Giao thông

Sẽ thu đúng, thu đủ giá dịch vụ hàng không

10/04/2017, 07:34

Đề xuất điều chỉnh một loạt giá dịch vụ hàng không của TCT Cảng hàng không VN (ACV) đã nhận được cái gật đầu...

13

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hãng hàng không sẽ bị tác động lớn nếu chi phí các dịch vụ sân bay tăng - Ảnh: Khánh Linh

Chất lượng như nhau, giá dịch vụ quốc nội chưa bằng 1/3 quốc tế

Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) vừa đề xuất Bộ GTVT điều chỉnh một loạt giá dịch vụ hàng không. Cụ thể, theo Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng, doanh nghiệp này đã đề xuất tăng giá phục vụ hành khách quốc nội thêm 30.000 đồng/khách với CHK nhóm A; Tăng 10.000 đồng/khách với CHK nhóm B; Điều chỉnh tăng 15% giá hạ - cất cánh quốc nội; Giá đảm bảo an ninh hàng không điều chỉnh tăng 5.000 đồng/khách đối với quốc nội, tăng 0,5 USD/khách đối với quốc tế.

Ngoài ra, ACV cũng đề xuất áp dụng mức thu phí sân đỗ máy bay căn cứ tương đương 50% khung giá đỗ lại quốc nội theo giờ, điều chỉnh giá phục vụ hành khách quốc tế tại một số CHK mới đầu tư gồm: Cát Bi, Vinh, Đà Nẵng… cho phù hợp với chi phí đầu tư và chất lượng dịch vụ.

Hàng không tiếp tục tăng trưởng 2 con số

Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, quý I/2017, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không tiếp tục tăng mạnh, đạt 22 triệu khách, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2016. Năm 2016, thị trường hành khách hàng không cũng đã có sự tăng trưởng mạnh ước đạt 52,2 triệu khách, tăng trên 29% so với năm 2015.

“Về lâu dài, tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh 2 năm/lần, chúng tôi đề nghị điều chỉnh giá dịch vụ hàng không quốc nội để không quá chênh lệch so với quốc tế đối với giá phục vụ hành khách quốc nội để bù đắp trượt giá chi phí đầu vào của ACV, đồng thời từng bước tiệm cận giá phục vụ hành khách quốc tế”, ông Hùng cho biết.

Lý giải về đề xuất tăng giá này, ông Hùng cho biết, thực tế, mức giá hạ - cất cánh quốc nội chỉ bằng 34% quốc tế và đáp ứng 34,3 - 35,8% giá thành. Về giá phục vụ hành khách quốc nội hiện cũng rất thấp, chỉ bằng 14,8% so với giá phục vụ hành khách quốc tế và chỉ tương đương 47,9% giá thành. Đáng nói hơn, chất lượng dịch vụ và mức đầu tư nhà ga quốc nội gần như tương đương với quốc tế.

“Theo thông lệ, mức giá này phải bằng ít nhất 50% giá phục vụ hành khách quốc tế. Tôi cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các nhà đầu tư XHH chỉ tập trung đầu tư vào các nhà ga hành khách quốc tế vốn có tỷ suất sinh lời cao”, ông Hùng nói và cho biết thêm: Tình trạng tương tự cũng diễn ra với giá dịch vụ đảm bảo an ninh hàng không khi mức giá này hiện chỉ bù đắp 33 - 34% giá thành, tương đương 1,5 USD/khách.

Với giá sân đỗ tàu bay, theo ông Hùng, hiện ACV vẫn đang áp dụng cho thuê sân bay căn cứ theo tháng với mức thu chỉ đạt từ 2,5 - 7,4% so với giá sân đỗ quốc tế tính theo giờ tùy từng phân loại tàu bay). Mức giá này cũng chỉ đáp ứng được 3,5 - 5,4% mức ACV thu hồi vốn đầu tư nếu đầu tư sân đỗ mới tại thời điểm hiện nay.

Thu đúng, thu đủ mới có lực để tái đầu tư vào hạ tầng

Đề xuất tăng giá của ACV đã nhận được cái gật đầu của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành là Cục Hàng không VN.

“Phải thu đúng, thu đủ thì mới có lực để tái đầu tư cho hạ tầng hàng không”, người đứng đầu Cục Hàng không VN - Cục trưởng Lại Xuân Thanh nói và cho biết thêm: Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải triệt để xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.

“Tuy nhiên, nếu cứ duy trì mức giá phục vụ hành khách quốc nội chỉ bằng một nửa giá thành và chưa bằng 1/3 giá phục vụ hành khách quốc tế thì nhà đầu tư nào sẽ chịu đầu tư cho ga quốc nội trong khi nhu cầu đầu tư, nâng cấp hạ tầng hàng không của chúng ta đang vô cùng lớn”, ông Thanh đặt câu hỏi.

“Cần phải nói rằng, thời gian qua, ngành Hàng không đã liên tục được đầu tư, cải tạo nâng cấp từ hệ thống CHK, sân bay đến hệ thống quản lý, điều hành bay. Phía các hãng hàng không cũng đổi mới phương tiện, nâng cấp chất lượng… Tất cả là để phục vụ cho phát triển. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của vận tải hàng không như nói trên đang gây áp lực lớn lên hạ tầng”, ông Thanh nói thêm.

Đồng quan điểm, đại diện ACV cho biết, khi thành lập tổng công ty, ACV đã xây dựng, nâng cấp và đưa rất nhiều công trình hạ tầng vào khai thác. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của thị trường. Thống kê cho tới, trong những năm tiếp theo, mỗi năm ACV cần khoảng hơn 5.500 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cảng hàng không.

Không ảnh hưởng đến giá vé máy bay

Ước tính, nếu đề xuất của ACV được phê duyệt, các hãng hàng không dự kiến sẽ phải tăng chi hơn 143 tỷ đồng/năm, tương đương 5.188 đồng/hành khách (chiếm tỷ lệ 0,11% giá vé máy bay). Với tỷ lệ quá nhỏ như vậy, không đủ để hãng hàng không có lý do điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Phía hành khách, chi phí sẽ tăng 40.000 đồng/khách bay đến CHK nhóm A (chiếm tỷ lệ 0,8% giá vé máy bay) và tăng 20.000 đồng/khách bay đến CHK nhóm B (chiếm tỷ lệ 0,5% giá vé máy bay).

Nhìn chung, tác động của sự điều chỉnh giá dịch vụ hàng không đến hành khách không đáng kể và tác động đến hãng hàng không với tỷ trọng nhỏ so với lợi nhuận trong khi dư địa phát triển của các hãng hàng không còn rất lớn. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.