Thế giới giao thông

Robot taxi đầu tiên trên thế giới hoạt động như thế nào?

17/11/2017, 08:01

Navya, một công ty khởi nghiệp của Pháp vừa cho ra mắt taxi robot đầu tiên trên thế giới.

21

Chiếc Autonom của Navya trên đường phố Paris

Navya, một công ty khởi nghiệp của Pháp vừa cho ra mắt taxi robot đầu tiên trên thế giới. Sự kiện này được đánh giá là sẽ mang đến một thay đổi vượt trội trong lĩnh vực ôtô, xe máy, nối tiếp công nghệ tự động lái đối với ngành dịch vụ taxi trên toàn cầu vì mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, giảm tắc đường, ô nhiễm.

Như trong phim viễn tưởng

Như một phương tiện đi ra từ những bộ phim khoa học viễn tưởng, chiếc taxi hoàn toàn tự động lái mang tên Autonum Cab của Navya đã được công bố trong một sự kiện tổ chức tại Thủ đô Paris. Công ty khởi nghiệp của Pháp khẳng định, chiếc xe này là phương tiện taxi robot đầu tiên trên thế giới.

Dù danh xưng này có thể sẽ khiến các đối thủ khác đang nghiên cứu các loại xe tự động như: Waymo, Uber và Cruise chạnh lòng nhưng xét về nội thất và các bố trí bên trong cabin, việc gọi chiếc xe này là “taxi robot” đầu tiên trên thế giới cũng không sai.

Autonum Cab được thiết kế hoàn toàn tự động: Không có vô lăng, không cần số và cũng không cần chân phanh, tương đương mức độ tự động hoá thứ 4. Để làm được điều này, chiếc xe được trang bị 10 hệ thống LiDAR (hệ thống được dùng để vẽ bản đồ địa hình từ trên không bằng tia laser) và 6 camera, 4 radar, 1 máy tính có thể thu thập thông tin, xử lý các dữ liệu cảm ứng và chỉ lệnh tức khắc cho việc điều khiển xe.

Xe chạy hoàn toàn bằng điện, có thể chở được 6 hành khách một lúc với tốc độ trung bình 50-60km/h và tối đa là 80km/h.

Song, phía công ty không cung cấp chi tiết về loại pin được sử dụng cho xe cũng như thời gian pin hoạt động. Chiếc taxi robot dự kiến được bán với giá khoảng 290.000 USD.

Dù nghe kế hoạch này có vẻ xa vời nhưng thế giới hoàn toàn có thể tin một ngày, taxi tự động lái đi vào hoạt động. Bởi, trước Navya, tại Singapore, công ty khởi nghiệp phần mềm phương tiện tự động lái nuTonomy đã thực hiện chuyến thử nghiệm thực tế đầu tiên với hành khách là những thành viên công cộng được chọn lựa và đi thử miễn phí.

Nhưng, phương tiện này vẫn thua Navya ở chỗ vẫn cần một người điều khiển ngồi phía trước để sẵn sàng cầm lái trong trường hợp khẩn cấp. Mỗi xe được trang bị 6 hệ thống Lidar, 2 camera trên bảng điều khiển để phát hiện các vật thể và sự thay đổi của đèn tín hiệu.

Cô Olivia Seow, 25 tuổi (đang làm việc trong một đối tác khởi nghiệp của nuTonomy) đã được chọn làm một trong những hành khách thử nghiệm chia sẻ, cô khá hồi hộp khi lên xe và rất ngạc nhiên khi chứng kiến bánh lái tự xoay mà không cần người điều khiển.

“Tôi cảm thấy như thể có “ma” đang điều khiển nó vậy”, cô gái trẻ kể lại. Tuy nhiên, cô nhanh chóng thích nghi và cảm nhận chuyến đi rất êm. Cô thấy cảm nhận an toàn vì xe có thể nhận biết được cả những trở ngại nhỏ nhất như một chú chim hay xe máy đỗ gần đó mà chính bản thân cô cũng không nhìn thấy.

Trước công ty của Singapore, một số công ty khác như Google và Volvo cũng thử nghiệm xe tự lái trên đường phố thực từ nhiều năm nay nhưng chưa đến mức hoàn toàn tự lái như Autonum Cab hay cho phép người dân đi thử như nuTonomy.

Hạn chế phương tiện cá nhân, giảm tắc đường

Các công ty khởi nghiệp trong ngành taxi tự động lái không khó để nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong việc cấp phép thử nghiệm trên đường phố thực vì họ đánh trúng tâm lý muốn hướng đến giảm lượng phương tiện cá nhân của các nhà chức trách.

Giám đốc điều hành Navya, Christophe Sapet nhận định: “Hãy tưởng tượng nếu các thành phố chỉ có phương tiện Autonom hoạt động, chắc chắn sẽ không xảy ra tắc đường, không lo lắng vấn đề đỗ xe, hạn chế TNGT, ít ô nhiễm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy, tình hình sở hữu xe cá nhân đang thay đổi chóng mặt, đặc biệt ở thế hệ trẻ”.

“Ngày càng ít người trẻ sở hữu bằng lái xe cũng như không còn nhiều người mong muốn sở hữu ô tô cá nhân. Họ đang hướng tới một giải pháp di chuyển có thể hoạt động và chấp nhận 24/7, đảm bảo tự do sử dụng, thoải mái và cắt giảm chi phí”.

Thậm chí, theo Navya, Autonom Cab có khả năng “xử lý” các dữ liệu về tình hình tắc nghẽn giao thông để chọn ra một tuyến đường hiệu quả nhất.

Song song với Autonom Cab, Navya có kế hoạch công bố một ứng dụng điện thoại cho phép người dùng có thể gọi xe chỉ bằng vài cú nhấn như kiểu Uber. Khi xe tới, cửa taxi sẽ mở và đóng lại cũng chỉ bằng những động tác nhấn nhẹ.

Navya không định dừng chân ở Pháp. Hiện nay, công ty đã có các thoả thuận hợp tác đang có hiệu lực với nhiều cơ quan giao thông trên thế giới, để sớm đưa Autonom Cab ra đường phố càng sớm càng tốt. Một trong những đối tác của công ty Pháp, đó là Keolis vừa góp phần vào kế hoạch ra mắt chương trình thử nghiệm kéo dài 1 năm tại Las Vegas, sử dụng phương tiện của Navya.

Còn nuTonomy dự định sẽ có một dàn xe taxi tự động lái hoàn toàn tại Singapore vào năm 2018 cũng với kỳ vọng cắt giảm lượng lớn phương tiện trên đường phố chật hẹp của đảo quốc này từ 900.000 xuống 300.000 xe. Nếu thành công, họ sẽ mở rộng ra toàn thế giới. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.