Quản lý

Sau cổ phần hóa, thu phí công đoàn cũng khó

06/09/2017, 07:50

Sau cổ phần hóa, nhiều đơn vị ngành GTVT gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động công đoàn.

28

Chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam Đỗ Nga Việt (thứ 2 từ phải qua) thăm, tặng quà CBCNV thi côngcông trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Ảnh: Xuân Huy

Kinh phí hoạt động hạn hẹp

Năm 2017, nhiều đơn vị trong ngành GTVT, nhất là khối xây dựng cơ bản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư từ ngân sách hạn hẹp. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Công đoàn GTVT VN cho biết, đây là nguyên nhân khiến hoạt động công đoàn tại nhiều đơn vị sau cổ phần hóa (CPH), thoái vốn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí.

Theo bà Thủy, 6 tháng đầu năm 2017, tổng số nợ lương người lao động tính dồn cả trong năm 2016 hơn 167 tỷ đồng; vẫn còn 136 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đến hơn 261 tỷ đồng. Thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 930 lao động thường xuyên thiếu việc làm.

Phát biểu tại Hội nghị BCH Công đoàn GTVT VN lần thứ 12 khóa IX vào tháng 7 mới đây, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn LĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng cho rằng, tổ chức công đoàn sau CPH, thoái vốn gặp nhiều khó khăn do thay đổi mô hình doanh nghiệp. Nhưng trong khó khăn, công đoàn càng phải đúc rút kinh nghiệm, tìm giải pháp để phát huy tốt hơn trong giai đoạn tới.

Sắp tới, sẽ thực hiện Đề án đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới, đặc biệt trong tiến trình hội nhập. Vì vậy, các tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn phải chuẩn bị tư duy, làm rõ vai trò, chức năng là đại diện. Nếu không khắc họa được rõ nét chức năng đại diện này, chúng ta không làm rõ được vị thế chính trị của tổ chức công đoàn đã được khẳng định trong Hiến pháp 2013.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch Công đoàn Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hoạt động công đoàn tại các đơn vị CPH rất khó khăn. Do việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nên việc thu đoàn phí công đoàn không thuận lợi. Một số đơn vị chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không quan tâm đến các hoạt động xã hội, trong đó có việc chậm trích nộp 2% kinh phí công đoàn.

“Ngoài việc tăng cường tuyên truyền với lãnh đạo đơn vị, tôi cho rằng, các cấp công đoàn cần phải khởi kiện một số doanh nghiệp cố tình gây khó khăn, không chấp hành nghiêm túc ra tòa”, ông Hưng đề xuất.

Chủ tịch Công đoàn Cục Hàng không VN Nguyễn Văn Hải cũng cho biết, một vấn đề nữa cần đặt ra trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động. Có doanh nghiệp người lao động thiếu việc làm, nhưng cũng có doanh nghiệp vào thời điểm cao điểm SXKD, người lao động bị kéo dài thời gian làm việc, tăng ca mà không tuân thủ Luật Lao động.

“Nhiều doanh nghiệp hàng không mà Nhà nước không chi phối, thời giờ làm việc tăng cao, có bộ phận làm 72 giờ/tuần nhưng lương cũng không tăng. Công đoàn cần tăng cường kiểm tra, giám sát giờ làm việc, nghỉ ngơi của người lao động để bảo vệ lợi ích của họ”, ông Hải nói.

Hoạt động công đoàn cần thiết thực

Chủ tịch Công đoàn GTVT VN Đỗ Nga Việt cho biết, trước những đòi hỏi của tình hình mới, cán bộ công đoàn các đơn vị cần đầu tư nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào công việc của mình. “Hoạt động công đoàn phải thiết thực, không họp hành tràn lan. Phải đi thẳng những việc cần làm như việc làm, đời sống, chế độ chính sách, an toàn lao động. Cán bộ công đoàn phải giảm bớt công việc sự vụ để dành thời gian đến với người lao động, nhất là những nơi khó khăn, kịp thời giải quyết những yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của người lao động”, ông Việt nói.

Chia sẻ thêm, ông Lê Khả Trường, Phó chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) chia sẻ, cán bộ công đoàn phải biết xây dựng các hoạt động thiết thực để khẳng định vai trò với doanh nghiệp và nhất là với đoàn viên công đoàn, người lao động, kể cả tham gia làm kinh tế nhằm tạo nguồn quỹ công đoàn. Phải tiết kiệm chi tiêu từ nguồn quỹ công đoàn bằng cách tổ chức các hoạt động gắn với chuyên môn để tranh thủ sự ủng hộ kinh phí từ chính quyền.

“Khi ACV cổ phần hóa, với số kết dư từ quỹ công đoàn lớn, công đoàn đã tham gia mua cổ phần với giá trị vốn trên 20 tỷ đồng. Với lợi nhuận thu về từ việc tăng giá trị vốn khi ACV lên sàn chứng khoán, công đoàn tham gia góp vốn thành lập một công ty kinh doanh các lĩnh vực phi hàng không tại sân bay. Đến nay, công ty hoạt động tương đối ổn định với khoảng 140 CBCNV và các cán bộ Công đoàn ACV trực tiếp tham gia điều hành”, ông Trường dẫn ví dụ.

Bà Trần Thị Anh Phương, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Traphaco cho biết, cán bộ công đoàn phải năng động, sâu sát và tham mưu tổ chức nhiều hoạt động thiết thực gắn với chuyên môn.

“Nhiều cán bộ công đoàn cho rằng việc phải kiêm nhiệm công tác chuyên môn là khó khăn. Theo tôi, đây lại là điều kiện thuận lợi để cán bộ công đoàn bám sát được các chủ trương, chính sách SXKD, phát triển của chuyên môn mà tận dụng, phát huy các hoạt động công đoàn đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp. Khi đó, sẽ được cả chuyên môn và người lao động tin tưởng, ủng hộ”, bà Phương nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.