Vận tải

Sắp sửa đổi nhiều quy định bồi thường chậm, hủy chuyến

07/03/2017, 08:17
image

Cục Hàng không VN đang nghiên cứu sửa đổi một số quy định liên quan đến bồi thường chậm, hủy chuyến bay.

3

Hành khách sẽ được bồi thường do bị chậm, hủy chuyến khi đi máy bay - Ảnh: Tạ Tôn

Hãng hàng không “kêu” phải báo cáo nhiều

Theo quy định hiện hành, các hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện bồi thường ứng trước không hoàn lại đối với các chuyến bay có hành khách bị từ chối vận chuyển, bị hủy và bị chậm chuyến kéo dài. Cụ thể, trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm chuyến bay dự kiến cất cánh, các hãng phải báo cáo cho cảng vụ hàng không theo mẫu các thông tin về hành khách, mức bồi thường, phương án giải quyết…

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện một hãng hàng không cho biết quy định này khiến các hãng gặp rất nhiều khó khăn. “Lượng thông tin phải khai báo khá nhiều trong khi thời gian quy định rất gấp gáp. Với những chuyến bay có nhiều khách hay với những ngày có nhiều chuyến bay bị chậm, hủy, chúng tôi khó có thể hoàn tất việc báo cáo theo quy định”, vị này nói.

Về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết, Cục Hàng không VN đã nắm được tình trạng trên. Ông Cường cũng cho biết rất chia sẻ với hãng hàng không và đang đề xuất Bộ GTVT sửa đổi lại quy định cho phù hợp.

“Đây là quy định thuộc Thông tư 14/2015 của Bộ GTVT về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. Để phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, chúng tôi đang đề xuất Bộ GTVT sửa đổi lại quy định này theo hướng nới rộng thời gian mà hãng hàng không phải báo cáo cụ thể”, ông Cường nói và cho biết thêm: Quy định cụ thể về thời gian báo cáo sẽ được xem xét kỹ nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, song vẫn bảo đảm công tác quản lý nhà nước chuyên ngành.

Xem thêm video:

Thêm trường hợp miễn trừ bồi thường chậm, hủy

Một điểm đáng chú ý trong việc đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến Thông tư 14/2015, theo ông Cường là việc bổ sung thêm các trường hợp miễn trừ nghĩa vụ của người vận chuyển trong các trường hợp hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm, kéo dài vì những lý do bất khả kháng.

Được biết, theo quy định hiện hành, có 11 trường hợp hãng hàng không được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường trong các trường hợp hủy chuyến hoặc chuyến bay chậm kéo dài. Đó là các trường hợp từ chối vận chuyển hành khách có vé và đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay hoặc đang trong hành trình theo quy định tại Điều 146, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Hủy chuyến bay hoặc chuyến bay bị chậm kéo dài vì điều kiện thời tiết ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay, nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến khai thác an toàn chuyến bay; Do những vấn đề về y tế của hành khách (bị ốm nặng hoặc tử vong sau khi đã lên tàu bay); Trong trường hợp kết cấu hạ tầng hàng không, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay không đảm bảo; Sự cố kỹ thuật xảy ra trong quá trình khai thác tàu bay, tính từ thời điểm người chỉ huy tàu bay ký tiếp nhận tàu bay sẵn sàng thực hiện chuyến bay cho đến khi kết thúc chuyến bay…

Theo quy định hiện hành, mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay nội địa có độ dài đường bay dưới 500km là 200 nghìn đồng; 300 nghìn đồng với chuyến bay từ 500km đến dưới 1.000km và 400 nghìn đồng với chuyến bay từ 1.000km trở lên. Mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay quốc tế có độ dài đường bay dưới 1.000km là 25 USD; Chuyến bay từ 1.000km đến dưới 2.500km là 50 USD; Chuyến bay từ 2.500km đến dưới 5.000km là 80 USD; Chuyến bay từ 5.000km trở lên là 150 USD. Người vận chuyển có thể quy định mức bồi thường ứng trước không hoàn lại nhưng không được thấp hơn mức quy định trên.

Thực tế, ngoài 11 trường hợp nói trên, có nhiều trường hợp chuyến bay bị hủy, chậm chuyến kéo dài do nguyên nhân khách quan khác, không phải do lỗi của hãng hàng không. “Có trường hợp tàu bay phải dừng khai thác vì hành khách mở cửa thoát hiểm. Khi đó, hãng bị thiệt hại rất nhiều do lỗi này của hành khách. Nếu quy định bồi thường trong trường hợp này là quá “oan” cho hãng”, ông Cường nói.

Về vấn đề này, đại diện Vietnam Airlines cho biết, một số chuyến bay của hãng đã bị chậm lại hàng giờ chỉ vì khách mở cửa thoát hiểm. Mặc dù thực tế là thời gian khắc phục chưa lần nào quá 4 tiếng đồng hồ để phải thực hiện bồi thường ứng trước không hoàn lại cho khách. Tuy nhiên, về lý thuyết, trong trường hợp trên, theo quy định nếu việc chậm chuyến kéo dài quá 4 tiếng thì hãng vẫn phải bồi thường cho các hành khách khác. “Quy định như vậy khiến hãng hàng không bị thiệt thòi vì vừa phải chi trả khoản tiền để cuộn lại phao cứu sinh (do mở cửa thoát hiểm khiến phao bị bung), lại phải trả tiền bồi thường”, vị này nói thêm.

Một trường hợp khác được cho là có thể khiến hãng hàng không phải bồi thường oan, đó là khi tàu bay bị dừng khai thác vì va chạm với phương tiện mặt đất.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thái Trung, Giám đốc Công ty Bay dịch vụ hàng không Vasco cho biết, tàu bay của Vasco đã từng bị hư hỏng do xe chuyên dụng tại sân bay quệt vào. Rất may, hôm đó hãng vẫn còn máy bay dự bị để thay thế, nếu không chậm chuyến kéo dài quá 4 tiếng hoặc hủy chuyến trong trường hợp này, hãng vẫn sẽ phải bồi thường cho khách dù không phải lỗi của mình.

Đồng quan điểm, Phó cục trưởng Võ Huy Cường cho biết, đây là nguyên nhân khách quan, không phải do chủ quan của hãng hàng không thì cũng cần tính tới việc miễn trừ. “Cục Hàng không VN đang nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT sửa đổi một số quy định liên quan đến bồi thường ứng trước không hoàn lại trong các trường hợp chậm, hủy chuyến bay. Những quy định sửa đổi sẽ được lấy ý kiến rộng rãi các hãng hàng không trong nước và quốc tế trên quan điểm bảo vệ quyền lợi của hành khách, đồng thời phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động”, ông Cường nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.