Văn hóa - Giải Trí

Sao Việt và nỗi niềm giờ “cao su”

31/05/2017, 13:05

Hai ngày qua, câu chuyện ca sĩ Lưu Chí Vỹ đến show diễn muộn 2 tiếng và bị bầu show mắng nhiếc...

33

Ca sỹ Lưu Chí Vỹ bị khán giả đuổi đánh vì đi diễn muộn 2 tiếng

Hai ngày qua, câu chuyện ca sĩ Lưu Chí Vỹ đến show diễn muộn 2 tiếng và bị bầu show mắng nhiếc trước mặt khán giả, bị khán giả tạt nước, đòi đánh trở thành đề tài bàn tán xôn xao của dư luận và đông đảo nghệ sĩ.

Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Có thể nói, trong câu chuyện này, ai cũng là người sai. Cái sai của bầu show là đã miệt thị ca sĩ trước mặt khán giả dù Lưu Chí Vỹ đã xin lỗi hết lòng. Khán giả cũng có người sai khi tấn công trực tiếp nam ca sĩ. Trong khi đó, nguồn cơn của những cái sai này bắt đầu từ chính cái sai của Lưu Chí Vỹ, đó là mắc lỗi giờ “cao su”.

Từ trước đến nay, không ít người vẫn luôn nhìn giới showbiz Việt bằng con mắt không mấy thiện cảm. Không chỉ bởi những scandal lùm xùm chuyện cá nhân, chuyện riêng tư mà còn bởi trong đó tồn tại một sự thiếu chuyên nghiệp của nhiều người làm nghề. Tình trạng trễ giờ là một trong những biểu hiện của điều ấy mà dường như chưa có… thuốc trị.

Nghệ sĩ Xuân Bắc cho biết, anh đã bị đạo diễn mắng là người vô trách nhiệm khi đến buổi họp muộn 1,5 tiếng. Ba huấn luyện viên của The Face 2017 cũng muối mặt khi bị chỉ trích nặng nề ngay trong cuộc họp báo vì đến muộn gần 2 tiếng. Hoa hậu Kỳ Duyên cũng từng bị chỉ trích vì đến họp báo khi buổi họp đã bắt đầu 10 phút…

Và còn rất nhiều lần trễ giờ khác của các “ngôi sao”. Dù ai cũng có những lý do chính đáng để biện minh cho lỗi của mình, nhưng thực sự rất khó để các nghệ sĩ nhận được sự cảm thông trong câu chuyện này. Thời gian của ai cũng là vàng bạc, các ngôi sao muốn người khác thông cảm cho họ, nhưng thời gian của người khác thì ai có thể thông cảm? Chưa kể với những sự kiện phải thuê địa điểm theo giờ, sự chậm trễ của các nghệ sĩ sẽ kéo theo những khoản chi phí phát sinh mà người hứng chịu có thể chính là ban tổ chức.

Bao giờ tất cả sao Việt học được cách quý trọng thời gian? Bao giờ một số “ngôi sao” thôi coi việc đến muộn như một cách chứng tỏ đẳng cấp của mình? Bao giờ sự chuyên nghiệp hóa trong từng giờ giấc được đẩy lên hàng đầu? Đó thực sự là những thắc mắc có lẽ khó có thể giải đáp, nhưng để thực hiện được điều ấy có lẽ không khó. Có chăng, những điều ấy xuất phát từ ý thức tôn trọng người khác của những người mang danh là “người của công chúng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.