Thế giới giao thông

Singapore: Dự án lắp 110.000 camera giám sát trên đường gây tranh cãi

18/04/2018, 09:19

Chính phủ Singapore vừa công bố kế hoạch lắp camera theo dõi trên hơn 100.000 cột đèn.

28

Phần mềm do thám của SenseTime xác định các chi tiết về người và phương tiện

Chính phủ Singapore vừa công bố kế hoạch lắp camera theo dõi trên hơn 100.000 cột đèn, cho phép giới chức có thể nhận diện khuôn mặt và xác định danh tính của người dân trên khắp đảo quốc sư tử. Tuy nhiên, dự án này đối mặt với chỉ trích và phản đối vì có thể xâm phạm quyền cá nhân.

Lắp camera nhận diện khuôn mặt trên đèn đường

Dự án thử nghiệm mang tên "Lamppost-as-a-Platform" do Cơ quan của Chính phủ Singapore GovTech chịu trách nhiệm, dự kiến đi vào hoạt động từ năm tới. “Chúng tôi đang thử nghiệm nhiều loại cảm ứng trên đèn đường bao gồm camera hỗ trợ khả năng nhận diện khuôn mặt”, người phát ngôn công ty GovTech cho biết.

Những năng lực này được sử dụng để phân tích đám đông và hỗ trợ điều tra trong trường hợp xảy ra tấn công khủng bố. Phía Singapore cho biết, dự án nằm trong kế hoạch lớn hơn mang tên “Đất nước thông minh”, sử dụng công nghệ hiện đại cải thiện đời sống con người cũng như cam kết đảm bảo vấn đề riêng tư cá nhân.

Cũng theo Gov Tech, chính phủ hy vọng sử dụng các cảm biến khác trên cột đèn để giám sát chất lượng không khí và mực nước, đếm số lượng xe máy điện trong khu vực công cộng và thu thập dữ liệu chứng cứ phục vụ điều tra tai nạn hay hỗ trợ lập kế hoạch giao thông và đô thị.

Thực chất, hệ thống theo dõi qua camera khá phổ biến tại nhiều thành phố như London, New York. Nhưng theo ông Ian Wilson - Giảng viên về an ninh tại Đại học Murdoch (Australia), hệ thống của Singapore hoàn toàn khác vì nó được tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt. Công nghệ này khá phổ biến tại các thành phố Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải.

GovTech chưa công bố bao nhiêu cột đèn sẽ được sử dụng trong dự án thử nghiệm. Nhưng người từng đứng đầu dịch vụ dân sinh tại Singapore - ông Peter Ong cho biết, nước này định áp dụng hệ thống cảm biến trên toàn bộ 110.000 cột đèn.

Hiện nay, GovTech đã cho phép các công ty công nghệ đăng ký đấu thầu cung cấp dịch vụ cho hệ thống này đến tháng 5. Yitu Technology, một công ty Trung Quốc vừa mở văn phòng quốc tế đầu tiên tại Singapore, đang cân nhắc đấu thầu với các đối tác. Công ty này cho biết, nền tảng nhận diện khuôn mặt của họ có khả năng xác định hơn 1,8 tỉ khuôn mặt trong 3 giây trong khi Singapore có 5,6 triệu người.

“Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn ở Singapore. Chúng tôi đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng trí thông minh nhân tạo”, ông Lance Wang, Tổng Giám đốc quản lý của Yitu tại Đông Nam Á, Hong Kong và Macau cho biết.

Một công ty khác cũng ấp ủ dự định đấu thầu là Xjera Labs có trụ sở tại Singapore. “Quy mô chúng tôi đấu thầu bao gồm nhận diện khuôn mặt, giám sát đám đông và phát hiện thuộc tính của con người”, ông Ethan Chu, người đồng sáng lập Xjera cho biết. Một công ty khác có trụ sở tại Bắc Kinh và Hong Kong là SenseTime cũng đang “xem xét cơ hội”.

Xâm phạm quyền riêng tư?

Bất chấp việc giới chức Singapore hứa hẹn một viễn cảnh tốt đẹp hơn khi các hệ thống giám sát này đi vào hoạt động, nhiều tổ chức nhân quyền và chuyên gia an ninh lại bày tỏ lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và tự do cá nhân.

Ông Adam Schwartz đến từ nhóm nhân quyền Electronic Frontier Foundation (Mỹ) đã kêu gọi Singapore và chính phủ các nước khác không nên áp dụng công nghệ giám sát định dạng khuôn mặt.

Adam Schwartz lo ngại công nghệ này có thể rơi vào tay đối thủ chính trị hoặc được sử dụng để hạn chế tự do ngôn luận qua việc hạn chế biểu tình hoà bình. Trả lời trước những lo ngại này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, dự án “Quốc gia thông minh” chỉ nhằm cải thiện cuộc sống của người dân và ông không hề muốn biến nó thành công cụ để đe dọa, xâm nhập và làm điều trái luân thường đạo lý.

Người phát ngôn của GovTech cho biết: “Nhu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân và duy trì quyền riêng tư là những điều mà chính phủ quan tâm nhất khi triển khai công nghệ trong dự án này”.

Mặt khác, một số chuyên gia lại cho rằng Singapore không đối mặt với nguy cơ tội phạm và khủng bố lớn đến mức phải lắp đặt hẳn một hệ thống nhận dạng để phòng trừ. Ông Wilson, giảng viên an ninh tại Đại học Murdoch cho biết, không giống các thành phố như London, New York, mức độ tội phạm và mối đe dọa khủng bố tại Singapore không cao để phải dùng tới giám sát.

Trong bản đồ rủi ro năm 2018, AON - một công ty dịch vụ chuyên nghiệp đã xác định mối đe dọa khủng bố tại Singapore ở mức “thấp”. Về vấn đề này, phía chính phủ cho biết, Singapore đối mặt với các mối đe dọa đến từ phiến quân trong nước và khủng bố nước ngoài.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.