Chính trị

Quốc hội quyết hàng loạt cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM

24/11/2017, 17:55

Chiều 24/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Tp.HCM

Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018

Chiều nay (24/11), Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018.

Tự quyết các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố

Theo đó, TP.HCM được áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

HĐND TP.HCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định; Quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách của thành phố theo quy định của Luật Đầu tư công, trừ dự án quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật Đầu tư công.

Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, HĐND TP.HCM đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

Việc thí điểm thực hiện chính sách thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố phải tuân thủ các nguyên tắc: Bảo đảm có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển của thành phố; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố; Công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước, bao gồm cả cải cách hành chính quản lý thuế.

23972698_1460653427380971_221944101_n

Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này so với quy định hiện hành để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.

Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và căn cứ vào tình hình thực tế của thành phố, HĐND thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Thành phố cũng được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.

Ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.

Ngân sách thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu...

Chưa thí điểm đánh thuế tài sản

Trước đó, báo cáo tiếp thu giải trình về việc thí điểm các chính sách thuế, phí, lệ phí, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến nhất trí việc ban hành thuế tài sản, trước mắt là thuế nhà, đất để thí điểm tại Thành phố. Một số ý kiến đề nghị không ban hành Luật để áp dụng thí điểm thuế tài sản đối với Thành phố, mà cần ban hành Luật để áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc.

UBTVQH thấy rằng, thuế tài sản là sắc thuế trực thu, có ảnh hưởng trực tiếp đến đại bộ phận người dân, đến thị trường bất động sản, đến sức cạnh tranh và môi trường đầu tư của Thành phố. Việc thực hiện thí điểm chỉ tại Thành phố sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa người dân, người có nhà, đất trên địa bàn Thành phố với những người sở hữu nhà, đất ở các địa phương khác.

Tiếp thu ý kiến, UBTVQH xin Quốc hội cho phép không quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, song đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành Luật Thuế tài sản để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo định hướng về cải cách hệ thống thuế quốc gia giai đoạn 2016-2020. Nội dung này đã được quy định tại khoản 2 Điều 8 của Dự thảo Nghị quyết.

Về thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, đa số ý kiến nhất trí với Dự thảo Nghị quyết giao thẩm quyền cho UBTVQH quyết định, nhưng chỉ tập trung vào một số sắc thuế nhất định và cần quy định trần tăng thuế suất cụ thể. Một số ý kiến đề nghị cho phép thí điểm mở rộng cơ sở thuế.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, để tránh tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, sức cạnh tranh và thu hút đầu tư của Thành phố, UBTVQH xin được sửa theo hướng chỉ tăng thuế suất đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, trong đó tập trung một số đối tượng cụ thể; không điều chỉnh tăng ở một số sắc thuế có tác động lớn đến sản xuất kinh doanh và môi trường đầu tư của Thành phố (như thuế xuất nhập khẩu, thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN…). 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.