Quản lý

SBIC được giao thí điểm phá dỡ tàu cũ

20/04/2015, 08:05

Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo và thí điểm ngay việc phá dỡ tàu cũ...

71
Một số nhà máy của SBIC sẽ đảm nhận thí điểm phá dỡ tàu cũ

Bắt đầu khởi động phá dỡ tàu cũ

Quy hoạch chi tiết các cơ sở phá dỡ tàu cũ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được trình Cục Hàng hải VN. Cũng liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật được Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ định làm Trưởng ban chỉ đạo phá dỡ tàu cũ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nhật cho biết: “Hoạt động phá dỡ tàu cũ được triển khai với mục tiêu tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của các nhà máy, tháo gỡ khó khăn cho ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, đặc biệt là SBIC. Để đảm bảo hạn chế tác động tới môi trường, việc này sẽ thực hiện từng bước, chứ không làm đại trà ngay. Trước mắt vừa triển khai lập quy hoạch, vừa thực hiện thí điểm tại một số cơ sở phù hợp nhất”.

Cũng theo ông Nhật, tiêu chí quy hoạch, quy trình phá dỡ của các cơ sở đang được nghiên cứu, xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và theo tiêu chuẩn Việt Nam. Phương án đề xuất phải đảm bảo tính khả thi, trình Cục Hàng hải VN trước ngày 10/5/2015. 

Việc thí điểm, trước mắt được giao cho SBIC. Ngay sau đó, các công ty thành viên của SBIC gồm: Công ty CNTT Đóng tàu Bạch Đằng, Công ty CNTT Đóng tàu Phà Rừng, Công ty CNTT Đóng tàu Nam Triệu cũng được SBIC yêu cầu khẩn trương tổng hợp hồ sơ năng lực cơ sở vật chất, trang thiết bị có khả năng phá dỡ tàu, bố trí tổng mặt bằng nhà máy, cơ sở vật chất, đề xuất phương án phá dỡ tàu và đánh giá tác động môi trường đối với phương án phá dỡ để báo cáo Cục Hàng hải VN trước ngày 27/4/2015.

Hiện nay, Cục Hàng hải VN đang lên kế hoạch khảo sát thực tế tại các nhà máy dự kiến triển khai thí điểm phá dỡ của SBIC và sắp xếp lịch làm việc với Vinalines, Tập đoàn Than khoáng sản VN và một số nhà máy luyện cán thép về nhu cầu giải bản, phá dỡ tàu, mức tiêu thụ các phế liệu sau khi phá dỡ....

Không còn vướng pháp lý

Theo ông Nguyễn Nhật, hiện không còn vướng mắc gì về pháp lý đối với hoạt động phá dỡ tàu cũ. “Từ trước đến nay, lo ngại lớn nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường. Các rào cản đã được tháo dỡ với việc Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 và tiếp đó là hai Nghị định của Chính phủ, Nghị định 19 năm 2015 và Nghị định 114 năm 2014 của Chính phủ”, ông Nhật Nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Chu Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, sẽ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các nghị định để đảm bảo môi trường.

Về năng lực của cơ sở phá dỡ, theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc SBIC, SBIC hoàn toàn có thể tự tin làm tốt. Vì phá dỡ tàu cũ sẽ sử dụng cơ sở vật chất của SBIC. Cơ chế xử lý môi trường hiện nay của các nhà máy đảm bảo được các yêu cầu về môi trường theo quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC trước đó cũng chia sẻ: “Phá dỡ tàu cũ ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, khi triển khai hoạt động này, SBIC sẽ phải tính toán kỹ lưỡng, nghiêm túc và phải có phương án rất cụ thể. Phá dỡ liên quan đến đầu vào, đầu ra. Mua tàu cũ về, phá ra thì để ở đâu, ai mua, bán ở đâu, đều phải rất cụ thể. Có cái bán được, có cái phải phá hủy đi, đều phải có kế hoạch”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.