Hạ tầng

Sớm khởi công cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng

11/08/2017, 08:25

Dự án đường cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng dài 43km dự kiến khởi công vào quý I/2019.

8

Dự kiến trong quý I/2019 sẽ khởi công dự án cao tốc Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị (Ảnh minh họa: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai)

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km thực hiện bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công vào quý I/2019 và hoàn thành dự án đầu tháng 6/2022.

ADB đã đưa dự án vào danh mục bố trí vốn năm 2017

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về dự án cao tốc Bắc - Nam vừa được cập nhật, bổ sung, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ bổ sung đoạn Hà Nội - cửa khẩu Hữu Nghị vào phạm vi nghiên cứu và làm rõ trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, không bổ sung vào phạm vi đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam dự kiến trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10/2017.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI - tư vấn lập dự án cao tốc Bắc - Nam) cho biết, tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn dài 153km, trong đó đoạn Hà Nội - Bắc Giang dài 46km đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 7/2016; đoạn TP Lạng Sơn - Bắc Giang (Km 45+100 - Km 108+500) dài 64km đang thực hiện đầu tư theo hình thức BOT dự kiến đưa vào khai thác tháng 12/2019.

Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43km, tổng mức đầu tư 387,924 triệu USD gồm: Vốn vay ADB 385,584 triệu USD và vốn đối ứng 2,3 triệu USD.  

“Đối với đoạn tuyến cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, ngày 14/6/2016, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 1833 phê duyệt đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Km 1+800 - Km 44+749) dài 43km và giao VEC làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn vay của ADB”, ông Sơn nói.

Trước đó, ngày 28/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 726 phê duyệt danh mục dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng vay vốn ADB. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT và các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế tài chính trong nước, bao gồm việc cho vay lại, hay cấp phát đối với vốn vay ưu đãi từ ADB phục vụ công tác GPMB dự án.

“Bộ Tài chính hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thẩm định năng lực tài chính và khả năng trả nợ của chủ dự án theo quy định”, Quyết định 726 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc VEC cho biết, dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ và quyết tâm cao của ADB. “ADB đã đưa dự án vào danh mục bố trí vốn năm 2017. Hiện nay, toàn bộ các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư khoảng 8.743 tỷ đồng đã cơ bản hoàn tất”, ông Tám nói và cho biết, công tác thiết kế kỹ thuật sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ kỹ thuật của ADB đã cơ bản hoàn thành, dự kiến trình Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 8/2017. Đồng thời, các báo cáo về công tác GPMB và tái định cư, đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của ADB đã hoàn thành và được ADB chấp thuận.

Khẩn trương thẩm định phương án tài chính dự án

Liên quan đến tiến độ chuẩn bị đầu tư, ngày 13/6/2017, VEC đã có văn bản đề nghị VDB và Bộ GTVT thẩm định phương án tài chính cập nhật của dự án. Trong văn bản VEC khẳng định, dự án có hiệu quả, dòng tiền không thiếu hụt và dự án có khả năng hoàn vốn trong thời gian 25 năm mà không cần phải hỗ trợ bù chéo dòng tiền từ 5 dự án do VEC làm chủ đầu tư trước đó. Trên cơ sở đó, đầu tháng 7/2017, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và VDB sớm xem xét, hoàn thành thẩm định phương án tài chính của dự án để làm cơ sở xử lý các thủ tục đàm phán và ký kết hiệp định vay với ADB nhằm sớm triển khai đầu tư công trình.

Theo Bộ GTVT, đến nay, đoạn cao tốc từ Chi Lăng - cửa khẩu Hữu Nghị vẫn chưa được triển khai đầu tư nên trong trường hợp các đoạn tuyến từ Hà Nội - Chi Lăng được đầu tư hoàn thành vào năm 2019 sẽ chưa thể phát huy toàn bộ hiệu quả đầu tư, chưa thể kết nối hành lang Nam Ninh - Hà Nội - Hải Phòng.

“Vì vậy, việc hỗ trợ VEC đầu tư sớm đoạn tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là rất cần thiết, vừa nhằm tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực ASEAN, vừa khẳng định vị thế đi đầu trong phát triển hệ thống đường cao tốc của đơn vị này”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Tiếp đó, ngày 25/7/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính, VDB khẩn trương thẩm định phương án tài chính của dự án cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2017. “Hiện nay, chỉ còn thủ tục thẩm định năng lực tài chính của VEC và phương án tài chính của dự án đang được Bộ Tài chính, VDB thực hiện và sẽ hoàn tất trong tháng 8/2017”, ông Tám nói và cho biết, dự kiến dự án sẽ được đàm phán hiệp định vay vào tháng 10/2017, ADB phê duyệt vào tháng 12/2017 và hoàn thành ký kết hiệp định vay vốn vào tháng 3/2018.

Về kế hoạch triển khai dự án, lãnh đạo VEC cho biết, dự kiến công tác chi trả GPMB và tái định cư dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 12/2018, gói thầu xây dựng đầu tiên dự kiến được khởi công vào quý I/2019 và hoàn thành toàn bộ công tác xây lắp vào tháng 6/2022.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.