Y tế

Sản phẩm cai thuốc lá được quảng cáo thổi phồng

12/08/2016, 05:25

Nhiều sản phẩm cai thuốc lá như Lavi hay thuốc lá điện tử… đều chỉ dừng lại ở lời quảng cáo “nổ”.

FullSizeRender (1)

Bệnh nhân V. nhập viện điều trị tắc nghẽn phổi mạn tính nguyên nhân bắt nguồn từ thuốc lá

Hút thuốc rước bệnh vào người

Lâu lâu ông Nguyễn Văn H. (Đông Hưng, Thái Bình) buộc phải nhập viện vì những cơn đau cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Lần này, ông H. khó thở, suy hô hấp, được chuyển cấp cứu và ngay lập tức được các bác sĩ đặt ống nội khí quản thở máy trước khi chuyển lên BV Bạch Mai. Ông H. cho hay: “Bác sĩ bảo tôi may mắn được đặt ống nội khí quản kịp thời nên giữ được mạng sống”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ điều trị cho ông H., căn bệnh hiện đã kháng gần hết các loại vaccine điều trị. Theo lời con gái ông H. , ông nghiện thuốc lá, thuốc lào 40 năm, cách đây 10 năm, khi bắt đầu được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là ông H. bỏ hút thuốc. Thế nhưng, thi thoảng ông cũng hút một điếu cho “đỡ nhớ” cộng với việc điều trị không liên tục khiến bệnh của ông H. càng tăng nặng.

Tương tự, ông Hứa Viết V. (TP Lạng Sơn) cũng vừa được cấp cứu tại BV Bạch Mai được hai ngày. Nhập viện, ông V. cũng buộc phải đặt ống nội khí quản vì suy hô hấp. Nhìn cơ thể suy kiệt của ông V ít ai đoán được ông mới ngoài 50 tuổi. Nghiện thuốc lá hơn 20 năm nay, mỗi ngày “rít” khoảng hai bao khiến cơ thể ông kiệt quệ vì bệnh tật hành hạ. Cũng không ít lần ông cai nghiện thuốc mà bất thành. Lúc ông quyết tâm cai thuốc lá cũng là lúc tiến triển bệnh phổi của ông đã rất nặng…

BS. Phạm Lệ Quyên, Khoa Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, riêng tại Trung tâm Hô hấp này có tới 30% bệnh nhân mắc tắc nghẽn phổi mạn tính. Hầu hết bệnh nhân nam đang điều trị tại đây đều đã từng “lệ thuộc” vào thuốc lá. Một số nhỏ bệnh nhân nữ không hút thuốc nhưng họ tiếp xúc với khí đốt, hút thuốc thụ động. 

Bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính là bệnh mãn tính, tốc độ tiến triển bệnh nặng lên kéo theo các đợt tắc nghẽn cấp, chất lượng phổi suy giảm nhanh, cuộc sống của bệnh nhân suy giảm trầm trọng. Bệnh nhân chỉ ngồi và thở, đôi khi còn phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, những sinh hoạt đơn giản nhất cũng trở thành xa xỉ với họ.

Không chỉ gây nên các bệnh lý hô hấp, khói thuốc lá khi hít vào trong phổi hấp thu vào tuần hoàn còn gây các tổn thương mạch máu từ đó dẫn đến các bệnh lý về tim mạch, mạch vành, nhồi máu não, tắc mạch chi. “Thậm chí có bệnh nhân đã từng phải cắt cụt chi do tắc mạch máu ngoại vi, mà nguyên nhân bắt nguồn từ thuốc lá”, BS. Quyên cho biết.

Thuốc lá điện tử vẫn gây nghiện

Có dấu hiệu tăng áp động mạch phổi do bắt nguồn từ bệnh tim bẩm sinh, anh Nguyễn Hoàng A. (Ba Đình, Hà Nội) đi khám và được bác sĩ khuyến cáo nên bỏ thuốc lá trước khi bệnh có diễn tiến trầm trọng hơn. Nghe bạn bè giới thiệu, anh A. cũng tìm mua nước ngậm thảo dược cai thuốc. Cảm giác đắng miệng khi hút thuốc sau xúc miệng bằng nước ngậm cai thuốc đã giúp anh A. hạn chế được việc hút thuốc lá. Thế nhưng, sau khi ngưng hút thuốc, anh A. tăng cân rõ rệt và luôn thường trực cảm giác bồn chồn, mất tập trung. Tình trạng kéo dài được hơn hai tháng, anh A. lại quyết định chuyển sang dùng thuốc lá điện tử với quan điểm “dùng cái này cai thuốc thấy dễ chịu hơn”.

Khi gặp các hội chứng sau cai thuốc như mất ngủ, bồn chồn, trầm cảm, mất tập trung, lên cân, thậm chí ho nhiều… người cai thuốc cần tìm đến bác sĩ để được tư vấn sử dụng loại thuốc Tây y phù hợp để giảm bớt các triệu chứng trên”.BS. Phạm Lệ Quyên, Khoa Hô hấp, BV Bạch Mai 

Tuy nhiên, BS. Quyên khẳng định: “Tất cả các quảng cáo sản phẩm cai thuốc lá hiện nay trên thị trường Việt Nam như Lavi và kể cả thuốc lá điện tử… đều chưa được công nhận và khuyến cáo dùng để cai thuốc lá”.

Thực tế, người nghiện thuốc lá là do nghiện chất nicotin ở trong thuốc lá, trong khi đó, thuốc lá điện tử cũng vẫn cung cấp chất này. Trong phổi có 300 triệu phế nang và rất nhiều mạch máu, khi hít khói thuốc điện tử có chứa chất nicotin vào phổi, nay lập tức chỉ khoảng 7 giây sau, nicotin được đẩy lên não và gây ra một loạt các hiệu ứng thần kinh. Vì vậy, hút thuốc lá điện tử vẫn gây nghiện.

Trong khi đó, thành phần của thuốc lá điện tử không chỉ có nicotin mà còn có nhiều chất phụ gia, khi cháy cũng vẫn tạo ra khí CO… gây ra tình trạng thiếu oxy ở mô và nhiều tổn thương khác ở mạch máu, hô hấp. “Hiện vẫn chưa có bằng chứng về tính an toàn của thuốc lá điện tử, nguy cơ gây bệnh vẫn hoàn toàn có thể có. Chắc chắn thuốc lá điện tử cũng vẫn gây nghiện”, BS. Quyên khẳng định.

Hiện, phương pháp cai nghiện thuốc lá được công nhận thường kết hợp tư vấn và thuốc hỗ trợ. Trong đó, việc tư vấn giúp người muốn cai thuốc làm thay đổi hành vi còn thuốc hỗ trợ thường ở dạng miếng dán có chứa nicotin. Miếng dán qua da nên việc phóng thích, hấp thu qua da ít hơn nhiều, chỉ đạt ngưỡng nồng độ thấp trong máu để giảm triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân mà không đạt ngưỡng sảng khoái trên não, do vậy, nó không gây nghiện.

Do vậy, sau một thời gian dùng người ta có thể bỏ dùng, sẽ cai được thuốc. “Với người cai thuốc lá, bất kỳ sự tư vấn hay loại thuốc hỗ trợ cai thuốc cũng không thể thay thế được sự quyết tâm của chính họ. Thiếu quyết tâm chắc chắn không thể cai thuốc thành công”, BS. Quyên khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.