Giao thông

Sự thật việc phá rừng làm hầm đường bộ Đèo Cả

01/02/2018, 18:20

Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch trả lời Báo Giao thông để làm rõ vấn đề.

unnamed

Dự án hoàn nguyên trồng rừng tại mỏ đất Đèo Cả do Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch là đơn vị thi công

Vừa qua, có thông tin việc phá rừng phòng hộ tại dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả của Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch. Báo Giao thông đã phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hưởng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch làm rõ vấn đề này.

Ông có thể nói rõ hơn về những thông tin xung quanh việc phá rừng phòng hộ tại dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả?

Chúng tôi có đọc một số thông tin qua các trang báo đề cập đến kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) đối với Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch trong việc phá rừng phòng hộ tại dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả. Tôi lấy làm tiếc là nội dung mà các báo nêu, và nhiều trang mạng dẫn nguồn lại chưa thể hiện hết được bản chất của sự việc nên dễ dẫn đến việc hiểu không chính xác vấn đề.

Anh-Huong2

Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch

Vậy cụ thể của vấn đề là gì, thưa ông?

Với tư cách là một đơn vị trực tiếp tham gia và có liên quan đến những vấn đề như các báo nêu, với tinh thần cầu thị, làm rõ đúng bản chất sự việc nhằm tránh những hiểu biết sai lệch có thể làm thiệt hại và giảm đi ý nghĩa của một dự án trọng điểm quốc gia mà Đảng, Chính phủ và nhân dân đã kỳ vọng, tôi xin nói rõ: Đầu tiên, việc “phá rừng tại dự án mỏ khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án hầm đường bộ Đèo Cả” như các báo nêu, theo các tài liệu và biên bản bàn giao mặt bằng, đền bù giải tỏa khu vực mỏ đất để thực hiện dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả do Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch thực hiện không phải là rừng phòng hộ.

Khu vực mỏ đất được cấp phép khai thác là rừng nghèo (chỉ có cây bụi, cây lá gai...), đã được giao cho các hộ dân quản lý, khi triển khai dự án chính các hộ dân này tự dọn dẹp phát quang để có mặt bằng sạch giao cho Ban Giải phóng mặt bằng huyện Đông Hòa (Kết luận của TTCP và đại diện Bộ Công an đã nêu rõ).

Lý do dẫn đến những thông tin chưa chính xác như vừa qua một phần cũng do tồn tại trong việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng chưa cập nhật đầy đủ và kịp thời. Việc tồn tại những thủ tục do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về chủ quan là do yêu cầu gấp rút về tiến độ triển khai dự án hầm Đèo Cả. Nhưng cũng từ thực tế triển khai rất quyết tâm trên cho thấy việc cung ứng đủ và kịp thời vật liệu cho thi công giúp cho việc hoàn thành và đưa dự án vào vận hành sử dụng sớm hơn nhiều tháng, không chỉ giúp giảm chi được nhiều ngàn tỷ đồng trong nguồn vốn ngân sách, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, mà còn đem lại nhiều lợi ích to lớn, lâu dài đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong các đợt mưa bão lớn tại miền Trung vừa qua (Bão số 12) hầm Đèo Cả đã minh chứng được tính hiệu quả và ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, ứng cứu thiên tai… Như chúng ta đã biết, trước đó, từ tháng 9/2016 Bộ GTVT và các cơ quan chức năng đã quyết định cho lưu thông qua hầm để khắc phục tình trạng ùn tắc do sạt lở khu vực đường bộ vượt Đèo Cả.

Về khách quan, công ty chúng tôi đã thực hiện các nghĩa vụ để đáp ứng yêu cầu về thủ tục để chuyển mục đích sử dụng rừng, tuy nhiên việc thực hiện các thủ tục này thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, ngoài khả chủ động của công ty trong thẩm quyền giải quyết ở nội dung này.

ham deo ca 2

Hầm Đèo Cả là công trình trọng điểm Quốc gia, có ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước và các địa phương - Ảnh minh họa

Thứ hai, về dự án khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án hầm đường bộ Đèo Cả do Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch thực hiện: Dự án đã trải qua một thời gian dài (gần 6 năm), đến nay đã đóng cửa mỏ. Trong suốt thời gian thực hiện do có nhiều thay đổi về nhân sự quản lý, thay đổi các quy định, thủ tục… nên chưa có sự cập nhật, nắm bắt kịp thời để thực hiện nên phát sinh một số vấn đề khác như: Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch đã giải trình với TTCP và đoàn kiểm tra liên ngành và đã được xác minh chấp thuận tại các biên bản làm việc.

Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch trong quá trình làm việc với TTCP và đoàn kiểm tra liên ngành, đã chủ động đề nghị TTCP, UBND tỉnh Phú Yên giao thực hiện việc hoàn nguyên để trồng lại rừng tại khu vực mỏ đã khai thác (mặc dù doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ). Qua đây, cũng cho thấy nhận thức và ý nghĩa tích cực của doanh nghiệp trong việc góp phần bảo vệ môi trường và chung tay phát triển tại địa phương.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hải Thạch đang tích cực hỗ trợ, phối hợp với địa phương thực hiện việc hoàn thiện mặt bằng (đổ đất màu, đất mùn, phân bón…) để nhanh chóng triển khai việc tái tạo rừng. Công ty đã ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường Đô thị Phú Yên để tiến hành trồng giống cây sao đen trên toàn diện tích 16ha của mỏ đất như đã nêu.

Tôi khẳng định một lần nữa, Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch không phá rừng tại dự án mỏ khai thác đất san lấp vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án Hầm đường bộ Đèo Cả.

Là người đang giữ cương vị lãnh đạo doanh nghiệp với vai trò nhà thầu, đồng thời cũng là người gắn bó xuyên suốt với dự án trọng điểm Hầm đường bộ Đèo Cả, qua sự việc này, đơn vị có rút ra kinh nghiệm gì trong việc thông tin chính xác hơn về các vấn đề liên quan đến dự án?

Như đã nói ở trên, đó là những nội dung mà chúng tôi muốn góp phần làm rõ thêm thông qua kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành do TTCP chủ trì. Cũng thông qua sự việc này, cá nhân tôi và Công ty CP Tập đoàn Hải Thạch cũng đề nghị quý cơ quan báo chí có những tìm hiểu nhiều chiều, xác thực vấn đề và đăng tải những thông tin đầy đủ nhằm tránh những ngộ nhận, thiếu khách quan dễ gây thiệt hại ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp, đồng thời dễ tạo ra tác dụng tiêu cực làm giảm ý nghĩa quan trọng của dự án Hầm đường bộ Đèo Cả - dự án mà Đảng, Chính phủ và người dân rất kỳ vọng về ý nghĩa kinh tế - xã hội mà dự án này sẽ góp phần không nhỏ mang lại sự phát triển chung và bền vững của đất nước.

Cảm ơn ông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.