Thế giới giao thông

Singapore quản lý Uber, Grab thế nào?

20/07/2017, 09:00

Trong khi một số nước cấm Uber, Grab thì Singapore lại sớm chấp nhận loại hình gọi xe qua phần mềm này...

26

Singapore đã sửa đổi bổ sung Luật  GTĐB để quản lý các loại hình dịch vụ Uber, Grab

Số lượng taxi truyền thống giảm kỷ lục

Sự phát triển của dịch vụ gọi xe taxi qua phần mềm điện thoại như Uber, Grab tại Singapore nhiều năm trở lại đây đã khiến số lượng taxi giảm hơn 10%. Số liệu thống kê mới nhất từ Cơ quan Giao thông đường bộ (LTA) của Singapore, số lượng taxi tại quốc đảo này sụt tới mức thấp nhất trong 8 năm trở lại đây.

Tính đến ngày 30/6 là 25.699 chiếc, giảm 10,6% so với năm 2014 là 28.736 chiếc - thời điểm 1 năm sau khi Uber, Grab ra mắt thị trường Singapore. Thực tế, mỗi năm, số lượng xe taxi đều giảm và rất ít hoặc không có triển vọng tăng trong tương lai gần.

Thậm chí, gần đây, nhà chức trách Singapore ghi nhận hiện tượng nhiều tài xế taxi truyền thống nộp đơn xin nghỉ việc hàng loạt vì không cạnh tranh nổi với loại hình chia sẻ phương tiện mới qua ứng dụng điện thoại thông minh. Vì triển vọng mờ nhạt này, SMRT - nhà khai thác taxi lớn thứ 3 của Singapore chuẩn bị đàm phán với Grab để nhượng lại hoạt động kinh doanh taxi. 

Tài xế phải có giấy phép hành nghề

Sở dĩ Uber và Grab phát triển tại quốc đảo Sư tử vì từ tháng 2 năm nay, Quốc hội Singapore đã thông qua Luật GTĐB sửa đổi bổ sung, trong đó có quy định khuyến khích loại hình chia sẻ này nhưng cần quản lý chặt chẽ hơn. 

Luật mới quy định, các tài xế xe ô tô tư nhân hợp tác với Uber và Grab cần phải có giấy phép hành nghề. Thứ trưởng Bộ Giao thông Singapore Ng Chee Meng cho biết, quy định sửa đổi sẽ đảm bảo các tài xế hợp tác với Uber, Grab phải có kiến thức đầy đủ và thành thạo kỹ năng để cung cấp dịch vụ vận tải hành khách một cách an toàn. 

Đơn đăng ký giấy phép hành nghề đã có sẵn trên trang web của LTA. Sau khi điền và nộp đơn, tài xế phải tham gia khóa học 10 giờ, vượt qua bài thi và kiểm tra kiến thức, kỹ năng và sức khoẻ mới có thể được cấp giấy. 

Vì một số người hợp tác với Uber, Grab với mục đích tận dụng xe, kiếm tiền trong thời gian rảnh nên họ đã phản đối khi phải mất thời gian và tiền bạc để lấy giấy phép. Anh Fazly Jumali, 30 tuổi cho biết: “Tôi lái xe để làm thêm ngoài giờ, có lẽ khoảng 30 giờ/tuần. Nếu tôi phải trả tiền để lấy giấy phép hành nghề thì có lẽ tôi chẳng lái nữa”. 

Để giữ chân tài xế, Uber và Grab có chính sách tài trợ chi phí lấy giấy phép (ước tính khoảng 250 USD/tài xế). Chi phí này bao gồm phí đăng ký, tiền tham gia khóa học, phí thi cử và kiểm tra sức khoẻ. Tuy nhiên, chi phí này có thể tăng cao hơn nếu tài xế thực hiện bài thi bằng tiếng Anh. Đồng thời, hai hãng này cũng không bắt buộc tài xế phải làm việc với họ sau khi lấy được giấy phép. Ước tính, với 10.500 tài xế đang hợp tác, tổng chi phí mà Uber và Grab phải chi trả sẽ hơn 2 triệu USD.

Nhiều quy định chặt chẽ khác

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Singapore Ng Chee Meng, luật mới còn quy định: “Để nhận dạng xe, toàn bộ xe của người hợp tác với Uber, Grab… đều phải dán các đề can do LTA cấp vào giữa năm 2017”. Bên cạnh đó, quy định hiện hành của Singapore cũng yêu cầu các loại xe này phải được cấp phép là phương tiện phục vụ dịch vụ công cộng, phải có bảo hiểm đầy đủ. Qua đó, các cơ quan chức năng có thể phát hiện những tài xế và chủ phương tiện phi pháp. 

Luật sửa đổi bổ sung còn trao quyền cho LTA để công bố hoặc thực thi các quy định khác như bắt buộc các công ty khai thác dịch vụ cung cấp cho cơ quan chức năng dữ liệu liên quan tới chuyến đi, dữ liệu về xe để hoạch định, điều tra giao thông khi cần.

Những nhà khai thác vi phạm có thể bị phạt lên tới 10.000 đô-la Singapore/ một lần (tương đương 7.321 USD). Cục Đăng kiểm Singapore có thể ra lệnh đình chỉ toàn bộ đối với nhà khai thác (đồng nghĩa cấm toàn bộ tài xế của một nhà khai thác) nếu công ty này vi phạm từ 3 tội nghiêm trọng trở lên trong vòng 12 tháng.  

Nếu tài xế tiếp tục điều khiển phương tiện trong thời gian đình chỉ sẽ bị phạt lên tới 2.000 đô-la Singapore hoặc bị phạt tù tới 6 tháng hoặc cả hai, tùy thuộc vào số lần phạm tội. Song song với đó, giấy phép hành nghề của họ cũng bị đình chỉ hoặc thu hồi. 

Thứ trưởng Bộ Giao thông Singapore nhận định: “Quy định của chúng tôi không quá phiền hà. Các nhà khai thác dịch vụ như Uber, Grab đều đồng ý rằng, đó là những quy định cần thiết để đảm bảo lợi ích của hành khách”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.