Xã hội

Sẽ giảm môn học trong giáo dục phổ thông

16/04/2014, 14:05

Ngày 15/4, Bộ GD&ĐT đã tổ chức giao ban quý I/2014, làm rõ hơn về các điểm mới trong thi tốt nghiệp THPT và đề án đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015.

Ngày 15/4, Bộ GD&ĐT đã tổ chức giao ban quý I/2014, làm rõ hơn về các điểm mới trong thi tốt nghiệp THPT và đề án đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015.
 

Sau năm 2015, học sinh chỉ học tối đa 8 môn học mỗi năm
Sau năm 2015, học sinh chỉ học tối đa 8 môn học mỗi năm


Đổi mới từ dễ đến khó


Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, năm 2014 là năm đầu tiên Bộ triển khai nhiều đổi mới trong thi tốt nghiệp THPT, với nhiều điều chỉnh mạnh mẽ về số môn thi, hình thức đề thi, thời gian làm bài thi, công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp. Việc đổi mới này nhằm hướng tới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc, đảm bảo phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả trung thực, khách quan... 
 

"Để thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục, hiện Bộ đang ráo riết hoàn tất đề án xây dựng, triển khai chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông với đề xuất kinh phí ước khoảng 34 nghìn tỷ đồng. Dự kiến đến ngày 25/4, Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên sẽ thẩm định đề án này, sau đó chuyển Ủy ban thường vụ Quốc hội thẩm định rồi mới trình trong Kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới”.

 

Ông Phạm Ngọc Phương
Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT

Như môn Ngữ văn và Ngoại ngữ có sự thay đổi về cấu trúc đề; trong đó, Ngữ văn gồm hai phần Đọc hiểu và làm văn còn Ngoại ngữ gồm trắc nghiệm và viết (thay cho tự luận). Mặc dù có thay đổi vào “phút cuối” của đề thi Ngoại ngữ, nhưng ông Trinh vẫn cho rằng, Bộ không hề làm khó học sinh, bởi phần viết môn Ngoại ngữ sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với tự luận, có thể chỉ là viết câu, điền vào chỗ trống hoàn thiện câu… “Những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, Bộ thực hiện trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho học sinh, không làm “sốc” mà đổi mới theo lộ trình từ dễ đến khó, cụ thể hóa trong nhiệm vụ được thông qua từ đầu năm học”, ông Trinh khẳng định.


Về cách tính xét tốt nghiệp năm nay, lấy điểm trung bình của kết quả thi 4 môn tốt nghiệp + kết quả năm học lớp 12 thì dễ nảy sinh vấn đề tiêu cực trong việc giáo viên cố ý nâng điểm học tập năm học cho học sinh, ông Mai Văn Trinh cho rằng, cách tính điểm xét tốt nghiệp mới này có ưu điểm giảm tốn kém mà vẫn đảm bảo chất lượng. Còn để tránh tiêu cực, Bộ yêu cầu phân nhiệm quản lý bảng điểm bằng phần mềm; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm; đề cao tính tự trọng của nhà giáo và tính tự giác của nhà trường, học trò, nhằm hướng tới một môi trường thực học.


Còn về số lượng 30% học sinh khối giáo dục thường xuyên trượt tốt nghiệp năm trước, ông Trinh khẳng định, sẽ có những em được bảo lưu kết quả năm trước thì năm nay không thi lại vẫn đỗ, nhờ cách tính điểm tốt nghiệp mới của năm nay.

 

Sẽ giảm bớt môn học


Làm rõ về vấn đề đổi mới trong giáo dục phổ thông sau năm 2015, ông Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ THPT, Bộ GD&ĐT cho biết, ngành Giáo dục đang tập trung đổi mới cách dạy và học chứ không phải nội dung. Theo đó, sẽ chuyển đổi từ cách dạy nhồi nhét kiến thức sang hình thành năng lực cho học sinh, các em không chỉ thu nhận kiến thức mà quan trọng hơn là phải biết vận dụng kiến thức. Do vậy, cả giáo viên và học sinh đều phải thay đổi cách dạy học, phải sát thực tiễn, tăng cường thời gian thực hành, vận dụng kiến thức. Công tác kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi. Và chính kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là điểm nhấn đầu tiên trong lộ trình đổi mới đó.


Một nội dung quan trọng trong đề án đổi mới giáo dục là sẽ giảm bớt môn học theo yêu cầu tích hợp và Bộ sẽ thực hiện việc giảm bớt môn học này xuyên suốt từ cấp tiểu học đến hết phổ thông. Theo đó, học sinh sẽ chỉ học tối đa 8 môn học/năm học. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ không phân hóa các ban mà triệt để phân hóa tự chọn, tức học sinh chỉ học 3 môn bắt buộc, còn các môn khác tự chọn. Như vậy, về căn bản hết lớp 9, học sinh sẽ hoàn thành chương trình phổ thông.

 

Vũ Anh

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.