Xã hội

Rải tiền lẻ ở đền chùa xúc phạm thần linh

16/02/2019, 14:00

Do thiếu hiểu biết, lối sống thực dụng và thói a dua khiến đi lễ hội, lễ chùa đầu năm biến tướng thành hoạt động thương mại.

img
PGS. TS. Chu Văn Tuấn

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Chu Văn Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Do thiếu hiểu biết, lối sống thực dụng và thói a dua khiến đi lễ hội, lễ chùa đầu năm biến tướng thành hoạt động thương mại.

Rải tiền lẻ khi đi lễ chùa là xúc phạm thần linh

Hiện tại, chúng ta đang ở mùa lễ hội, không thể phủ nhận niềm vui của mọi người dịp du xuân đầu năm, nhưng cũng có không ít buồn phiền về tình trạng chen lấn, xô đẩy, trộm cắp, say xỉn, TNGT… Là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông nghĩ gì về thực trạng trên?

Tôi thấy đây là vấn đề đã được nhắc đến trong nhiều năm nay. Báo chí phản ánh nhiều, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà quản lý cũng lên tiếng, nhưng những hiện tượng phản cảm trong các lễ hội vẫn không hề giảm đi. Những điều phản cảm đó làm mất đi nhiều nét đẹp của lễ hội, làm mất tính linh thiêng của không gian tôn giáo, gây nên sự bực bội, khó chịu của những người tham gia, đặc biệt là sự bức xúc xã hội.

Theo ông, vì sao vài năm gần đây hiện tượng chen lấn, xô đẩy khi đi lễ hội, tranh nhau lấy ấn hay nhét tiền lẻ vào tay tượng, gốc cây ở đình, đền thờ… trở thành vấn nạn nhức nhối?

Những năm gần đây, cuộc sống của người dân được nâng cao, đây là điều kiện quan trọng để mọi người tham gia vào các lễ hội nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội công tác tổ chức không tốt, mang tính thương mại nhiều hơn là duy trì nét đẹp văn hóa truyền thống, khiến lễ hội trở nên xô bồ. Người dân đi lễ hội thiếu hiểu biết về tín ngưỡng, tôn giáo, thiếu hiểu biết về lễ hội lại không được hướng dẫn một cách rõ ràng nên có những hành vi phản cảm là một tất yếu.

Tôi hết sức phản đối việc rải tiền lẻ khắp các ban trong cơ sở thờ tự, việc nhét tiền lẻ vào tay Phật, vào gốc cây… Đây là hành động hết sức phản cảm, không có giá trị về mặt tâm linh, thậm chí còn là sự xúc phạm đến thần linh. Đến với các không gian tín ngưỡng, tôn giáo, điều quan trọng nhất mà mọi người cần có là sự thành tâm, thành kính, trang nghiêm, là những mong cầu về những điều tốt đẹp.

Chưa dừng ở đó, có một thực tế là rất nhiều người đi lễ theo phong trào. Họ không biết hoặc không cần quan tâm chùa ấy, đền ấy thờ ai, lịch sử thế nào?

Việc nhiều người đi lễ hội, đến các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo theo phong trào, họ không biết nơi đó thờ ai, lịch sử như thế nào là hiện tượng khá phổ biến và cũng hết sức bình thường, chúng ta không thể yêu cầu họ nắm được những chuyện đó. Điều mà chúng ta yêu cầu họ thực hiện là ứng xử một cách có văn hóa tại các lễ hội, các không gian tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là những không gian thiêng, chúng ta không thể tùy tiện ứng xử, thích làm gì thì làm, mặc gì thì mặc…

img
Chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM

Suy nghĩ lệch chuẩn vì thiếu hiểu biết, lối sống thực dụng

Phải chăng, chúng ta đang đánh đồng giữa việc đi lễ tìm đến chốn thanh tịnh để hướng về cõi thiện, thanh lọc tâm hồn thành đi cầu may mắn, công danh, tiền tài… Chưa kể những cô gái xinh đẹp nhưng lại ăn mặc, nói năng vô duyên trước cửa chùa cũng khiến nhiều người dở khóc dở cười, thưa tiến sĩ?

Mỗi người đi du xuân, đi chùa với một tâm thế khác nhau, một mục đích khác nhau và cả với văn hóa khác nhau. Những gì báo chí, các phương tiện truyền thông phản ánh nhiều trong những năm gần đây về sự gia tăng những hiện tượng phản cảm, thương mại hóa trong các lễ hội xuân thì có thể thấy rằng, nhiều người đi lễ vì mục đích thực dụng. Để hạn chế những hiện tượng ăn mặc phản cảm, nói năng, ứng xử vô duyên trong không gian thiêng, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cần tăng cường các biện pháp: Thông báo thường xuyên, tăng cường các biển thông báo, phân công người bảo vệ kịp thời nhắc nhở, giám sát…

Theo ông, do đâu chúng ta ngày càng có những suy nghĩ lệch chuẩn như vậy?

Do thiếu hiểu biết, do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, coi trọng giá trị đồng tiền, nghĩ rằng có tiền thì làm việc gì cũng được. Rồi cũng còn do tâm lý đám đông, adua. Một hành vi lệch chuẩn nếu không được uốn nắn kịp thời sẽ bị đám đông bắt chước. Chẳng hạn, việc rải tiền lẻ, nhét tiền vào tay tượng, vào gốc cây vẫn xảy ra.

Vậy thế nào là đi lễ hội, đi chùa văn minh, tránh biến tướng thành thương mại, thưa ông?

Đi lễ hội, đi chùa là để tìm hiểu về giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, hiểu biết về nét đẹp của mỗi vùng miền khác nhau. Đi lễ hội, đi chùa một cách văn minh chính là tìm kiếm sự bình an trong tâm hồn, để cầu mong những điều tốt đẹp, hướng về cõi thiện.

Đi lễ hội, đi chùa cũng chính là để thực hành niềm tin tôn giáo của mình. Còn nếu đi lễ hội, đi chùa chỉ với mong muốn tranh giành đồ lễ, cầu tài, cầu lộc… thì sẽ dễ biến tướng thành thương mại. Đi lễ hội, đi chùa văn minh chính là giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Cảm ơn ông!

Hòa thượng Thích Gia Quang (Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cho biết, đi lễ hội, lễ chùa đều phải xuất phát từ lòng thành kính, cầu bình an, sức khoẻ và những điều tốt đẹp cho xã hội. Nhưng thực tế nhiều năm nay, việc đi lễ hội, lễ chùa đầu năm dần biến tướng thành các hoạt động mang tính chất thương mại hóa.

Lý giải về thực trạng này, Hòa thượng Thích Gia Quang cho hay: “Nguyên nhân của những suy nghĩ lệch chuẩn trên do ảnh hưởng của thời buổi kinh tế thị trường. Lúc đó, tôn giáo đã bị lợi dụng, đánh đồng với việc trao đổi thương mại chứ không còn mang ý nghĩa đơn thuần hướng đến những điều tốt đẹp trong tâm hồn, đạo đức.

Đi lễ hội, lễ chùa là đến những tấm gương đạo đức, những bậc tiền nhân có công với đất nước, nhân dân để từ đó học tập theo đức hạnh của các ngài. Những việc làm như: Rải tiền lẻ, tranh cướp lộc… là các hoạt động mang tính chất thương mại hóa. Điều này là trái với ý nghĩa của lễ hội và tôn chỉ của nhà Phật”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.