Kinh tế

Rủi ro thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

13/12/2018, 06:50

Sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng vẫn tù mù cả thông tin lẫn chính sách là rủi ro không nhỏ...

6

Nha Trang hiện là thị trường cung ứng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng lớn nhất cả nước - Ảnh: Khánh Hòa

Cung nhiều cầu ít

Theo báo cáo quý III của Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, trái ngược với dự báo sán lạn về thị trường BĐS nghỉ dưỡng trước đây, thì hiện nay phân khúc bất động sản này hầu như không có nguồn cung mới chào hàng. Các sản phẩm được chào bán trong quý III chủ yếu là hàng tồn đọng từ các quý và các năm trước. Lượng giao dịch cả nước về sản phẩm condotel chỉ đạt khoảng 1.000 sản phẩm. Riêng tại thị trường Nha Trang ghi nhận nguồn cung condotel trong năm 2018 khoảng 12.000 căn; tỷ lệ hấp thụ từ các dự án mới được chào bán trong quý III chỉ đạt khoảng 20%.

Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, hiện trên cả nước còn khoảng 15.000-20.000 sản phẩm condotel tồn đọng, chưa được bán hết.

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định: Sản phẩm condotel năm 2018 tại một số thị trường truyền thống như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đang có dấu hiệu bão hòa, giao dịch chững lại. Tuy nhiên, loại hình này lại đang lan rộng phát triển thị trường mới tại các tỉnh miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên, Nam Trung bộ.

Thiếu khung pháp lý, lợi nhuận bị thổi phồng

Mặc dù thừa nhận cơ sở pháp lý cho BĐS nghỉ dưỡng chưa rõ ràng song ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, “sinh lời hay không phải phụ thuộc vào vị trí dự án, uy tín chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành của BĐS nghỉ dưỡng đó”.

"Bộ Xây dựng tiếp tục lắng nghe ý kiến từ các nhà đầu tư, các chuyên gia, diễn biến thực tế từ thị trường, nghiên cứu về chất lượng và dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch để tham mưu cho Chính phủ ra được văn bản chính sách sát với thị trường để BĐS du lịch biển phát triển bền vững. Hoàn thiện khung pháp lý thúc đẩy nhu cầu phát triển tất yếu thúc đẩy du lịch kinh tế tăng trưởng do bờ biển còn rất nhiều. Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn với từng loại hình condotel và quy chế vận hành vào đầu năm 2019”.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi
Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng)

Trong khi đó, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Capital House nhận định, có rất nhiều rủi ro khi quyết định đầu tư dự án BĐS, đặc biệt là condotel: “Nhiều dự án chào bán nhưng mức lợi nhuận sau khi hoàn tất thủ tục mua bán lại rất thấp; hồ sơ pháp lý không hoàn chỉnh; thiếu hụt thông tin về bản chất các giai đoạn từ tài chính, thiết kế, thi công, kinh doanh và sau bán hàng… Đáng nói, ngân hàng và người mua hiện vẫn là nguồn vốn chính của dự án BĐS tại Việt Nam”, ông Trung phân tích.

Bà Dương Thùy Dung, giám đốc của CBRE cũng chung nhận xét: “Nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng cam kết chia sẻ lợi nhuận cho khách hàng từ 8-10% trong vòng 5-10 năm. Tuy nhiên, thực tại theo chúng tôi ghi nhận tại những dự án khả quan nhất cũng chỉ có thể chi trả lợi nhuận cao nhất 6,5% mà thôi. Đáng nói, dù kiến nghị rất nhiều song tới nay vẫn chưa có khung pháp lý bảo vệ người mua trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện cam kết”.

Qua đây, bà Dung nhấn mạnh: Khi chưa có khung pháp lý thì chắc chắn cũng chưa có lời giải thỏa đáng đối với BĐS nghỉ dưỡng nói chung và condotel nói riêng. Do đó, nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng nên đặc biệt lưu ý về mức lợi nhuận kỳ vọng đạt được bằng cách tự tính toán kỹ lưỡng hay tìm nguồn tư vấn có chất lượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.