Bạn cần biết

Tá hỏa khi chẩn đoán mắc tâm thần

14/12/2015, 07:04

Người bình thường trong suốt cuộc đời có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần.

Nhiều người không chịu nổi áp lực trong công việc
Nhiều người không chịu nổi áp lực trong công việc cần đến bác sỹ tâm thần để tư vấn, điều trị. Ảnh: Nam Phương

Mắc tâm thần mà không hay biết

ThS. BS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan stress (M3), Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ ca bệnh mắc một thể của bệnh tâm thần: Trần Tuấn A. là cậu bé 9 tuổi, học lớp 3, được bố mẹ đưa đến khám. Cậu bé luôn đưa ra những câu hỏi lặp đi lặp lại, tỏ ra lo lắng và buồn rầu.

Bố mẹ cậu miêu tả A. là một cậu bé hạnh phúc, biết chừng mực, nhưng bất ngờ có những hành động bất thường từ 2 - 3 tháng nay. Những hành động này bao gồm những lo lắng về bệnh tật, rửa tay liên tục, không chắc chắn về hành động của chính mình, cần được trấn an, các hành động lặp lại và né tránh.

Cụ thể hơn, A. bắt đầu tỏ ra lo lắng rằng mình đã tiếp xúc với virus HIV. Ở nơi công cộng, bất kể lúc nào cậu bé cũng để ý đến một người khác mà cậu cho rằng bị bệnh AIDS. Cậu bé thường hỏi bố mẹ trước khi định làm việc gì đó. Những lời trấn an chỉ làm cậu bé bình tĩnh tạm thời. Mối quan tâm, lo lắng lớn nhất của A. là những khó khăn mới nảy sinh trong việc học ở trường.

Khi đọc một đoạn trong tài liệu được giao, cậu bé thường đọc từ đầu tới cuối câu, chỉ để kiểm tra xem mình có bỏ sót từ nào hay nội dung nào của câu. A. thường cần tới 15 - 30 phút để xong một trang tài liệu. Trong khoảng vài tuần, A. không thể hoàn thành bài tập của mình. Vì vậy, cậu rất lo lắng về điểm số ngày càng thấp của mình.

Hỏi về tiền sử gia đình cho thấy, chị gái cậu bé có những đặc điểm tương tự, nhưng hành vi ít rối loạn hơn và cô bé đó chưa bao giờ được chữa trị những hành vi này. Trong buổi phỏng vấn đầu tiên, A. biểu hiện là một cậu bé ít nói và buồn rầu, nhưng lại khá hợp tác trong việc trả lời câu hỏi. Cậu bé thừa nhận rằng, cảm thấy mình bị trí óc đánh lừa và làm cậu phải hỏi lại bố mẹ cho chắc chắn. Từ đây, bác sỹ kết luận A. có đầy đủ các biểu hiện của chứng rối loạn nghi thức ám ảnh (Obsessive-Compulsive Disorder- OCD).

Cũng theo ThS. BS. Dương Minh Tâm, bệnh tâm thần liên quan đến một loạt các điều kiện sức khỏe tâm thần, rối loạn có ảnh hưởng đến suy nghĩ, tâm trạng và hành vi.  Có thể kể ra một số bệnh tâm thần như: Trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống… Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tâm thần có thể khác nhau, tùy thuộc vào các rối loạn đặc biệt và các yếu tố khác.

Do stress, áp lực công việc

Bộ Y tế vừa công bố một nghiên cứu khiến nhiều người không khỏi giật mình: Rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay, gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tại Việt Nam, các rối loạn tâm thần cũng là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật. Ước tính gần 15% dân số (hơn 30 triệu người) đang mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người mắc các rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như: Trầm cảm, động kinh, tâm thần phân liệt... nước ta đã có hơn 13 triệu người mắc. Bệnh có xu hướng gia tăng do stress, áp lực công việc.

Triệu chứng mắc bệnh tâm thần rất đa dạng, từ mất ngủ, suy nhược thần kinh đến loạn thần. Từ tâm trạng buồn rầu, bi quan, mất tự tin... tới các hành động cười vô duyên cớ, nói lẩm bẩm một mình... cũng báo hiệu dấu hiệu tâm thần.

Để tránh mắc các bệnh tâm thần, cần cân bằng cuộc sống bằng cách tránh áp lực công việc, biết cách nghỉ ngơi và tập thể dục, thể thao...

Lo lắng hơn khi bác sỹ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 khẳng định: “Người bình thường trong suốt cuộc đời có ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng tâm thần. Rối loạn tâm thần là bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần có xu hướng gia tăng. Con người ngày càng nhiều việc, làm việc suốt ngày - đêm, áp lực công việc lớn, căng thẳng làm gia tăng rối loạn tâm thần. Ngoài ra, phải kể đến nguyên nhân gia tăng cách biệt giàu - nghèo và bất bình đẳng, tiêu thụ rượu, bia”.

Tuy nhiên, TS. Lại Đức Trường, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, cứ 10 người bị bệnh thì chỉ có 2 - 3 người được điều trị. Hiểu biết của người dân về bệnh vