Giao thông

Rốt ráo gỡ vướng để thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận năm 2020

20/04/2019, 20:41

Nhà đầu tư dự án đang chuẩn bị triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020.

img
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận thông tin về tình hình triển khai dự án trên công trường ngày 20/4

Mời kiểm toán, công an khoanh vùng sai phạm của Công ty Yên Khánh

Chiều nay (20/4), tại hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (nhà đầu tư mới của dự án) cho biết, theo thông báo kết luận số 99 của Thường trực Chính phủ ngày 18/3/2019, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ phải thông tuyến vào cuối năm 2020.

“Đây là mục tiêu không dễ thực hiện”, ông Hoàng nói và cho biết, mới đây, ngày 17/4/2019, cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã có báo cáo về hiện trạng dự án. Theo đó, dù đã triển khai thi công 19/24 gói thầu xây lắp, nhưng so với tháng 11/2018, tiến độ công việc gần như không tiến triển do còn quá nhiều vướng mắc chưa được giải quyết, nhất là về cơ chế tài chính, nguồn vốn thực hiện. Đến nay, sau hơn 4 năm khởi công, dự án mới thi công đạt khoảng 15% tổng khối lượng.

“Cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng nhận định, nếu nhà đầu tư và các cơ quan liên quan không tập trung, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, dự án sẽ không kịp tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hoàng thông tin.

Cũng theo ông Hoàng, những khó khăn vướng mắc tại dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có điểm tương đồng với dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn như: Năng lực nhà đầu tư yếu, dự án không vay được vốn tín dụng do lãi suất vay vốn trong hợp đồng dự án thấp hơn nhiều so với lãi suất vay vốn tín dụng, trong liên danh nhà đầu tư có nhà đầu tư bị khởi tố hình sự,…

Đối với cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, sau khi được Bộ GTVT chấp thuận tăng cường năng lực cho nhà đầu tư bổ sung cổ đông mới là Tập đoàn Đèo Cả để tháo gỡ các khó khăn, dự án đã có chuyển biến tích cực tức thời. Dự án đã đồng loạt thi công trên toàn tuyến, nhanh chóng bù lại tiến độ bị âm trước đó. Dự kiến cuối năm 2019, tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ hoàn thành, vượt tiến độ 3 tháng.

“Với những điểm tương đồng đó và cách giải quyết khó khăn, vướng mắc tương tự, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn toàn có thể thành công và về đích đúng tiến độ nếu như áp dụng các giải pháp, phương cách mà nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã áp dụng”, ông Hoàng nói.

Về phía doanh nghiệp dự án, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sau khi sắp xếp, bổ sung nhà đầu tư đủ năng lực tham gia các bên liên danh (Tập đoàn Đèo Cả), đã tập trung triển khai một loạt công việc để triển khai trở lại dự án. Cụ thể, liên danh nhà đầu tư đã tổ chức đại hội đồng cổ đông vào ngày 21/3/2019 và thống nhất việc tiếp tục triển khai dự án, các giải pháp cần phải khẩn trương thực hiện đồng bộ và toàn diện.

Đồng thời, doanh nghiệp dự án cũng kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy quản trị và điều hành công ty, quản lý điều hành dự án; huy động tất cả các nguồn lực sẵn có của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán từ 27/3/2019, dự kiến giữa tháng 5/2019 sẽ hoàn thành đợt kiểm toán.

“Ngoài ra, doanh nghiệp dự án chủ động mời cơ quan thuế vào làm việc từ 19/4/2019. Dự kiến ngày 30/4/2019 sẽ hoàn thành kiểm tra. Doanh nghiệp dự án cũng chủ động làm việc với cơ quan công an để khoanh vùng những sai phạm của nhà đầu tư Công ty Yên Khánh để đảm bảo triển khai tiếp dự án”, ông Hoàng nói và cho biết, nhà đầu tư đã chủ động rà soát năng lực nhà thầu xây lắp, các giải pháp kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng của chủ đầu tư, các tư vấn để xem xét điều chỉnh theo quy định và hoàn thành trong tháng 4/2019.

Hàng loạt giải pháp để dự án về đích đúng tiến độ

Ông Mai Hạnh Hồng, Tổng giám đốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, từ khi tái sắp xếp, bổ sung Tập đoàn Đèo Cả tham gia vào liên danh nhà đầu tư (tháng 3/2019), nhiều công việc đã được triển khai, các nghiên cứu lựa chọn giải pháp kỹ thuật tối ưu, điều chỉnh thiết kế để bù đắp tiến độ đã được thực hiện. Cùng đó, các giải pháp tổ chức lại thi công, kế hoạch chi tiết tập kết vật liệu xây dựng và hoàn chỉnh lại bộ máy…

Theo ông Hồng, để dự án thông tuyến vào năm 2020, doanh nghiệp dự án đề nghị các bộ, ngành và UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo quyết liệt, đồng hành cùng nhà đầu tư kịp thời tháo gỡ những khó khăn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 99 ngày 18/3/2019.

Đồng thời, nhà đầu tư sẽ tổ chức rà soát, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công, trong đó lựa chọn và áp dụng các công nghệ mới nhằm điều chỉnh các giải pháp xử lý nền đất yếu theo hướng rút ngắn thời gian xử lý xuống dưới 300 ngày; điều chỉnh, thay đổi thiết kế một số hạng mục chính khác nhằm đảm bảo chất lượng công trình và rút ngắn thời gian thi công.

