ Kim Biên (TP.HCM) thì thấy bày bán một cách công khai các chất kích thích cây cối mọc nhanh, tẩy hàng ôi thiu, hương liệu pha chế đồ uống... hay các tư thương dùng hoá chất để ướp tẩm thực phẩm như măng”, ông Thái nói. Trước nhận định người nông dân lạm dụng hóa chất trong chăn nuôi là do quản lý không chặt, ông Thái phân trần: “Biết là rất hại nhưng khi bắt giữ người sai phạm thì không xử lý được vì chưa có chế tài”.

Về phía nhà sản xuất, bà Bùi Bích Liên, Giám đốc Kinh doanh, thương hiệu Rfarm cũng nêu khó khăn khi chưa có bộ quy chuẩn cụ thể để sản xuất thực phẩm sạch. “Nếu bộ quy chuẩn không rõ ràng sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi các đoàn thanh tra khi đi kiểm tra. Có rất nhiều đoàn thanh tra của các bộ, ban ngành khác nhau xuống kiểm tra doanh nghiệp. Mỗi đoàn lại có nhiều tiêu chí, cách nhìn khác nhau khi đánh giá về các doanh nghiệp”, bà Liên nói.

Theo ông Thái, pháp luật hiện hành hiện có 5 luật, 3 nghị định, 3 thông tư liên tịch và hàng chục thông tư liên quan khác đến việc xử lý thực phẩm bẩn. Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 178 quy định rõ mức phạt với cá nhân, tổ chức vi phạm.

“Như vậy, pháp luật cơ bản đã hoàn thiện nhưng việc thực thi của các cơ quan chức năng dường như chưa chặt, có tình trạng né tránh trách nhiệm hoặc năng lực nghiên cứu, vận dụng các văn bản pháp luật chưa được triệt để”, ông Thái nói và kiến nghị phải giao cụ thể cho từng đơn vị quản lý. Ví dụ, thực phẩm bẩn liên quan đến nông nghiệp thì giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chặt chẽ, liên quan đến Bộ Y tế thì Bộ Y tế đứng ra chịu trách nhiệm… Đồng thời, Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả đề nghị phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trên thị trường. “Nếu xét thấy các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu sai phạm thì cần phải tiến hành thanh tra ngay”, ông Thái đề nghị.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC) nhấn mạnh đề nghị hết năm 2018 phải kiện toàn cơ bản xong bộ máy quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm các cấp theo hướng tập trung đầu mối, rõ trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Ngay ở cấp gần nhất là cấp xã phải phân công cán bộ theo dõi an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ quản lý an toàn thực phẩm ở các cấp. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.