Đời sống

Sản xuất miến dong ngày Tết: Miến đẹp chỉ bán không ăn!

31/01/2019, 11:22

Chính người dân làm miến tại xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) cũng không dám ăn loại miến “tẩy” bằng hóa chất được xuất bán khắp nơi

img
Chính người dân làm miến tại xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) cũng không dám ăn loại miến “tẩy” bằng hóa chất được xuất bán khắp nơi

Miến “bẩn” nhộn nhịp vào vụ Tết

Thời điểm cận Tết, các hộ sản xuất miến tại xã Dương Liễu, Minh Khai, nơi có làng nghề làm miến lâu đời đang phải hoạt động hết công suất để kịp giao hàng, không khí tấp nập, bận rộn, khẩn trương hơn hẳn.

Từ sáng sớm, khắp các nẻo đường ngõ xóm, thôn trên thôn dưới đã phủ trắng phên miến. Những chiếc xe ba gác chất chồng những phên miến được người dân kéo đi phơi. Miến được phơi trải dài tuyến đê sông Đáy, ngay gần bãi rác, cạnh công trường đang thi công, thậm chí đường vào nghĩa địa cũng được người dân tận dụng triệt để.

img
Trên đê, ô tô, xe máy, xe ba gác ra vào làng liên tục, cuốn theo bụi bẩn vào các sạp miến phơi vệ đường

Tại cơ sở sản xuất của ông S., thôn Hòa Hợp, mỗi người một việc luôn tay, luôn chân để cho ra những mẻ tinh bột đót (bột dong), phục vụ cơ sở sản xuất miến. Ông cho biết, càng về cuối năm, thị trường tiêu thụ hàng nông sản càng thuận lợi, mỗi ngày gia đình ông sản xuất được 60 tấn củ dong, mỗi tấn cho 250kg tinh bột đót.

Còn hộ sản xuất miến của gia đình ông Toan, người Thôn Minh Hòa mỗi ngày sản xuất khoảng 2 tấn miến, ngoài 4 nhân lực trong gia đình, ông phải thuê thêm 2 lao động thời vụ để đảm bảo cung cấp đủ đơn đặt hàng dịp tết, khoán 250 nghìn đồng/ngày.

Năm nay, bột đót giảm giá xuống 9 nghìn/cân, giá bột giảm thì giá miến cũng giảm theo. Tháng trước giá miến đót chỉ 25 nghìn đồng/kg bán buôn và bán lẻ, nhưng hiện tại là 28-30 nghìn đồng/kg. Riêng với miến vàng được cho là dễ bán hơn miến mộc nguyên chất bán với giá từ 18-22 nghìn đồng/kg. Giá ngoài thị trường hiện tại khoảng 60-80 nghìn đồng/kg, chênh lệch 30-50 nghìn đồng/kg so với giá bán buôn.

Cách phân biệt miến mộc với miến tẩy hóa chất

Ở làng miến, rất khó để phân biệt các loại miến, bởi mỗi hộ gia đình sẽ làm công thức khác nhau, nhưng chủ yếu có hai loại chính là miến mộc và miến vàng.

Ông Toan người đã có 30 năm kinh nghiệm làm nghề miến, chia sẻ: “Miến mộc nguyên gốc có màu xám đen. Miến vàng là miến họ nhuộm, có nhà tẩy miến đót (miến dong) xong nhuộm thành màu vàng, có nhà thì nhuộm miến sắn màu vàng. Nước tẩy cũng độc hại, tôi làm suốt, tay chai hết rồi, nhiều khi làm cũng thấy kinh kinh, nhưng quen rồi. Miến gạo thì tẩy thuốc ít hơn, còn miến đót nguyên chất màu không đẹp mắt nên dùng nhiều loại thuốc tẩy.”

img
Sản xuất bột đót, nguyên liệu làm miến dong

Theo ông T., miến đót chủ yếu sử dụng 3 loại thuốc tẩy là axit, thuốc tẩy trắng công nghiệp và thuốc tím.. “Trước đây, người dân sử dụng bột nghệ để nhuộm màu cho miến đót, nhưng dần dần để có thêm chút lợi nhuận, người ta chuyển sang dùng selen. Đơn giản lắm, selen được đun sôi cho đặc quánh như kẹo đắng, sau đó hòa với nước và đổ vào tinh bột đót đã lọc sẵn, khuấy đều là được tinh bột vàng cung cấp cho quá trình sản xuất miến”, ông T. cho hay.

Trong vai một lái buôn, chị M. chủ cơ sở sản xuất miến, không hề ngần ngại chia sẻ: “Tùy theo nhu cầu của khách, nếu ăn màu vàng, màu trứng, màu trắng thì cơ sở sản xuất sẽ tạo màu. Nhà tôi mỗi ngày sản xuất khoảng độ 1 tấn miến phơi khô. Bột sắn bây giờ nó rẻ, khách đến chỉ cần nói cho tôi 1 lá, 2 lá, 3 lá, là cơ sở sản xuất nào cũng hiểu. Ví dụ cho tôi 3 lá tức là 3 lá miến sắn, xong 2 miến dong trộn vào, khi ăn có sợi nát, sợi dai. Như thế thì lãi xuất nó cao hơn”.

Sản xuất miến quanh năm, nhưng những người dân tại xã Dưỡng Liễu lại chẳng dám ăn miến tại làng nghề. “Người dân ở đây chẳng bao giờ ăn miến tẩy, nếu thích thì ăn miến mộc thôi. Khách nào quê gốc ở đây muốn mua cũng đều phải đặt riêng loại miến mộc nguyên chất”, ông T. cho hay.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm khuyến cáo: “Nếu quá trình tẩy màu miến bằng axit sunfuric không được sàng lọc, rửa sạch kĩ, dư lượng SO2 sẽ gây độc hại cho cơ thể, gây hại cho đường ruột. Còn thuốc tím là một chất sát trùng, xử lý nước, có thành phần gồm kali và mangan, đều là những chất không tốt cho sức khỏe, là một trong các yếu tố gây ung thư. Với selen nếu dùng liều lượng quá mức cho phép cũng gây độc hại cho cơ thể”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.