Y tế

Quản thực phẩm chức năng: Con voi vẫn lọt lỗ kim

10/03/2019, 07:00

Cơ quan chức năng khẳng định, các sản phẩm TPCN ra thị trường đều phải làm đủ quy trình, vậy tại sao "con voi vẫn lọt lỗ kim"?

img
Thảo dược Toppy bị thu hồi để xét nghiệm, kiểm định lại chất lượng của sản phẩm

Thông tin liên tục đình chỉ lưu hành, thu hồi các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN), gồm: Tiểu đường hoàn Difoco và thảo dược Toppy trong những ngày qua khiến nhiều người bệnh tiểu đường hoang mang. Bởi lẽ, các sản phẩm đều đã được cơ quan chức năng cấp phép sản xuất, lưu hành với đăng ký thực phẩm chức năng (TPCN) an toàn cho người sử dụng.

Cả hai sản phẩm đều được công bố công dụng hỗ trợ làm giảm các biến chứng của bệnh tiểu đường, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, duy trì mức đường huyết ổn định cho người bệnh; công dụng giúp bổ âm, tiêu khát, hỗ trợ hạ đường huyết… và tất cả đều sản xuất từ nguyên liệu thảo dược.

Chỉ khi có những nghi vấn “chết người” từ cơ sở y tế, cơ quan quản lý mới nháo nhào phong tỏa, ra quyết định đình chỉ, cấm lưu hành… và đưa đi xét nghiệm kiểm định lại chất lượng của các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Ngày 7/3, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP, Bộ Y tế) khẳng định: “Các sản phẩm TPCN ra thị trường đều phải làm đủ quy trình, từ đăng ký công bố, phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng; Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP). Hơn nữa, khi sản phẩm ra thị trường, công tác quản lý hậu kiểm còn được nhiều cơ quan chức năng triển khai, từ Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương, Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục ATTP, các chi cục địa phương, quản lý thị trường, công an”.

Ông Phong cũng khẳng định: “Nếu phát hiện vi phạm, trước hết cơ quan chức năng sẽ yêu cầu thu hồi, xử phạt theo quy định của pháp luật theo Nghị định 115 về xử phạt hành chính vi phạm ATTP. Hoặc có thể rút giấy phép, dừng lưu thông… tùy mức độ vi phạm. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự phải chuyển cơ quan điều tra. Riêng trong năm 2018, Cục ATTP đã xử phạt vi phạm về ATTP lên đến hơn 6 tỷ, trong đó có nhiều vi phạm về TPCN”.

Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều người tiêu dùng đặt ra: “Vậy cơ quan quản lý quản chặt như vậy mà “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”, sản phẩm đến tay người tiêu dùng không đảm bảo an toàn thì người dùng biết tin vào đâu?”.

Theo chia sẻ của một chuyên gia y tế, thị trường TPCN trong nước đang phát triển một cách ồ ạt. Nếu năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có hơn 4 nghìn doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh, với khoảng gần 11 nghìn sản phẩm đang lưu hành. Cùng với sự phát triển nhanh về cơ sở sản xuất TPCN, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm TPCN cũng tăng cao. Đơn cử, tại TP HCM, tỷ lệ người dân sử dụng TPCN là 43%, còn ở Hà Nội, tỷ lệ này lên đến 68,1%.

Tuy nhiên, bên cạnh những DN sản xuất, kinh doanh chân chính, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, vẫn còn một số lượng không nhỏ những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẵn sàng làm ăn chụp giật, bất chấp quy định pháp luật bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí còn trà trộn chất cấm để thu lợi bất chính.

Đặc biệt, còn tồn tại khá phổ biến tình trạng nhiều sản phẩm TPCN được doanh nghiệp không ngần ngại “thổi phồng” công dụng, tính năng của sản phẩm dù thực tế không phải như vậy, gây tổn thất và thiệt hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.