Quản lý

Rừng thủ tục làm dự án giao thông trọng điểm

20/05/2019, 07:00

Sao mãi chưa khởi công cao tốc Bắc - Nam? Vì sao dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất rất cấp bách nhưng 3 năm nay vẫn chưa chọn được nhà đầu tư?

img
Sau ba năm, đến nay dự án mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn đang “ngụp lặn” trong rừng thủ tục mà chưa biết sẽ được giải quyết theo cơ chế nào

Đây là những câu hỏi mà người dân có quyền đặt ra với ngành GTVT. Vướng mắc đang nằm ở đâu?

Kỳ 1: Dự án cấp bách ba năm chưa chọn được nhà đầu tư

Những vướng mắc về quy trình, thủ tục đầu tư khiến dự án mang tính cấp bách, “giải cứu” lĩnh vực hàng không, trong đó có nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất chưa biết đến khi nào khởi công.

Tân Sơn Nhất mỏi mòn chờ giải cứu

Năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 38,414 triệu hành khách. Dự kiến, con số này sẽ đạt 45 triệu khách vào năm 2025. Trong khi đó, tổng công suất của 2 nhà ga T1, T2 hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách/ năm.

Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN Trịnh Như Long nhấn mạnh: Việc đầu tư xây dựng nhà ga T3 đã được khẳng định nhiều lần là rất cấp bách. Cứ để chậm như hiện nay có còn ý nghĩa giải cứu không, nhất là khi dự kiến năm 2025 có thể hoàn thành được CHK quốc tế Long Thành?

Chủ tịch TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết, việc phải cấp thiết đầu tư nhà ga hành khách T3, bổ sung đường lăn, sân đỗ đồng bộ được DN khởi động từ năm 2017. Công ty Tư vấn Xây dựng công trình hàng không (ADCC) sau đó đã lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay này hoàn thành báo cáo cuối kỳ ngay trong năm 2017. Thủ tướng Chính phủ sau đó đã giao Bộ GTVT chủ trì thuê tư vấn chuyên ngành nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay này cả về phía Bắc (khu vực sân golf) và phía Nam, nâng tổng công suất đạt khoảng 45 triệu khách/năm. ADPi (Pháp) là tư vấn được lựa chọn.

Đến tháng 3/2018, trên cơ sở đánh giá khả năng nâng cao công suất CHK Tân Sơn Nhất, Công ty Tư vấn ADP-I của Pháp đã đề xuất 6 phương án mở rộng và đưa phương án chọn là mở rộng về phía Nam, cơ bản đồng nhất với phương án trước đó của ADCC. Thủ tướng Chính phủ thống nhất với phương án này.

Tháng 8/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất dựa trên phương án nghiên cứu do tư vấn Pháp (ADPi) lập.

Ngày 26/3/2019, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, đề xuất giao cho ACV - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của DN.

img
Các nhà ga hành khách CHK quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn đang quá tải trong khi nhà ga T3 chưa biết thời điểm nào khởi công - Ảnh: Linh Hoàng

Theo Luật Đầu tư hay Luật Xây dựng?

Chia sẻ với Báo Giao thông về thời điểm khởi công dự án nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Phó tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Đỗ Tất Bình nói: “Chưa thể xác định được thời điểm. Chúng tôi chỉ có thể xác định nếu được giao sẽ cần bao lâu để hoàn thành và đưa vào khai thác dự án, còn không thể biết được đến bao giờ mới được giao”.

Đề nghị giao Bộ GTVT là cơ quan trình chủ trươngđầu tư nhà ga T3

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, ngoài việc đề xuất giao ACV - DNNN chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu - thực hiện dự án, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho Bộ GTVT là cơ quan trình chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, theo Bộ GTVT, Luật Đầu tư 2014 quy định: “Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ”. Dự án Xây dựng nhà ga hành khách T3 - CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.430 tỷ đồng. Do vậy, dự án này sẽ phải được Bộ KH&ĐT tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.

Trước đó, nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư (Sở KH&ĐT của TP HCM). Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ cho Bộ KH&ĐT và gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan Nhà nước có liên quan. Cơ quan được lấy ý kiến về những nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước, gửi cơ quan đăng ký đầu tư và Bộ KH&ĐT. Cơ quan đăng ký đầu tư trình UBND TP HCM xem xét, có ý kiến thẩm định về hồ sơ dự án đầu tư và gửi Bộ KH&ĐT.

“Chúng tôi cũng chưa biết dự án nhà ga T3 sẽ được triển khai theo luật nào. Nếu theo Luật Đầu tư, ACV sẽ phải trình đề xuất đầu tư lên Sở KH&ĐT TP HCM để thẩm định và trình Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng. Sau khi Thủ tướng đồng ý, nhà đầu tư sẽ lập FS”, ông Bình nói và cho rằng, nếu với thủ tục này, các dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng các cảng hàng không khác như: Phú Bài, Cát Bi, Vinh… cũng sẽ vướng mắc tương tự.

“Nếu coi nhà ga T3 là một hạng mục sân bay không thể tách rời của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất mà ACV quản lý và đầu tư theo quy trình, thủ tục của Luật Xây dựng mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều”, ông Bình phân tích.

