Doanh nghiệp

SBIC chọn doanh nghiệp “mẫu” để cổ phần hóa

22/07/2015, 06:24

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã chọn Công ty Đóng tàu Hạ Long để cổ phần hóa (CPH) “mẫu”.

16

Theo lãnh đạo SBIC, phương án CPH Công ty đóng tàu Hạ Long và các đơn vị còn lại là khả thi

Xử lý tài chính trước khi CPH

Phương án chuyển Công ty Đóng tàu Hạ Long - doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần do SBIC trình vừa được Bộ GTVT chấp thuận và gửi lấy ý kiến các bộ trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. Đây được coi là phương án khả thi để CPH Công ty Đóng tàu Hạ Long, DN đầu tiên trong số 8 DN được quyết định giữ lại trong mô hình SBIC sẽ tiến hành CPH.

Theo phương án này, việc CPH Công ty Đóng tàu Hạ Long sẽ được tiến hành qua nhiều bước, trong đó, trước hết xử lý hết công nợ hiện có, đưa vốn chủ sở hữu về mức bằng 0. Tiếp đó, DN này sẽ được xử lý tăng vốn bằng cách chuyển một phần vốn vay từ Công ty mẹ SBIC thành vốn điều lệ. Như vậy, nguyên tắc để CPH Công ty Đóng tàu Hạ Long là xử lý xong tài chính rồi mới CPH.

"Trong điều kiện thị trường khó khăn, hàng loạt nhà máy đóng tàu phá sản, SBIC đang vươn lên, tập trung vào đóng tàu, vào những sản phẩm có chất lượng được thị trường chấp nhận, sản xuất kinh doanh bắt đầu có hiệu quả. Đây là cơ sở để SBIC bước vào kinh doanh theo cơ chế thị trường hoàn toàn sau CPH”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Văn Công

SBIC cũng báo cáo Bộ GTVT, hiện tại đã có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến cổ phần của Công ty Đóng tàu Hạ Long. Damen, tập đoàn đóng tàu hàng đầu thế giới của Hà Lan đã bắt đầu có những thương thảo bước đầu với SBIC để nhà đầu tư chiến lược này sở hữu tới 49% cổ phần của Hạ Long.

Theo ông Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc SBIC, phương án CPH của Hạ Long nói riêng và 8 DN giữ lại trong mô hình Tổng công ty nói chung là khả thi. Bởi chủ trương của Đảng, Chính phủ cho giữ lại nhóm các DN nòng cốt công nghiệp đóng tàu, có cơ chế xử lý nợ và có đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu thế giới về đóng tàu. Thậm chí, ông Sơn còn cho rằng, cổ phần dự kiến của đơn vị này sẽ có mức giá “hai chấm”, bán đi một nửa sẽ giúp thu hồi xong nợ gốc và sản phẩm tàu của nhà máy đóng rất tốt, có thương hiệu, có tính thị trường cao.

Để DN cổ phần có thể hấp dẫn các nhà đầu tư và hoạt động thuận lợi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường – Trưởng ban chỉ đạo CPH SBIC cho rằng, nên để vốn chủ sở hữu của Hạ Long ít nhất cũng ở mức 3 nghìn tỷ đồng, tương đương mức của DN này trước đây.

Nhiều đơn vị đóng tàu đã có lãi

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, phương án CPH Hạ Long mà SBIC đưa ra là đúng hướng. “Chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ rất rõ, xử lý tái cơ cấu các DN đóng tàu phải chọn phương án có lợi nhất. Ở đây là phương án tiến hành CPH, để cho DN tiếp tục hoạt động ổn định và phát triển, tạo điều kiện cho người lao động tiếp tục làm việc, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cho ngành Đóng tàu và ít tổn thất nhất cho Nhà nước. Với phương án CPH này, Nhà nước chỉ cho cơ chế, không phải bỏ tiền. Các tổ chức tài chính cũng không phải mất gì”, Thứ trưởng Trường nói.

Trước một số ý kiến băn khoăn về việc tiến độ phải phụ thuộc vào kết quả xử lý tài chính, mà nguyên tắc phải xử lý tài chính xong mới có thể tiến hành CPH, Thứ trưởng Trường kiên quyết: “Đối với tái cơ cấu, CPH các DN đóng tàu cũng thực hiện theo tiến độ CPH chung của cả nước, cơ bản hoàn thành cuối năm 2015. Đại hội cổ đông sẽ tổ chức sang quý I/2016”. Hạ Long sẽ CPH trước và các công ty còn lại sẽ theo hướng này tiến hành.

Thời gian vừa qua, chỉ tập trung vào đóng tàu, hoạt động của các DN giữ lại trong mô hình SBIC đang có chuyển biến tốt. Năm 2015, toàn Tổng công ty dự kiến số tàu đóng mới 241 chiếc, tổng số tàu bàn giao 124 chiếc, bằng 163% so với thực hiện năm 2014, tổng giá trị hợp đồng xấp xỉ 5.400 tỷ đồng (khoảng 256,8 triệu USD). Đối với 8 đơn vị giữ lại của SBIC, tổng số tàu đóng mới được dự kiến là 162 tàu, tổng số tàu bàn giao 94 tàu, bằng 164% so với thực hiện năm 2014, tổng giá trị hợp đồng 5.169 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV SBIC, hạch toán rõ từng khoản, tài chính của SBIC từ năm 2014 đã bắt đầu cân bằng, các hoạt động đóng tàu không phát sinh thêm lỗ, nhiều đơn vị đóng tàu đã có lãi tính trên từng sản phẩm đóng mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.