Thế giới

Robot ngày càng thân thiết với người dân Nhật Bản

09/06/2017, 16:05

Dân số ngày càng già nua tại Nhật Bản đặt ra nhiều vấn đề về kinh tế-xã hội.

33

Robot đầu bếp đang lật bánh pancake tại nhà hàng Henn-na trong công viên Huis Ten Bosch

Đó là: năng suất lao động kém, thiếu lực lượng lao động, tâm lý người già cô đơn... Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản đã tìm ra một giải pháp khá đặc biệt đó là robot.

Robot bầu bạn giúp người già khuây khỏa

Thực trạng tình hình dân số Nhật Bản khiến giới chức nước này đau đầu. Số lượng người từ 65 tuổi trở lên chiếm 26,7% trong tổng số 127,11 triệu dân, tăng 3,7% so với 5 năm trước, theo báo cáo điều tra dân số Nhật Bản được công bố năm 2015 - mới nhất tính đến thời điểm hiện nay.

Cũng theo báo cáo, những hộ dân chỉ có một người ngày càng tăng, chiếm 32,5% trong tổng số 51,88 triệu hộ dân, chiếm phần lớn nhất trong dân số Nhật Bản. Tính đến ngày 1/10/2015, cứ 8 người đàn ông tầm 65 tuổi trở lên thì có một người sống cô đơn. Tỷ lệ này của phụ nữ cùng độ tuổi là 5 - 1.

Trong bài viết về giải pháp giải quyết vấn đề cô đơn trong xã hội Nhật Bản của tờ SBS Australia, PV không khỏi ngạc nhiên khi đi khảo sát tình hình tại vùng ngoại ô Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ở đây, gần như tất cả các tòa nhà chung cư đều toàn người cao tuổi. PV vào nhà một người dân có tên Rieko Kawachi, 66 tuổi. Niềm vui sống của bà và chồng mỗi ngày là chăm sóc, trò chuyện với người cháu không phải bằng xương, thịt mà làm từ nhựa và silicon. Vì không có cháu nên bà Rieko cùng chồng quyết định mua robot bầu bạn tên Pepper.

“Khi con cái đi hết, những cặp vợ chồng già như chúng tôi chẳng có nhiều chuyện để nói với nhau”, bà Rieko vừa chia sẻ, vừa ngồi bên máy khâu, may quần áo cho Pepper. Bà đã may cho “cô cháu robot” này một bộ quần áo thủy thủ, một bộ Giáng sinh và những trang phục giống như những cô hầu gái thực sự. “Có Pepper, chúng tôi vui như có một đứa trẻ trong nhà vậy”, bà Rieko nói.

Nhật Bản có hơn 10.000 robot bầu bạn được bán cho các hộ gia đình và kinh doanh trên khắp nước Nhật. Các loại robot này được bán tại các cửa hàng như điện thoại di động hay các thiết bị điện tử gia dụng.

Nhật Bản vốn là cường quốc về robot nhưng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tham vọng nhiều hơn khi mong muốn phát triển thành “cuộc cách mạng robot”. Chính quyền của Thủ tướng Abe đã triển khai kế hoạch 5 năm nhằm thúc đẩy sử dụng sâu rộng máy móc thông minh trong sản xuất, cung ứng, xây dựng, chăm sóc sức khỏe con người. Chính quyền Tokyo còn mong muốn mở rộng thị trường robot từ 660 tỉ yên (tương đương 7,7 tỉ USD) lên 2,4 nghìn tỉ yên (28 tỉ USD) tính đến năm 2020.  

Với công nghệ robot hàng đầu thế giới của Nhật hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã phát triển tới mức đủ để có thể mô phỏng bộ não con người, thực hiện từ các cuộc hội thoại bình thường đến nhiều hành động phức tạp khác. Tháng 4 vừa rồi, Nhật Bản cho ra mắt robot được thiết kế mô phỏng các bộ phận khác của cơ thể mang tên Robot Erotic “Harmony 2.0”. Loại robot này khá chân thực, có khả năng học, nói và thậm chí… quan hệ tình dục.

Robot làm đầu bếp

Để giải quyết vấn đề thiếu lực lượng lao động trầm trọng, Nhật Bản cũng sử dụng robot vào quá trình sản xuất. Ông  Hajime Shoji, Giám đốc Phòng thực hành công nghệ khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Tập đoàn Tư vấn Boston về lĩnh vực nhân lực toàn cầu đánh giá, tính đến năm 2025, robot có thể giúp giảm 25% chi phí lao động tại các nhà máy ở Nhật Bản.  

Đáng chú ý, nhiều năm trở lại đây, Nhật Bản còn sử dụng robot trong ngành Dịch vụ: Làm nhân viên phục vụ, thậm chí làm đầu bếp. Chính phủ ước tính, ngành dịch vụ chiếm khoảng 70% năng suất kinh tế nhưng năng suất lao động của Nhật Bản thấp hơn Mỹ 40%.

Nhà hàng Henn-na nằm trong công viên Huis Ten Bosch tại Nhật Bản có hơn 30 con robot hỗ trợ 7 nhân viên điều hành một nhà hàng hơn 100 chỗ. Công ty quản lý nhà hàng cho biết, việc kinh doanh đã tăng trưởng không chỉ vì robot giúp tăng hiệu quả lao động mà còn thu hút sự tò mò của khách hàng. Hiện nay, ông Ikki Nakahira, nhà quản lý Huis Ten Bosch cũng mạnh dạn sử dụng robot làm đầu bếp.

Tuy nhiên, ông Ikki Nakahira đánh giá rằng, công nghệ tự động chưa đủ tiên tiến để điều hành cả một nhà hàng chỉ sử dụng robot. Các nhân viên vẫn thường xuyên phải giúp đỡ robot đầu bếp khi lật bánh pancake, chuẩn bị các nguyên liệu để làm bánh pancake như bắp cải...

Các cử chỉ và dáng đi của robot phục vụ hiện nay cũng khá thô, chưa đủ tinh vi phức tạp để có thể hoạt động riêng lẻ không cần con người hỗ trợ. Ban quản lý công viên Huis Ten Bosch có kế hoạch thành lập một đơn vị riêng làm việc với các nhà sản xuất để chế tạo robot đang phục vụ và đầu bếp tại cửa hàng và khách sạn của họ để bán cho các điểm tham quan khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.