Thị trường

Sốt áo chống nắng ngăn tia tử ngoại, gắn quạt làm mát

05/05/2015, 07:57

Vào mùa nắng nóng, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là nữ giới ở các đô thị “chịu chi” từ vài trăm ngàn...

41
Các sản phẩm áo chống nắng trong nước (ảnh lớn) có đủ độ dày, hoàn toàn có khả năng chống được tia UV, không nhất thiết phải dùng áo ngoại nhập (ảnh nhỏ)

Vào mùa nắng nóng, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là nữ giới ở các đô thị “chịu chi” từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng để mua các sản phẩm áo chống nắng đắt tiền được quảng cáo “như điều hòa di động”, “chống được tia UV”. Nhưng theo các chuyên gia, đồ chống nóng không cần nhiều tính năng và giá trị đến thế.

Siêu chống nắng, chống cả tia UV

Ngày 4/5, dạo một vòng quanh một số chợ lớn của Hà Nội như: Việt Hưng (quận Long Biên), Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Nhà Xanh (quận Cầu Giấy), ngập tràn các sản phẩm áo khoác chống nắng với nhiều kiểu loại từ thân ngắn, thân dài, một lớp, hai lớp, có mũ, không mũ... Chị Trang, một chủ cửa hàng tại chợ Việt Hưng cho biết: “Từ đầu tháng 4 đến nay, mặt hàng áo chống nắng đã được các cửa hàng nhập về để bán trong mùa hè nhưng một tuần nay, khi thời tiết bắt đầu nắng nóng gay gắt, lượng hàng bán ra đã tăng so với những tuần trước. Năm nay, dòng sản phẩm chống tia tử ngoại (UV) bán chạy nên những mặt hàng truyền thống cũng bị giảm lượng tiêu thụ”.

"Chỉ cần đảm bảo được độ dày của chất liệu là chiếc áo chống nắng đã có đầy đủ khả năng chống được nắng nóng, chống được tia UV. Các sản phẩm trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu đó với mức giá hơn trăm hoặc vài chục nghìn, không nhất thiết phải chi tiền triệu cho sản phẩm nhập khẩu”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh
nguyên giảng viên
Viện Công nghệ thực phẩm
Đại học Bách khoa Hà Nội

Những sản phẩm áo chống nắng chống được tia UV được giới thiệu là hàng nhập từ Nhật Bản, giá từ 500-700 nghìn đồng, trông không khác nhiều loại áo thun dài tay mùa thu, nhưng được quảng cáo có thể ngăn chặn được trên 90% tia UV, ngừa lão hóa, phòng chống ung thư da... nên chị em không ngần ngại đầu tư. Ngoài ra còn có sản phẩm khẩu trang, găng tay chống nắng, chống tia UV xuất xứ Nhật Bản, được rao bán nhiều trên các cửa hàng thời trang online với giá dao động từ 150-300 nghìn đồng/chiếc. Trên một số trang web bán hàng, có sản phẩm khẩu trang được quảng cáo chống tia UV còn có giá trên 400 nghìn đồng/chiếc.

Ngoài ra, còn có sản phẩm áo chống nắng điều hòa có gắn hai quạt bên trong, sử dụng một pin sạc 7,4V để làm mát có giá 1-1,5 triệu đồng/chiếc được nhiều cửa hàng tung ra không còn quá mới mẻ nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của giới trẻ Thủ đô.

Với tâm lý không nên tiếc tiền khi đầu tư các sản phẩm có giá trị bảo vệ sức khỏe, chị Giang, nhân viên một ngân hàng trên đường Cầu Giấy cho biết: “Mặc dù có giá cao gấp nhiều lần sản phẩm áo chống nắng trong nước nhưng mình vẫn muốn dùng hàng ngoại nhập, bởi chắc chắn sẽ có chất lượng tốt hơn và đảm bảo sức khỏe hơn. Đặc biệt, chống được tia UV không chỉ bảo vệ được làn da mà còn bảo vệ cả sức khỏe, thì đầu tư hơn triệu đồng cho cả áo, khẩu trang và găng tay cũng là bình thường”.

Chống nắng, không nhất thiết phải mất tiền triệu

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Về mặt lý thuyết, bất cứ vật gì cản được ánh sáng đều có khả năng chống tia UV. Vì vậy, các chất liệu loại vải thông thường như cotton, thô, bò có độ dày nhất định đều có thể chống được tia UV, không cần đến áo chống nắng tiền triệu hay áo điều hòa di động theo người”.

Về vấn đề than hoạt tính có trong các sản phẩm khẩu trang, TS Thịnh nhận định, than hoạt tính có đặc tính hấp thụ mùi, khử bụi bẩn nhưng tác dụng này sẽ giảm dần trong quá trình sử dụng chứ không tồn tại vĩnh viễn như nhiều người lầm tưởng. Vậy nên cho dù là hàng nội hay ngoại thì đặc tính này vẫn không thay đổi. Người tiêu dùng nên cân nhắc việc sử dụng khẩu trang than hoạt tính nhập ngoại với hàng trong nước sản xuất với giá chênh lệch đến hàng chục lần.

Nói về những chiếc áo chống nắng có gắn quạt gió, anh Nguyễn Trần Kiên, một kỹ sư điện máy cho rằng, sản phẩm này chưa biết lợi ích thế nào bởi chưa có cơ quan nào kiểm duyệt, nhưng nhìn góc độ chuyên môn, người dùng không tránh khỏi nguy cơ bị điện giật vì có gắn nguồn điện trên áo mặc trực tiếp vào người. Vì vậy, người tiêu dùng thông minh cần hiểu công dụng “điều hòa nhiệt độ” của những chiếc áo này hay chỉ là “chiêu” thổi giá sản phẩm của người bán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.