Xã hội

Quốc hội ra nghị quyết để nghiêm trị "ma men" lái xe trong khi chờ sửa luật

17/05/2019, 18:11

Trong khi chờ sửa luật, Quốc hội sẽ bàn bạc, xem xét ra nghị quyết để xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp uống rượu bia lái xe.

img
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo

Chiều 17/5, tại cuộc họp báo thông tin giới thiệu chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: Trước tình hình lái xe sử dụng bia rượu gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, nhiều ý kiến cho rằng hình phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn hiện vẫn còn nhẹ, không đủ sức răn đe… Một số đại biểu Quốc hội đã đề nghị Quốc hội nên ra nghị quyết đối với vấn đề này đề kịp thời xử lý, trong khi chưa kịp sửa các luật liên quan.

“Quốc hội sẽ bàn và có thể ra nghị quyết chung hoặc riêng nhằm trước mắt hạn chế ngay việc vi phạm nồng độ cồn khi lái xe nói riêng và vi phạm trật tự an toàn giao thông nói chung”, ông Phúc nói.

Trước đó, thảo luận tại phiên họp 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu đã phản ánh về các vấn đề nóng nổi lên trong xã hội thời gian qua như tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng do dùng ma túy, rượu bia; các vụ trọng án về buôn bán ma túy; các vụ giết người nghiêm trọng... Nhiều đại biểu đề xuất, cần thiết đưa những nội dung này vào chương trình thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 để có hướng giải quyết kịp thời, bởi nếu chờ sửa luật sẽ rất chậm.

Đề cập đến tình trạng nhiều người đã uống rượu bia rồi vẫn cố tình điều khiển phương tiện giao thông, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần nâng mức xử phạt. Thậm chí, có thể bắt lao động công ích, như bắt nạo vét sông Tô Lịch, bởi nếu chỉ phạt tiền 15 đến 20 triệu đồng thì nhiều người sẵn sàng bỏ ra nộp ngay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình và cho biết, những vấn đề nóng sẽ được đưa vào nội dung gợi ý thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Đối với những vấn đề cấp bách chưa kịp sửa luật, trước mắt sẽ xử lý bằng các Nghị quyết của Quốc hội.

Liên quan đến chương trình kỳ họp thứ 7, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp lần này sẽ kéo dài trong 20 ngày làm việc, bắt đầu từ ngày 20/5 – 14/6. Theo đó, Quốc hội sẽ dành khoảng 12 ngày để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.

Cụ thể, 7 dự án luật xem xét, thông qua, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phỉ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Lao động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.