Điện ảnh

Quỹ đầu tư 1.150 tỷ có giúp điện ảnh “thăng hoa”?

04/08/2018, 06:49

Sự ra đời của các Quỹ hỗ trợ điện ảnh giúp các nhà làm phim bớt khó khăn về vấn đề tài chính...

Trường học bá vương là phim điện ảnh có sự hỗ trợ

“Trường học bá vương” là phim điện ảnh có sự hỗ trợ vốn của VEF

Khi 5 ông lớn bắt tay với điện ảnh

Những người làm điện ảnh Việt háo hức trước thông tin về sự ra đời của một quỹ hỗ trợ điện ảnh có tên gọi Quỹ Đầu tư giải trí Việt Nam (VEF). Đây là dạng quỹ đầu tư về giải trí mở, hoạt động theo mô hình Công ty Holdings (sở hữu cổ phần trong các công ty khác) đầu tiên tại Việt Nam với số vốn ban đầu khoảng 1.150 tỷ đồng. Đây là mô hình đã triển khai từ lâu và thành công ở nhiều nước có ngành công nghiệp phim phát triển của thế giới như: Quỹ Hoạt hình CA-Cygames, Quỹ Marvel Studio, Quỹ Anime Trung Quốc - Nhật Bản... Đáng chú ý, VEF chính là sự bắt tay của 5 ông lớn:  Yeah1CMG, R&B Capital Group, Surfing Holdings, MBC Studio, Green International đang hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam. Mục đích nhằm giúp đỡ, hỗ trợ để thúc đẩy ngành sản xuất phim, giúp điện ảnh trong nước phát triển và chuyên nghiệp hơn.

Theo đó, VEF sẽ có các chuyên gia đánh giá phim như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, NSX Lê Thanh Phong và NSX Nguyễn Cao Tùng. Họ sẽ cùng quyết định việc bỏ vốn hỗ trợ cho một bộ phim bất kỳ. Quỹ sẽ không trực tiếp tham gia vào lĩnh vực sản xuất phim mà chỉ hỗ trợ về vốn cho các đơn vị sản xuất, tư vấn về chiến lược truyền thông. Mục tiêu của quỹ là mỗi năm tham gia góp vốn cho khoảng 20 dự án phim điện ảnh. Hiện tại, nhiều dự án điện ảnh đã nằm trong danh sách hỗ trợ như: Trường học bá vương; Gameshow tử thần; Mùa tử đằng yêu em; Hoa lê ki ma thép.

Thực tế, tại Việt Nam đã có quỹ được lập để hỗ trợ cho các nhà làm phim như: Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trẻ TPD (dành những bạn trẻ đam mê làm phim). Hội đồng bảo trợ của quỹ đều là những tên tuổi như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Phan Huyền Thư… Hàng tuần, đơn vị lập quỹ đều tổ chức các sự kiện chiếu phim để gây quỹ. Bộ VH, TT&DL cũng đang thực hiện đề án Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh để hỗ trợ, khuyến khích và chia sẻ khó khăn với các nhà sản xuất phim. Theo đề án, quỹ sẽ có vốn do Thủ tướng Chính phủ cấp khi thành lập. Ngoài ra, còn có các nguồn thu từ việc trích tỉ lệ phần trăm trên giá vé xem phim tại các rạp chiếu (đề nghị 3%), phát hành và phổ biến những phim được sản xuất có sử dụng ngân sách Nhà nước…

Giải pháp cho người làm phim Việt

Trung bình mỗi phim điện ảnh Việt ra đời hiện nay, kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Sự hỗ trợ này giúp các nhà sản xuất bớt đi gánh nặng kinh phí. Theo ông Richard Le (Chủ tịch HĐQT của Yeah1CMG - 1 trong 5 cổ đông của VEF), các nhà làm phim gửi kịch bản và lời đề nghị hỗ trợ cho VEF. Quỹ sẽ thông qua Ban đánh giá phim rồi mới quyết định đầu tư hay không và đầu tư bao nhiêu. Việc đánh giá dựa theo những tiêu chí cụ thể như: Đạo diễn, kịch bản, diễn viên chính, thể loại phim, nhà sản xuất, nhà phát hành… Nếu đơn vị sản xuất cần ý kiến tư vấn hay hỗ trợ về kịch bản, sáng tạo từ nhóm chuyên gia trong hệ thống của quỹ thì sẽ có sự hỗ trợ. “Đầu tư 5-40% vào dự án phim, chúng tôi sẽ không can thiệp vào quá trình sản xuất bộ phim”, ông cho hay.

Tương tự VEF, dù mang tính nội bộ nhưng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trẻ TPD cũng đang là nơi nhiều bạn trẻ mê làm phim tìm đến. Anh Hoàng Phương (đại diện của Trung tâm Hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam TPD) cho hay, nhiều dự án phim được làm từ vốn tài trợ đã giành giải tại các giải thưởng điện ảnh chuyên nghiệp trong nước và quốc tế như: Cánh Diều, LHP Yxineff… Mỗi năm, có nhiều hồ sơ xin tài trợ, ban thẩm định sẽ đánh giá quyết định có tài trợ hay không. Trung bình một năm, quỹ sẽ hỗ trợ khoảng 10 dự án phim. Ngoài kinh phí, các nhà làm phim trẻ còn được hỗ trợ máy móc, kỹ thuật.

Hồ hởi vì sự phát triển của Quỹ hỗ trợ, diễn viên Kiều Minh Tuấn tiết lộ, đang chuẩn bị sản xuất một bộ phim nhưng gặp khó khăn trong xin tài trợ vốn. Do đó, việc có một quỹ đầu tư cho điện ảnh sẽ giúp nhà sản xuất được bảo trợ, tư vấn bởi hội đồng thẩm định là những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. “Họ có thể giúp các nhà làm phim định hướng được hướng đi tốt, gần nhất với tiêu chí mà mình lựa chọn. Đây là sự tác động chính xác theo hướng đi đường dài cho các nhà làm phim. Xu hướng điện ảnh, văn hóa giải trí phát triển nên bắt tay nhau là cần thiết, không thể mạnh ai nấy làm được”, Kiều Minh Tuấn nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.