Chuyện dọc đường

Sự cống hiến không đo đếm được bằng huy chương

13/06/2018, 08:04

Công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lại tiếp tục ồn ào, gây bức xúc cho cả người trong lẫn ngoài cuộc.

1_170890

NSƯT Xuân Bắc gây bất ngờ khi quyết định xin rút hồ sơ xét duyệt hồ sơ NSND. Ảnh: T.L

Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89 với nhiều tiêu chí cởi mở hơn so với nhiều năm trước, nhưng chừng đó vẫn không thỏa mãn hết nỗi bức xúc của các nghệ sĩ trong ngành. Thế mới có chuyện nghệ sĩ được công chúng yêu mến, cống hiến đến quá tuổi về hưu thì vẫn trượt danh hiệu khi xét hồ sơ. Lý do không đủ số huy chương, hay không đủ tỉ lệ phiếu bầu của hội đồng theo quy định. Đây vừa là rào cản cho việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ, đồng thời vô hình trung tạo nên các cuộc chạy đua huy chương tại các cuộc thi, hội diễn, liên hoan sân khấu.

Nhiều câu hỏi đặt ra từ phía dư luận: Liệu có cần thiết phải đủ “các gạch đầu dòng” thì mới được công nhận, được Nhà nước vinh danh? Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng từng cười khẩy cho rằng: Khi người nghệ sĩ còn đứng trên sân khấu, còn cống hiến mà khán giả còn thương yêu, thì đó là thứ vinh danh tối thượng của người nghệ sĩ. Các danh từ NSND hay NSƯT chỉ làm con người ta nghe già hơn thôi.

Tuy nhiên, vẫn còn những người lao động nghệ thuật, cống hiến cho cộng động và xã hội cả một đời. Khi về già, họ vẫn cần mẫn lao động nghệ thuật, truyền dạy kinh nghiệm nghề nghiệp cho lớp trẻ, họ vẫn muốn được Nhà nước ghi nhận thì không thể nói “phải đủ huy chương” mới được xét duyệt. Nhất là khi, các cuộc thi tài đấu sức, các liên hoan cần nhường cho lớp trẻ thể hiện, sân khấu cần nhường cho gương mặt mới. Các thầy già lui về sau cánh gà như các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa dân gian, nghệ thuật truyền thống, xiếc thì “đào đâu ra huy chương”?

Lời giải cho vấn đề này chính là xét đặc cách. Bởi, nếu không tiếp cận theo tính đặc thù của các loại hình nghệ thuật, mà chỉ dựa vào huy chương, giải thưởng, số năm công tác cứng nhắc thì có thể bỏ sót nghệ sĩ tài năng khi họ không có điều kiện tham gia hội diễn hoặc không công tác cố định ở một cơ quan, đơn vị nào đó.

Cạnh đó, việc thành lập một Hội đồng xét duyệt bỏ phiếu kín tạo ra cách làm việc khó sòng phẳng. Vì nếu đã có tiêu chí rồi, cứ áp vào tiêu chí, nghệ sĩ nào đủ tiêu chuẩn thì trao danh hiệu cho họ. Tại sao phải phụ thuộc thêm vào việc bỏ phiếu của một Hội đồng phải được 90% thông qua?

Đã từng có chuyện đồn thổi rằng, một NSƯT hài muốn lên NSND phải luồn lách đủ mấy ông trong Hội đồng mới thoát, tạo ra kiện cáo lùm xùm trong cả một mùa giải thưởng phía hậu trường.

Phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nghệ sĩ nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của họ với nền nghệ thuật nước nhà. Vinh danh cần rõ ràng và đúng người, nếu cứ nguyên tắc mà xét, thì người tài có khi lọt, người dở có khi qua. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.