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho biết, theo Luật Đầu tư, với các dự án, dù cấp nào phê duyệt chủ trương đầu tư cũng phải qua Sở KH&ĐT. Nếu đi qua nhiều tỉnh thì về Sở KH&ĐT nơi đóng trụ sở. Sở thẩm định xong trình Bộ KH&ĐT.

Theo Luật Đầu tư, không có quy định nào về việc các Bộ chuyên ngành quyết định phê duyệt hoặc trình chủ trương đầu tư mà chỉ có Quốc hội, Thủ tướng và UBND các tỉnh được phê duyệt. Do đó, nếu dự án thuộc cấp tỉnh phê duyệt sẽ trình qua Sở KH&ĐT. Dự án nào thuộc cấp Thủ tướng phê duyệt, cũng sẽ trình qua Sở KH&ĐT để Sở trình Bộ KH&ĐT xem xét, thẩm định, lấy ý kiến và trình Thủ tướng. Tương tự, với dự án cần sự phê chuẩn của Quốc hội cũng theo lộ trình đó và Thủ tướng trình Quốc hội. Bộ quản lý chuyên ngành chỉ đóng vai trò cơ quan góp ý kiến.

“Trong lĩnh vực hàng không, kết cấu hạ tầng sân bay, quy hoạch là do Bộ chuyên ngành quản, không phân cấp cho địa phương. Việc quản lý cũng do Bộ chuyên ngành quản, không phân cấp. Việc phê duyệt và triển khai thực hiện quy hoạch là Bộ chuyên ngành, tuy nhiên vào các dự án đầu tư, xin phê duyệt chủ trương đầu tư lại phải qua Sở KH&ĐT địa phương. Trong khi đó, có rất nhiều vấn đề liên quan chuyên môn, Sở KH&ĐT địa phương không thể nắm được. Đơn cử như hạng mục đường băng trong cảng hàng không, địa phương sao rõ được vì có phân cấp cho họ quản lý đâu”, ông Thanh nói và cho rằng, chưa kể là theo Luật Đầu tư, có đất mới được làm dự án. Trong khi đó, theo Luật Đất đai, có dự án mới giao đất.

Trở lại với dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, ông Thanh cho hay, hiện vẫn chưa quyết định giao ai làm chủ đầu tư. Bộ GTVT đã trình văn bản đề nghị giao ACV làm chủ đầu tư. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới đây giao Bộ KH&ĐT thẩm định để trình Thủ tướng. Về mặt thủ tục, hiện chưa rõ Bộ KH&ĐT sẽ thụ lý hồ sơ Bộ GTVT trình Thủ tướng hay lại phải quay lại ACV trình Sở KH&ĐT TP HCM rồi mới lên Bộ KH&ĐT.

Bộ KH&ĐT thẩm định Pre-FS xong, trình Thủ tướng duyệt chủ trương đồng ý giao ACV thì ACV sẽ lập FS, sau đó, theo quy trình Luật Đầu tư lại qua UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, không thể tính được thời gian từ giờ đến lúc khởi công mà chỉ có thể tính nếu được giao, ACV sẽ cần 39 tháng để hoàn thành dự án (trong đó 24 tháng thi công và 15 tháng dành cho công tác lập FS và thiết kế kỹ thuật…).

“Thông” cách nào?

Bày tỏ lo lắng về tiến độ dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, chuyên gia hàng không Trịnh Như Long cho rằng, hiện có nhiều điều còn đang tranh luận về câu chữ trong các quy định. Cụ thể, như theo quy định hiện hành, chủ trương đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay do Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên, vẫn chưa thống nhất quan điểm Thủ tướng chỉ phê duyệt với những dự án hạ tầng cảng hàng không, sân bay mới như: Vân Đồn, Phan Thiết, SaPa… hay sẽ phê duyệt tất cả các hạng mục cần đầu tư thêm trong những sân bay hiện có.

“Tôi cho rằng, cần ứng xử với cảng hàng không, sân bay như một tổ hợp thống nhất giống như một khu công nghiệp. Muốn triển khai nhanh dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, các cơ quan Nhà nước cần nhìn nhận đây là một phần không thể tách rời của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất. Nhà ga chưa đủ, chỉ làm thêm nhà ga chứ không phải là một hạ tầng mới”, ông Long nói.

Cũng theo ông Long, những gì đặc thù cũng cần phải có giải pháp đặc thù. Trên thế giới, những gì không thể xử lý bằng luật pháp thì xử lý bằng quyền lực của Nhà nước. Nếu rơi vào trường hợp đặc biệt thì Thủ tướng sẽ dùng quyền lực của mình để xử lý. Nếu ngoài phạm vi quyền lực của Thủ tướng, Thủ tướng sẽ báo cáo Quốc hội để xử lý.

“Suvarnabhumi (Bangkok) được biết đến là một sân bay đông đúc, nhưng trước đó, nếu không có những quyết định mang tính đột phá của cựu Thủ tướng Thaksin thì không biết sân bay này còn “sa lầy” tiến độ đến mức nào bởi tham nhũng, rào cản mặt bằng… Tương tự, triển khai sân bay của Kuala Lumpur, Chính phủ nước này cũng phải đề nghị Quốc hội thông qua một bộ luật riêng để thúc đẩy, thu hút đầu tư, đưa ra quyết định nhanh chóng, thúc tiến độ kịp thời cho sân bay nhộn nhịp nhất châu Á này”, ông Long dẫn ví dụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.