Giao thông

Sự thật BOT QL1 qua Khánh Hòa đội vốn sau kiểm toán

10/02/2017, 08:01

Một số phương tiện truyền thông đăng tải kết luận của Kiểm toán Nhà nước về dự án BOT QL1 qua Khánh Hòa...

13

QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: Tấn Lộc

Một số phương tiện truyền thông đăng tải kết luận của Kiểm toán Nhà nước về dự án BOT QL1 qua Khánh Hòa tăng tổng mức đầu tư 179 tỷ đồng do việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư chưa chính xác, chưa hợp lý, dẫn tới kéo dài thời gian thu hồi vốn thêm 1 năm 11 tháng 3 ngày. Báo Giao thông trao đổi với cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này.

Chủ động mời kiểm toán để chặn sai số quyết toán

Theo các thông tin được đăng tải, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư dự án mở rộng QL1 đoạn Km1374+525 - Km1392 và Km1405 - Km1425 (BOT QL1 qua Khánh Hòa) còn chưa chính xác, chưa hợp lý làm tăng tổng mức đầu tư 179 tỷ đồng. Trong đó, tính trùng khối lượng đất đắp K95 là 28,1 tỷ đồng; Tính sai khối lượng bê tông, ván khuôn, cốt thép giải phân cách giữa 70,2 tỷ đồng; Tính sai khối lượng trụ đỡ tôn lượn sóng và tấm đầu tôn lượn sóng 1,4 tỷ đồng; tính trùng chi phí bốc dỡ 14,3 tỷ đồng; Giảm chi phí dự phòng 42,2 tỷ đồng…; Ảnh hưởng đến việc tính toán thời gian thu hồi vốn trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, làm tăng thời gian thu hồi vốn của dự án lên 1 năm 11 tháng 3 ngày.

Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km1374 + 525 - Km1392 và Km1405 - Km1425 tỉnh Khánh Hòa có chiều dài 37,7km, tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 2.644 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT.

Liên quan đến các thông tin trên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa (doanh nghiệp dự án) cho biết, để quyết toán dự án được chuẩn xác giá trị đúng theo thực tế triển khai và xác định chính xác thời gian thu phí hoàn vốn của dự án, ngày 31/8/2016, nhà đầu tư dự án đã có Văn bản 178 gửi Bộ GTVT đề nghị Kiểm toán Nhà nước bổ sung kế hoạch kiểm toán dự án. Thống nhất với đề nghị của Bộ GTVT, Kiểm toán Nhà nước đã đồng ý kiểm toán bổ sung dự án mở rộng QL1 đoạn Km1374+525 - Km1392 và Km1405 - Km1425 (tỉnh Khánh Hòa) vào kế hoạch năm 2016.

Theo ông Tự, quá trình kiểm toán dự án được Kiểm toán Nhà nước triển khai từ tháng 10 - 12/2016 trên cơ sở số liệu dự án tính đến 30/6/2016. “Tại thời điểm đó, nhà đầu tư cùng các nhà thầu đang tiến hành rà soát khối lượng và đơn giá để thực hiện quyết toán các gói thầu. Do có nhiều gói thầu chưa chốt giá trị quyết toán, việc kiểm toán dựa trên cơ sở hồ sơ dự toán ban đầu và số liệu thanh toán đến 30/6/2016 nên kết quả có sai lệch là điều không tránh khỏi. Việc nhà đầu tư chủ động mời Kiểm toán Nhà nước kiểm toán dự án nhằm giúp mình tự xác định sự sai lệch (nếu có) để quyết toán với nhà thầu”, ông Tự nói và cho biết, căn cứ ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, nhà đầu tư đã giảm trừ sai lệch khi quyết toán với nhà thầu.

Thời gian thu phí chỉ được xác định khi quyết toán dự án

Lý giải rõ hơn về thông tin sai lệch giá trị theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, ông Tự cho biết, quá trình thi công dự án có nhiều hạng mục gói thầu phải điều chỉnh khối lượng và đơn giá cho phù hợp với thực tế, dẫn đến giá trị quyết toán cuối cùng thường không trùng khớp với giá trị dự toán ban đầu và giá trị tạm thanh toán trong quá trình thi công.

“Giai đoạn quyết toán gói thầu, nhà đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu sẽ rà soát tính toán chuẩn xác lại khối lượng và đơn giá thực tế thi công để lập giá trị quyết toán. Do đó, giá trị quyết toán cuối cùng sẽ được tính chuẩn xác sau khi xác định các khối lượng thực tế trên hiện trường và các lỗi số học nhầm lẫn do tính toán (nếu có) trong quá trình thi công”, ông Tự nói và nhấn mạnh, đến nay, nhà đầu tư đã quyết toán với các nhà thầu theo đúng giá trị trong báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, hồ sơ quyết toán vốn dự án đã được Ban QLDA7 kiểm tra và đang trình Bộ GTVT. Khi quyết toán vốn của dự án với Bộ GTVT, thời gian thu phí của dự án mới được tính toán chuẩn xác.

Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho rằng, tổng mức đầu tư chỉ là kinh phí dự tính của dự án làm cơ sở để chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư xây dựng công trình chứ không phải là giá trị cuối cùng để xác định thời gian thu phí hoàn vốn dự án.

“Theo quy định trong các hợp đồng BOT, sau khi dự án hoàn thành, giá trị quyết toán mới là giá trị để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư ký kết hợp đồng xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. Thực tế, thời gian qua, Bộ GTVT tiến hành rà soát các dự án BOT trên nguyên tắc có kiểm toán độc lập hoặc Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan thanh tra, sau đó mới lấy giá trị cuối cùng để quyết toán dự án, tính toán lại hợp đồng và thời gian thu phí của dự án”, ông Huy nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.