“Đến nay, tư vấn thiết kế đã có báo cáo rà soát, điều chỉnh giải pháp thiết kế và đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, đánh giá là phù hợp”, ông Hồng nói.

Cũng theo ông Hồng, thời gian tới, nhà đầu tư sẽ rà soát, đánh giá lại năng lực các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát để bổ sung, tăng cường nhà thầu đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm và tổ chức thi công đồng loạt trên toàn dự án; Đồng thời, áp dụng các giải pháp tổ chức thi công tối ưu bù đắp tiến độ, kiểm soát khối lượng theo hướng chuyên nghiệp hóa trong các công việc; Vận dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, tập kết sẵn sàng vật liệu thi công; Có biện pháp bình ổn giá vật liệu, tận dụng đất tại chỗ để đắp bao, tập kết cấp phối đá dăm về hiện trường dự án để sử dụng gia tải xử lý nền đất yếu, sau đó luân chuyển để làm móng mặt đường, nhằm rút ngắn thời gian thi công.

“Nhà đầu tư sẽ đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện ngay các công việc thuộc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chỉ đạo các cơ quan thực hiện ngay các công việc thuộc trách nhiệm như: Phê duyệt điều chỉnh dự án, ký phụ lục hợp đồng BOT, giải phóng mặt bằng bàn giao 100% mặt bằng cho nhà thầu... để đảm bảo việc thông tuyến mà UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư cam kết trước Thường trực Chính phủ và người dân”, ông Hồng chia sẻ.

img
Sau khi Tập đoàn Đèo Cả được chấp thuận bổ sung vào liên danh nhà đầu tư, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thi công trở lại

Đối với các nhà thầu thi công tại dự án, ông Hồng cho biết, hiện hầu hết các gói thầu đều dừng triển khai thi công hoặc triển khai thi công cầm chừng. Đặc biệt tại các gói thầu: XL07, XL08, XL09 phạm vi công việc của nhà thầu CII E&C, Hoàng An,… thực hiện đã dừng thi công hoàn toàn.

“Doanh nghiệp dự án chỉ đạo các đơn vị tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát báo cáo đánh giá cụ thể vướng mắc khó khăn và khả năng về mặt tài chính của các nhà thầu, nêu rõ thực trạng về nguồn vốn để thực hiện dự án. Với các vị trí đã tập kết máy móc thiết bị, doanh nghiệp dự án thực hiện chỉ đạo các nhà thầu sớm triển khai thi công hoàn thành gói thầu để đảm bảo tiến độ thông xe trong năm 2020”, ông Hồng nói và cho biết, ban điều hành Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ thống nhất với Tập đoàn Đèo Cả để đưa các giải pháp chia sẻ với các nhà thầu thực hiện việc cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua việc bình ổn giá, cung cấp vật liệu và vật tư cơ bản nhằm tháo gỡ trước mắt để đưa dự án thi công trở lại.

Lãi suất vốn vay được điều chỉnh

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, vướng mắc lớn nhất hiện nay của dự án là việc chênh lệch lãi suất vốn vay trong hợp đồng dự án với lãi suất trong hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng với nhà đầu tư, khiến các ngân hàng tài trợ vốn dù đã ký hợp đồng tín dụng nhưng chưa giải ngân cho doanh nghiệp dự án. Cụ thể, lãi suất vốn vay trong phương án tài chính được phê duyệt ngày 15/6/2017 là 7,82%/năm, thấp hơn hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng 10,8%/năm (thấp hơn 2,98%/năm).

Trả lời Báo Giao thông về việc sắp tới, vấn đề sẽ được tháo gỡ thế nào, ông Hồ Minh Hoàng nói: “Hiện nay, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 88/2019, lãi suất vốn vay của các dự án PPP được tính bằng mức bình quân của 3 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank). Sắp tới, khi UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt lại dự án đầu tư của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, lãi suất vốn vay của dự án sẽ được điều chỉnh phù hợp với thực tế hiện nay”.

Về phía nhà thầu thi công tại dự án, ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng B.M.T cho biết, thời gian qua, khi tham gia vào cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhà thầu gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nguồn tài chính. "Vừa qua, với sự vào cuộc quyết liệt của Tập đoàn Đèo Cả, những nút thắt của dự án đã dần được tháo gỡ. Sắp tới, chúng tôi cam kết sẽ chung tay cùng nhà đầu tư để hoàn thành dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông xe toàn tuyến vào năm 2020”, ông Hùng nói.

Đảm nhiệm vai trò là nhà thầu tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Đỗ Minh Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, trước đây, dự án gặp rất nhiều khó khăn dẫn tới tiến độ thi công chưa đạt yêu cầu. ”Đến nay, bằng sự quyết tâm của nhà đầu tư Đèo Cả, dự án đã có chuyển biến tích cực”, ông Dũng nói và cho biết, với trách nhiệm là tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, TEDI sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên có liên quan, nhất là chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề về kỹ thuật để đảm bảo tiến độ dự án.

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu để rút ngắn thời gian thi công các hạng mục tại dự án, đặc biệt là công tác xử lý nền đất yếu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định để đảm bảo tiến độ, thông toàn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào cuối năm 2020”, ông Dũng nói.

Theo quyết định phê duyệt dự án ban đầu, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1km, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với QL30. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 9.668,5 tỷ đồng, dự án do liên danh Tuấn Lộc - Yên Khánh - BMT - Thắng Lợi - Hoàng An - Cầu đường CII làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.