Xã hội

Sáp nhập sở trước khi sáp nhập bộ, có phải “quy trình ngược?”

21/08/2018, 10:30

Đó là câu hỏi được PV Báo Giao thông gửi tới Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa tại cuộc họp báo chiều 20/8.

anh1

Ông Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Có phải “quy trình ngược?”

Trả lời câu hỏi của Báo Giao thông, liên quan đến chủ trương sáp nhập các sở, ngành mà vừa qua, một số chuyên gia cho rằng, chúng ta đang làm “quy trình ngược” khi tiến hành sáp nhập sở trước, sáp nhập Bộ sau, dẫn đến tình trạng một sở phải chịu sự quản lý của 2 bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng: “Sáp nhập rất khó, bên cạnh cái được rất lớn còn những cái cần quá độ, đặc biệt là về chính sách cán bộ. Bởi, ở nước ngoài chính sách rất rõ. Tuy nhiên, ở ta, công tác cán bộ là cả một quá trình phấn đấu, rèn luyện, đào tạo nên Đảng, Nhà nước khi quyết định một chính sách luôn quan tâm đến cả quá trình ấy, vì thế, chính sách thường có độ trễ”. Theo ông Thừa, cuộc “cách mạng” của chúng ta khác các nước ở chỗ đó.

Cũng liên quan câu chuyện sáp nhập, ông Thừa cho biết, nhiều ý kiến dư luận cũng quan tâm về tình trạng chạy chọt giữ vị trí, chạy để nhập hoặc không nhập. Theo ông, dư luận đó là chính đáng và chính nó sẽ giúp việc xây dựng đề án chặt chẽ, hiệu quả hơn. “Nhiều ý kiến nói chính sách chúng ta là cơ quan soạn thảo xây dựng quyền lợi cho chính mình, rồi ta làm theo quy trình ngược, dư luận có quyền trao đổi. Nhưng chúng ta làm theo quy định của pháp luật, các quy trình cũng được quy định rõ về tiếp thu ý kiến phản hồi thế nào, cơ quan chức năng thẩm định ra sao”, ông Thừa nói.

Về câu hỏi vì sao không sáp nhập bộ trước, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, bộ máy được xây dựng rất kỹ lưỡng, chúng ta đang làm đề án tổng thể của tất cả cơ quan từ T.Ư đến địa phương, trong đó cũng đã đặt vấn đề “có phải cứ T.Ư thế nào, dưới địa phương phải thế không?”. Ông Thừa nhấn mạnh, quan điểm khi sắp xếp bộ máy phải có tính toán để không có nhiệm vụ, chức năng nào bị bỏ sót. Quan điểm sắp xếp theo đúng tinh thần của Chính phủ kiến tạo, phấn đấu một đơn vị có thể có nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, việc này cũng cần có quá trình. Nghị quyết T.Ư đã nêu rõ, việc thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện, qua đó đúc rút bài học để thực hiện tốt hơn.

Không có chính sách tốt, khó thu hút người tài

Liên quan đến việc Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định vừa bị tố được “bổ nhiệm thần tốc”, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho hay, Ban Thường vụ tỉnh Bình Định và tỉnh đã có những biện pháp tổ chức kiểm tra ngay, nếu phát hiện sai phạm thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xử lý theo thẩm quyền. Bộ Nội vụ với tư cách là cơ quan tham mưu chính, quản lý chung cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo giao các bộ, ngành địa phương thực hiện.

Về câu hỏi có tình trạng lợi dụng chính sách thu hút nhân tài, đào tạo cán bộ trẻ để cài cắm, bổ nhiệm người nhà, người thân hay không, ông Long cho biết, ở một số bộ ngành địa phương, do quy định của T.Ư chưa cụ thể nên đã tự đặt ra chính sách để thu hút, trong đó có những quy định “vượt rào”. “Nếu hỗ trợ bằng kinh phí, bằng tiền thì không sao, nhưng trái với quy định chung qua thanh, kiểm tra, Bộ Nội vụ đều có kiến nghị các bộ, ngành, địa phương phải sửa đổi”, ông Long nói và khẳng định cho đến hiện tại, việc thu hút, trọng dụng nhân tài vẫn là chủ trương đúng đắn và là một trong những khâu đột phá.

Nói thêm về việc này, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, hiện nay, nhiều tổ chức nước ngoài thu hút được những nhân sự rất cao cấp. Nếu chúng ta không có biện pháp cạnh tranh, không có chính sách tốt thì rất khó thu hút được người tài.

Sau năm 2021, số lượng cấp phó của Bộ Công an phải đúng quy định

Vừa qua, Bộ Công an sắp xếp lại bộ máy theo hướng bỏ cấp tổng cục, nhưng cùng với đó lại hình thành một cục với bộ máy khá lớn như Cục Truyền thông vừa mới thành lập có 13 cục phó với 21 đơn vị cấp phòng, ban trực thuộc. Báo chí đặt câu hỏi số lượng này có đảm bảo nguyên tắc tinh gọn bộ máy khi sắp xếp?

Bà Đào Thị Hồng Minh, Vụ phó Vụ Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết, sau khi bỏ 6 tổng cục cùng 96 cục thuộc 6 tổng cục đó và thành lập thêm 1 số cục mới thuộc Bộ Công an thì đương nhiên việc sắp xếp lại sẽ khiến số lượng cấp phó cao hơn so quy định. Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã cho ý kiến chỉ đạo, số lượng cấp phó các cục của Bộ Công an có thể cao hơn so với quy định nhưng đến năm 2021, sau khi triển khai thực hiện phải đảm bảo theo đúng quy định. Bộ Công an cũng đã cam kết thực hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.