Hạ tầng

Sớm làm đại lộ để đại phú

18/02/2018, 06:19

Lãnh đạo nhiều địa phương có dự án cao tốc Bắc-Nam đi qua đều kỳ vọng rất lớn dự án sớm được triển khai...

30

Các địa phương đều mong muốn dự án cao tốc Bắc - Nam sớm được triển khai xây dựng để giảm ùn tắc cho QL1 và tạo động lực phát triển KT-XH (Trong ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam) - Ảnh: Tạ Tôn

Cú hích đột phá phát triển KT-XH

Ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ, cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông chủ trương đầu tư, bây giờ công trình càng triển khai sớm càng có lợi. Theo ông Vĩnh, hiệu quả của các tuyến đường cao tốc đối với Đồng Nai đã thấy rõ trong thời gian qua khi tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được đưa vào khai thác.

“Nhiều năm trước, chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Long Khánh, nhưng chẳng có mấy doanh nghiệp tham gia. Sau khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hoàn thành, hệ thống giao thông thuận lợi, chỉ trong thời gian ngắn, KCN Long Khánh đã phủ kín các nhà máy, xí nghiệp, giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động trong và ngoài tỉnh”, ông Vĩnh nói và cho biết, hiện nay, Đồng Nai đang phối hợp với Bộ GTVT đề xuất xây dựng 4 tuyến kết nối với CHK quốc tế Long Thành, quy mô 4 - 8 làn xe.   

Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ gồm: 14.155 tỷ đồng thực hiện GPMB (654km), 27.694 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng các dự án đầu tư theo hình thức PPP và 13.151 tỷ đồng cho các đoạn đầu tư công: Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2. Còn lại, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng gồm: Vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng.

“Các tuyến đường này sẽ kết nối sân bay Long Thành với QL51, đường vành đai 4, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất đầu tư xây dựng trước tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và tuyến kết nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành phục vụ kết nối các tỉnh miền Tây qua cao tốc Bến Lức - Long Thành đến sân bay Long Thành. Sau khi tuyến cao tốc Bắc - Nam hình thành, tỉnh Đồng Nai chắc chắn sẽ phát triển hơn nhiều lần so với hiện nay”, ông Vĩnh nói thêm.

Là địa phương có tuyến Dầu Giây - Phan Thiết thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam được triển khai trong giai đoạn 2017-2020, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cũng đặt nhiều kỳ vọng vào dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này để giúp địa phương sớm giải tỏa điểm nghẽn về hạ tầng giao thông.

“Chúng tôi rất ủng hộ dự án được triển khai sớm, bởi công trình này có tác động lớn đến Bình Thuận trong việc kết nối giao thông, rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương”, ông Hùng chia sẻ và cho biết thêm, ngoài dự án Dầu Giây - Phan Thiết, đoạn cao tốc Phan Thiết - Nha Trang cũng được Bộ GTVT triển khai trong thời gian tới đây, chắc chắn sẽ giúp kinh tế Bình Thuận phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, đột phá hơn.

Tại khu vực Bắc miền Trung, ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm của các bộ, ngành nên hạ tầng giao thông ở Thanh Hóa có nhiều thay đổi. Hiện nay, lượng phương tiện tăng đột biến, mật độ tham gia giao thông lớn nên tuyến QL1 qua địa bàn Thanh Hóa sắp quá tải, nhất là những dịp cao điểm lễ, Tết, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

“Dự án cao tốc Bắc - Nam được triển khai xây dựng sớm sẽ tạo điều kiện để Thanh Hóa giảm tải lưu lượng phương tiện trên QL1. Chúng tôi có khu kinh tế lọc hóa dầu Nghi Sơn với hệ thống cảng nước sâu sẽ thu hút các doanh nghiệp ở nhiều địa phương lân cận, thay vì phải vận chuyển hàng ra cảng Hải Phòng thì vào Thanh Hóa bằng đường cao tốc sẽ rất gần. Một số nhà đầu tư cũng mong muốn khi có cao tốc Bắc - Nam, họ sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Thanh Hóa. Đơn cử, Tập đoàn Sun Group cam kết đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng vào Khu du lịch Bến En nhưng với điều kiện phải có đường cao tốc. Thanh Hóa rất mong mỏi, khi Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư, dự án cao tốc Bắc - Nam được triển khai càng sớm càng tốt”, ông Kỳ nói.

Địa phương mong sớm GPMB làm cao tốc Bắc - Nam, giảm tải QL1

Giai đoạn 2017-2020, Bộ GTVT sẽ thực hiện triển khai đầu tư xây dựng hai đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Nghệ An là Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay, một số đoạn tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh đã mãn tải nên việc đầu tư sớm cao tốc Bắc - Nam là rất cấp thiết để giảm tải lưu lượng cho QL1.

Theo ông Điền, để hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam triển khai qua địa bàn Nghệ An đạt hiệu quả cao nhất, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, địa phương hoàn thiện khung chính sách về công tác bồi thường, GPMB đảm bảo phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án triển khai thi công.

“Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng nên sẽ huy động cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt, đồng bộ và phối hợp tốt với chủ đầu tư, nhà thầu để đảm bảo hiệu quả dự án. Tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác GPMB do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban, thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan để chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc kịp thời cho các dự án”, ông Điền chia sẻ.

Giáp ranh với Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh cũng có một dự án thành phần nằm trong dự án cao tốc Bắc - Nam được triển khai trong giai đoạn 2017 - 2020 là Diễn Châu - Bãi Vọt. Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, dự án rất cần thiết phải đầu tư xây dựng sớm để hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia, đảm bảo kết nối các khu kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu trong khu vực, các nước trong khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển KT-XH và giảm tải cho tuyến QL1.

“Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đây là dự án rất cấp bách và cần thiết phải làm ngay”, ông Thắng nói và cho biết thêm, khi cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh hoàn thành, cùng với QL1, đường Hồ Chí Minh, QL8, QL12 tuyến đường sắt Viêng Chăn - Tân Ấp - Mụ Giạ - Vũng Áng (đang lập dự án đầu tư) và hệ thống cảng biển nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương sẽ tạo thành hệ thống giao thông liên hoàn, kết nối liên vùng và kết nối Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông (Sở GTVT Ninh Bình) thông tin, từ năm 2010-2015, tuyến QL1 qua Ninh Bình được nâng cấp từ 2 lên 4 làn xe cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, QL1 qua Ninh Bình không còn đáp ứng được nữa vì lưu lượng xe quy đổi là 50.000 xe/ngày, đêm, lớn nhất cả nước nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nhất là vào những ngày nghỉ, lễ, Tết.

“Hiện nay, cửa ngõ phía Nam tỉnh Ninh Bình (TP Tam Điệp) đã quá tải phương tiện. Qua tính toán, lưu lượng xe cao nhất tuyến đường đáp ứng ở mức  30.000 xe/ngày, đêm, nhưng số lượng thực tế hiện nay là trên 50.000 xe/ngày, đêm, khiến tuyến QL1 đoạn qua TP Tam Điệp thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông”, ông Minh nói và cho biết, TP Tam Điệp được xem là thành phố công nghiệp của tỉnh Ninh Bình, tập trung rất nhiều nhà máy xi măng, nhà máy gạch, giày da, mỏ khai thác vật liệu… nên việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là rất cần thiết. “Tuyến đường không chỉ giải tỏa được ùn tắc, quá tải phương tiện mà còn thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương nói riêng và khu vực nói chung”, ông Minh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.