Đường sắt

Sau CPH, doanh nghiệp hạ tầng đường sắt chật vật tìm việc

14/08/2016, 06:05

20 doanh nghiệp quản lý hạ tầng đường sắt mới chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần...

3

Các doanh nghiệp quản lý hạ tầng đường sắt giàu kinh nghiệm trong thi công công trình đường sắt nhưng năng lực yếu khi vươn ra thị trường ngoài ngành

Sản phẩm công ích chuyển sang đặt hàng

Từ tháng 1/2016, 20 doanh nghiệp công ích quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt (gồm 15 công ty quản lý cầu đường và 5 công ty quản lý thông tin tín hiệu) chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần, trong đó Nhà nước chiếm tỷ lệ vốn chi phối là 51%. Ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, để các doanh nghiệp này sau CPH duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động, Tổng công ty Đường sắt VN vẫn đặt hàng thực hiện công việc công ích về duy tu, bảo trì, sửa chữa định kỳ và thực hiện chức năng tuần gác hạ tầng đường sắt.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, hầu hết các doanh nghiệp sau khi CPH cho biết đều thiếu việc. Theo ông Ma Ngọc Yên, Chủ tịch Công ty CP Đường sắt Hà Ninh, sản phẩm công ích này đáp ứng khoảng 60 - 70% nhu cầu và giá trị sản lượng của công ty trong khi trước CPH, đây là nhiệm vụ thường xuyên của các công ty hạ tầng.

"Nguồn vốn sự nghiệp kinh tế Nhà nước cấp cho ngành Đường sắt năm 2016 khoảng 2.000 tỷ đồng để quản lý, bảo trì, sửa chữa đảm bảo an toàn. Nhưng thực tế, con số này chỉ đáp ứng khoảng 50 - 60% nhu cầu nên khó bố trí vốn cho các công trình lớn, tập trung."

Ông Đới Sỹ Hưng
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN

Đối với Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Vinh, Giám đốc Nguyễn Cảnh Tùng cho biết, sản phẩm công ích mà Tổng công ty Đường sắt VN đặt hàng giờ chỉ chiếm 55% tổng giá trị sản lượng, doanh thu. Còn theo Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Lạng Nguyễn Văn Bá, giá trị sản lượng đặt hàng năm 2016 tăng 13,7% so với năm 2015, nhưng chỉ đáp ứng được 30% so với yêu cầu thực tế của năm. Để thực hiện 45% giá trị sản lượng còn lại, đồng thời đảm bảo công ăn việc làm cho cán bộ, nhân viên, các công ty phải tự tìm kiếm công trình, sản phẩm, dịch vụ ngoài công ích.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Giang, Giám đốc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Bắc Giang cho biết công ty cũng đang nỗ lực tìm kiếm công việc từ các công trình, dự án đường sắt do Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt VN đầu tư nâng cấp, cải tạo…; nhưng từ năm 2016, các công trình, dự án đường sắt ngày càng ít, gần như không có dự án lớn, rất khó có cơ hội cho các đơn vị duy tu, sửa chữa đường sắt tham gia.

Năng lực yếu, khó “bơi” ra ngoài đường sắt

Sau CPH, hầu hết các công ty nói trên đều giảm số lượng lao động dôi dư nên cũng bớt áp lực về việc làm, đời sống người lao động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cảnh Tùng, doanh thu và cổ tức cho cổ đông đang là áp lực lớn cho các doanh nghiệp cổ phần từ nay đến cuối năm. “Công trình, dự án đường sắt ít, các doanh nghiệp đang chật vật tìm kiếm thêm việc làm ngoài “đôi ray”, ông Tùng nói.

Tuy nhiên, năng lực tài chính yếu, thiếu cả kinh nghiệm và thiết bị khiến hầu hết các doanh nghiệp vẫn đang phải loay hoay tìm kiếm việc để có thể thoát ra khỏi cái bóng ngành Đường sắt. Theo ông Ma Ngọc Yên, doanh nghiệp quản lý cầu đường lĩnh vực đường sắt chủ yếu thi công các công trình đường sắt, rất ít đơn vị tham gia các công trình XDCB ngoài ngành. Nếu có thì thường là các công trình nhỏ. Vì thế, rất thiếu kinh nghiệm để tham gia đấu thầu khi tìm kiếm công việc.

“Máy móc thi công chỉ đáp ứng thi công nội ngành. Ngay cả máy móc chuyên thi công đường sắt có giá trị lớn (máy chèn đường Áo, máy sàng đá…) khi CPH đều thuộc tài sản Tổng công ty Đường sắt VN. Khi thực hiện đơn đặt hàng duy tu đường sắt của Tổng công ty, các công ty quản lý cầu đường cũng phải thuê lại. Hơn nữa, vốn điều lệ các doanh nghiệp này chỉ trên 10 tỷ đồng, tài sản giá trị để có thể thế chấp vay vốn ngân hàng cũng là một vấn đề”, ông Yên nói.

Với Công ty CP Thông tin tín hiệu Vinh, đơn vị đã “đi trước đón đầu” thực hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ ngoài công ích trong hai năm qua như: Đèn led, biển hiệu, camera, đại lý cung cấp, lắp đặt điều hòa… Nhưng việc này chủ yếu cũng chỉ cung cấp cho các đơn vị và công trình đường sắt. Để vươn ra hẳn thị trường bên ngoài như cung cấp cho bệnh viện, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm thể thao… lại là câu chuyện hoàn toàn khác. “Với các công trình, dự án thông tin tín hiệu đặc thù, đòi hỏi công nghệ, năng lực lớn, chúng tôi không cạnh tranh được với các đơn vị mạnh như Viettel hay VNPT”, ông Tùng thẳng thắn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.