Xã hội

Rừng Sóc Sơn bị băm nát: Nhiều biệt thự hoành tráng bắt đầu bị đập bỏ

07/05/2019, 18:55

Nhiều biệt thự xây dựng trên đất rừng Sóc Sơn trong số 68 công trình nằm trong diện cưỡng chế đã bắt đầu được ngành chức năng tiến hành tháo dỡ.

img
Căn nhà biệt thự 3 tầng xây dựng trên đất rừng xã Minh Phú đã bị cưỡng chế, chỉ còn lại đống phế liệu

Ngày 7/5, có mặt tại địa bàn thôn Lâm Trường thuộc địa bàn xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, PV Báo Giao thông ghi nhận ngành chức năng đã tiến hành đưa máy xúc, máy ủi vào cưỡng chế một số công trình vi phạm xây dựng trên đất rừng.

Đến thời điểm này, đã có khoảng 5 công trình hoàn tất việc cưỡng chế, tháo dỡ.

Chỉ thời gian ngắn trước đây, đây đều là những công trình được xây dựng kiên cố, hoành tráng.

Tại thôn Lâm Trường, có 18 công trình nằm trong diện cưỡng chế. Trong số này có cả hộ ông Ngô Văn Cam, Trưởng thôn Lâm Trường. Tuy nhiên, đến nay hộ ông Cam chưa bị tháo dỡ.

Ngoài trường hợp của ông Cam và một người khác tại địa phương, 16 công trình vi phạm còn lại thuộc các hộ gia đình từ nơi khác đến mua bán, chuyển nhượng. Các hộ này đều sở hữu và có sổ lâm bạ, hoặc có hợp đồng chuyển nhượng được xã xác nhận với diện tích từ 1.000- 3.500m2, trong hợp đồng có đất thổ cư... Toàn bộ các công trình này nằm ở các lô thuộc khoảnh 11 và khoảnh 12, thôn Lâm Trường.

img
Một ngôi nhà kiên cố chuẩn bị hoàn tất việc tháo dỡ
img
Căn biệt thự hoành tráng hôm nào giờ chỉ còn là đống gạch vụn
img
Một công trình đồ sộ khác đã bị lực lượng chức năng cưỡng chế tháo dỡ tới tầng 2
img
Công trình nhà kính lắp ghép tại khu rừng thông xã Minh Phú đã bị cưỡng chế dỡ bỏ, chỉ còn phần móng

img
Một công trình kiên cố khác cũng đã bị đập bỏ
img
Trái ngược với xã Minh Phú, hàng loạt biệt thự vi phạm xây dựng tại khu vực hồ Đồng Đò, xã Minh Trí vẫn nguyên trạng
img
Công trình được xây dựng ngay gần lòng hồ Đồng Đò, xã Minh Trí
img
Một "lâu đài" hoành tráng ven hồ Đồng Đò. Công trình này được xác định vi phạm nhưng hiện vẫn chưa thấy lực lượng chức năng xử lý. PV đã cố gắng liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn để tìm hiểu thông tin nhưng chưa nhận được câu trả lời

Theo ông Cam, chỉ tính riêng thôn Lâm Trường đã có khoảng 300 hộ vi phạm xây nhà biệt thự trên đất rừng, trong đó có cả những hộ xây nhà nghỉ, khách sạn.

“Tôi đã đại diện cho 18 hộ đang sinh sống tại thôn Lâm Trường, hộ ít nhất là 15 năm và hộ sống nhiều nhất 35 năm ở đây có đơn kêu cứu tới Thủ tướng Chính phủ và ngành chức năng của thành phố. Tại sao có hàng trăm hộ trong thôn, hàng nghìn hộ đang ở sâu trong rừng, xây nhà kiên cố, nhà hàng, nhà nghỉ không hề có giấy phép xây dựng lại không được đưa vào danh sách cưỡng chế? Trong khi chúng tôi đã ở đây từ lâu, mọi thứ giấy tờ đều có đầy đủ?”, ông Cam thắc mắc.

Lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, huyện đã phối hợp với UBND xã Minh Phú đã tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng thuộc địa bàn thôn Lâm Trường.

Theo kế hoạch, từ ngày 23/4 cho đến 1/5, UBND xã Minh Phú hoàn thành việc cưỡng chế đối với 5 công trình vi phạm. Đối với những công trình vi phạm còn lại trên địa bàn xã Minh Phú, UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục giám sát chặt chẽ việc xử lý và tiến hành cưỡng chế trong tháng 5/2019.

Trước đó, Thanh tra TP.Hà Nội đã chỉ rõ trên địa bàn 9 xã của huyện Sóc Sơn có gần 1.000 công trình vi phạm đất rừng, trong đó riêng xã Minh Phú và Minh Trí có tới 659 trường hợp vi phạm (trong đó xã Minh Phú có tới 164 trường hợp vi phạm).

Tuy nhiên Thanh tra TP.Hà Nội chỉ kiến nghị cưỡng chế ngay đối với các công trình có vi phạm xây dựng trong giai đoạn 2017-2018, đối với các công trình vi phạm từ giai đoạn 2006-2016, Thanh tra TP.Hà Nội kiến nghị "rà soát hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng đất đai đúng mục đích".

Còn theo kế hoạch của UBND huyện Sóc Sơn, trên địa bàn 9 xã của huyện Sóc Sơn sẽ có 68 công trình sai phạm sẽ phải xử lý bằng biện pháp cưỡng chế. Việc xử lý phải báo cáo về UBND TP.Hà Nội trước ngày 15/5.

Trả lời báo chí mới đây về việc hàng trăm công trình khác có cưỡng chế hay không (ngoài 68 công trình tại 9 xã), Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho hay: “Văn bản chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội cũng nêu rõ là phải rà soát, sau đó báo cáo cụ thể các phương án. Trước đây, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng nói là phải rà soát nhưng không ông nào chịu làm. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã mở cho hướng là những cái nào chồng lấn thì báo cáo, những cái nào sai phạm thì phải xử lý…. Còn trước mắt phải xử lý xong 68 công trình sai phạm trong năm 2017- 2018 đã. Phá dỡ xong ngần đấy cũng không đơn giản”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.