Thế giới giao thông

Singapore Airlines lần đầu thua lỗ trong 5 năm

29/05/2017, 08:49

Singapore Airlines là hãng dẫn đầu ngành hàng không thế giới trong 70 năm qua.

27

Singapore Airlines - Hãng hàng không tốt thứ 2 trên thế giới không tránh khỏi khó khănvì cạnh tranh khốc liệt

Nhưng họ cũng không tránh khỏi nguy cơ doanh số sụt giảm nghiêm trọng vì áp lực cạnh tranh khốc liệt cả về các tuyến trong khu vực và đường dài. 

Quý đầu tiên thua lỗ trong 5 năm

Trong thông báo kết quả tài chính vừa được công bố trong tháng 5 này, SIA chứng kiến lỗ 138 triệu USD trong quý I/2017, quý đầu tiên thua lỗ trong 5 năm trở lại đây. Số lượng khách/km giảm khoảng 5%. Do đó, không ngạc nhiên khi cổ phiếu của hãng giảm khoảng 7% trong tuần qua. Kể từ năm 2014, tỉ lệ tăng trưởng hành khách của SIA gần như không nhúc nhích mặc dù nhu cầu của hành khách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng 11% và năng suất của hãng hàng không tăng 8%. 

SIA khẳng định, họ đang đánh giá lại toàn diện công việc kinh doanh. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, luôn theo dõi sát chứng khoán, triển vọng của SIA vẫn rất u ám. “Dự kiến, cổ phiếu của SIA sẽ tiếp tục suy yếu”, 2 nhà phân tích Eugene Chua và Jodie Foo đến từ Công ty Chứng khoán OCBC cho biết. Một số chuyên gia khác nhận định: “Những điều tồi tệ nhất có lẽ vẫn chưa qua”.

Singapore Airlines được biết đến rộng rãi nhờ chất lượng dịch vụ cao và hoạt động hiệu quả. Singapore Airlines từng được Công ty Skytrax xướng danh là hãng bay tốt thứ hai trên thế giới. Ngoài ra, theo trang web chuyên về hàng không thương mại AirlineRatings.com, hãng hàng không quốc gia của đảo quốc Singapore nằm trong Top 20 hãng hàng không an toàn nhất hành tinh. 

Tình cảnh của SIA khiến người ta liên tưởng tới hãng hàng không hàng đầu khu vực châu Á khác đó là Cathay Pacific (Hong Kong) hiện đang gặp khó khăn đến mức phải cắt giảm hàng trăm việc làm. Sở dĩ, 2 hãng hàng không hàng đầu này rơi vào khó khăn vì đối mặt với cạnh tranh khốc liệt từ các hãng hàng không giá rẻ trong các tuyến khu vực; Không đủ nguồn vốn để đương đầu với đối thủ là các hãng hàng không “nhiều tiền” từ Trung Đông và đặc biệt là từ Trung Quốc trong dịch vụ hàng không đường dài béo bở.

Nói riêng về các hãng hàng không Trung Đông, 3 hãng hàng không hàng đầu khu vực này (ME3: Emirates, Ethiads, Qatars) được đầu tư mạnh để vươn lên dẫn đầu thế giới.

Việc đầu tư cho ME3 nằm trong nỗ lực xây dựng kênh vận tải hàng không có thể di chuyển xuyên các trung tâm vận tải Trung Đông. Những sân bay mới tại Trung Đông vô cùng đẹp và hiện đại; 3 hãng hàng không cung cấp rất nhiều dịch vụ sang trọng và độc đáo trên máy bay. Với nguồn lực quốc gia luôn sẵn sàng đầu tư để phát triển ngành hàng không, những hành khách hạng phổ thông, hạng thương gia, hạng nhất ở khu vực này luôn nhận được mức độ dịch vụ cao hơn số tiền họ chi ra. Do đó, không ngạc nhiên khi ME3 có tỉ lệ tăng trưởng mạnh trong 5 năm liên tiếp. Nếu tiếp tục cạnh tranh với các hãng hàng không Trung Đông trong dịch vụ hạng sang, chắc chắn Singapore Airlines tiếp tục phải chấp nhận thua lỗ. Một lý do khác, cả hai hãng Cathay và SIA đều có thị trường nội địa khá hẹp, không mang về nhiều lợi nhuận.

Xoay xở trước khó khăn

Trước khó khăn này, Singapore Airlines đang tìm những hướng đi mới để xoay xở. Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu giao thông Crucial Perspective, bà Corrine Png nhận định, cả hai hãng hàng không SIA và Cathay đều nhận thấy rất khó để có thể cắt giảm chi phí đáng kể mà vẫn cam kết tiếp tục duy trì chất lượng dịch vụ hàng đầu.

Tuy nhiên, may mắn hơn Cathay, hãng SIA tiếp cận thị trường hàng không giá rẻ từ rất sớm. Các hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways và Scoot đều thuộc Công ty CP Hàng không giá rẻ (BAH) của SIA. Hai hãng này đã mở rộng hoạt động kinh doanh đáng kể trong vài năm qua. BAH đã thu về lợi nhuận 22 triệu USD Singapore trong quý I/2016, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. “BAH có cấu trúc giá cạnh tranh rất cao, đóng góp vào lợi nhuận của Tập đoàn SIA và đang có kế hoạch mở rộng đầy tham vọng”, bà Png nói.

Ngoài ra, SIA đang hướng ra thị trường nước ngoài để thực hiện chiến lược đa trung tâm vận tải nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường nội địa Singapore. Theo thông báo được Singapore Airlines công bố tuần qua, Giám đốc điều hành SIA, ông Goh Choon Phong cho biết, hãng hàng không Singapore sẽ cung cấp vốn cho các công ty liên doanh tại Ấn Độ như Vistara và Công ty liên doanh NokScoot của Thái Lan để mở rộng hoạt động. Vistara sẽ nhận máy bay thứ 14 vào cuối tháng 5 này và sẽ nâng tổng số phi cơ của hãng lên 20 chiếc vào giữa năm tới, cho phép hãng này bắt đầu cung cấp dịch vụ quốc tế. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.