Showbiz

Quốc Trung: "Người Việt chi 2-3 triệu để nhậu, nhưng xem ca nhạc thì không"

30/04/2019, 14:08

Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, người Việt không có thói quen bỏ tiền để xem ca nhạc.

img
Nhạc sĩ Quốc Trung

Là nhà sản xuất đã tổ chức nhiều chương trình âm nhạc quốc tế thành công tại Việt Nam, trong đó có chuỗi chương trình Lễ hội âm nhạc Quốc tế Gió mùa, đối với nhạc sĩ Quốc Trung, anh vẫn buồn vì ý thức xem ca nhạc của nhiều khán giả Việt hiện nay.

Cùng với câu chuyện những show diễn của các nghệ sĩ quốc tế tại Việt Nam, nhạc sĩ Quốc Trung đã có những chia sẻ thẳng thắn liên quan tới vấn đề kinh phí, cũng như khả năng chi trả của khán giả Việt Nam hiện tại.

Nam nhạc sĩ khẳng định, Việt Nam không phải là một điểm đến tiềm năng với các ngôi sao quốc tế và chúng ta cũng không thể hy vọng điều này. Muốn thị trường âm nhạc mở cửa phải có thị trường âm nhạc đúng nghĩa, không chỉ có lượng mua vé mà còn nhiều yếu tố khác như vấn đề bản quyền. Âm nhạc chưa mang lại nguồn thu cho các nghệ sĩ nên họ không đặt ưu tiên đến Việt Nam.

Anh phân tích với những ngôi sao trên thế giới, 1 tour diễn có hàng trăm buổi và họ thu vài trăm triệu USD. Việt Nam có trả cho họ thêm 1 triệu USD thì cũng không phải ưu tiên của họ. Bởi, họ sẽ không mạo hiểm về tài chính để đến một nơi chưa biết đối tượng là ai, kinh nghiệm tổ chức như thế nào… điều đó rất rủi ro.

Thêm vào đó, khán giả Việt chưa thực sự có nhu cầu bỏ tiền để đi xem ca nhạc. Các nghệ sĩ quốc tế yêu cầu khoảng 30.000 khán giả với giá vé trung bình khoảng 100 USD là điều rất khó thực hiện ở Việt Nam. Trong khi, phải với mức giá như vậy và số lượng người như vậy mới đủ kinh phí để sản xuất một chương trình.

“Người Việt có thể bỏ ra 2-3 triệu để làm việc khác như đi nhậu, karaoke...nhưng bỏ tiền cho nhu cầu giải trí ca nhạc thì chưa thành nhu cầu thiết yếu. Do đó, những nhà sản xuất như chúng tôi đa phần phải dựa vào nguồn tài trợ từ nhãn hàng”, anh khẳng định.

Tuy nhiên, chính điều này lại tạo cho khán giả thói quen đi xem miễn phí, và cho rằng việc đi xem ngôi sao quốc tế với giá vẻ rẻ là chuyện bình thường. Hệ lụy là không chỉ gây khó khăn cho nhà tổ chức mà còn làm chính khán giả thiệt thòi khi họ ít cơ hội được tiếp cận với các ngôi sao quốc tế, cũng như hạn chế hòa nhập với thị trường âm nhạc quốc tế. Ngoài ra, không phải có nguồn tài trợ thì nhà sản xuất không lỗ. Show càng lớn, lỗ càng cao vì chi phí sản xuất, trang trải rất lớn, còn lượng khách lại rất hạn chế.

“Chúng ta phải giáo dục cho mọi người hiểu rằng, muốn được tiếp xúc với các nghệ sĩ như vậy thì cũng phải nuôi dưỡng nhà tổ chức, vì nếu cứ lỗ hay phá sản sẽ tạo những tiền lệ không tốt, làm thui chột sự phát triển của đời sống âm nhạc, khiến chúng ta tách biệt với thế giới. Không nhà sản xuất nào kinh doanh có lãi thì không bao giờ hy vọng tạo được sân chơi âm nhạc. Khi bỏ tiền, bạn sẽ có quyền được yêu cầu những ngôi sao mình yêu mến”, anh chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.