Thế giới giao thông

Singapore cấm cập cảng tàu thuyền gây ô nhiễm, các nước ĐNÁ cần chú ý

10/04/2019, 07:19

Chính quyền Singapore vừa đưa ra một thông điệp cứng rắn dành cho các công ty vận hành tàu thủy và các thuyền trưởng liên quan tới...

img
Cảng Singapore là cảng nhộn nhịp thứ 2 thế giới

Chính quyền Singapore vừa đưa ra một thông điệp cứng rắn dành cho các công ty vận hành tàu thủy và các thuyền trưởng liên quan tới các hành vi gian lận về hàm lượng lưu huỳnh điôxit (SO2) trong khí thải ra môi trường. Đây là cảnh báo hết sức đáng chú ý cho các công ty khai thác dịch vụ vận tải biển ở khu vực Đông Nam Á.

Có thể tù 2 năm, phạt tiền lên tới 170 triệu/lần

Hoạt động của tàu biển (bao gồm cả tàu cá và tàu hàng thương mại) là một trong những nguồn đóng góp đáng kể vào sự ô nhiễm không khí. Trong đó, nhiều phương tiện có hiệu suất đốt cháy nhiên liệu thấp và chưa có hệ thống xử lý khí thải...

Theo số liệu thống kê của chính phủ Mỹ, các tàu biển là thủ phạm gây ra 2/3 lượng khí thải SO2 trong ngành GTVT năm 2002. Và việc thiếu các biện pháp kiểm soát sẽ khiến tỷ lệ này có thể lên tới 98% vào năm 2020.

Trước thực tế này, Cơ quan Hàng hải và Cảng biển Singapore (MPA) đưa ra quy định mới siết chặt việc sử dụng nhiên liệu có chứa hàm lượng lưu huỳnh cao. Trong đó, các thuyền trưởng và chủ sở hữu tàu ra vào lãnh hải Singapore bị phát hiện vi phạm quy tắc về phát khí thải sẽ phải đối mặt với án tù 2 năm hoặc lâu hơn.

Dự kiến áp dụng từ đầu năm 2020, quy định mới này sẽ là một trong những biện pháp ngăn chặn “nặng tay” nhất dành cho các hành vi lách luật về bảo vệ môi trường và hướng tới mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây ô nhiễm không khí, được cho là tác nhân chính gây ra các bệnh hen suyễn và hiện tượng mưa axit độc hại.

Dù vậy, MPA chưa nêu rõ chính xác những vi phạm nào sẽ phải chịu án tù. Các hình phạt khác cũng bao gồm phạt tiền lên tới 10.000 SGD (tương đương 7.375 USD, tức khoảng 170 triệu VND).

Bà Magdalene Chew, Giám đốc Hãng luật AsiaLegal LLC và ông Wole Olufunwa, chuyên viên cao cấp tại Công ty Luật Holman Fenwick Willan (Singapore) cho biết, dựa trên tiền lệ ở Mỹ, các hình phạt nghiêm khắc có thể sẽ được áp dụng nếu cơ quan chức năng phát hiện các yếu tố như làm sai lệch các báo cáo về khí thải hoặc cản trở công lý.

Theo hai chuyên gia về luật hàng hải này, hình phạt nặng nhất mà Singapore từng áp dụng đối với các hành vi vi phạm các quy định ô nhiễm không khí hàng hải là cách đây hơn 20 năm. Sau khi chủ tàu, thuyền trưởng và đại lý hãng tàu đều nhận tội, họ đã bị phạt 400.000 SGD/ người (khoảng 6,8 tỷ VND) vì “coi thường các mối lo ngại đối với môi trường biển”. Ngoài ra, chủ tàu cũng phải nhận án tù 3 tháng vì sự cố tràn dầu.

Kỳ vọng gì từ quy định của Singapore?

Cảng Singapore lớn thứ hai thế giới (sau cảng Thượng Hải) mới đây cho biết, các tàu không sử dụng các công nghệ xử lý khí thải theo quy định cũng sẽ bị coi là không tuân thủ các quy định mới của nước này.

Như vậy, từ năm tới, hầu hết các con tàu trên trên thế giới sẽ phải có mức phát thải SO2 thấp hơn 85% so với hiện nay.

Các hình phạt nặng hơn của Singapore hiện được kỳ vọng có tầm quan trọng vượt xa giới hạn của quy định từ các quốc gia có cảng riêng lẻ. Bởi, cảng Singapore là nơi cung cấp kết nối tới hơn 600 cảng ở 123 quốc gia. Với hàng nghìn tàu neo đậu và chuyển tải container tại quốc đảo mỗi năm, sự răn đe của Singapore có thể khiến các chủ tàu cũng như thuyền trưởng các tàu dè chừng hơn với các hành vi gian lận.

Quy mô của việc áp dụng các quy định mới chắc chắn sẽ có tác động đến cách thức mua nhiên liệu cho ngành hàng hải. Theo đó, các công ty vận chuyển hàng hải sẽ phải bỏ ra chi phí cao hơn để mua nhiên liệu sạch với hàm lượng lưu huỳnh dưới 0,5% hoặc sẽ phải lắp đặt thiết bị lọc khí thải (để cho phép các tàu tiếp tục sử dụng dầu có hàm lượng lưu huỳnh cao).

Nhưng vấn đề đặt ra tiếp theo là: Liệu có đủ nhiên liệu sạch, mang hàm lượng lưu huỳnh thấp cho toàn bộ tàu thuyền đang lưu thông trên thế giới hay không?

Ngoài ra, để thực hiện các quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), chính quyền Singapore khẳng định sẽ kiểm tra tất cả các tàu đăng ký ở Singapore cũng như các tàu mang cờ nước ngoài ra vào nước này. Cơ quan này cũng thuê các nhà cung cấp dịch vụ kiểm tra nhiên liệu độc lập để phân tích các mẫu nhiên liệu nghi ngờ, cần kiểm tra. Chính quyền quốc đảo cũng sẽ triển khai các hệ thống điện tử để hiển thị các phương thức tuân thủ dành cho tàu trước khi cập cảng của Singapore.

Cùng với các quốc gia khác, Singapore cũng đã cấm các thiết bị lọc khí thải trên tàu dạng hở (xả nước thải, chất thải chứa tạp chất ra biển sau khi lọc khí thải chứa lưu huỳnh điôxit).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.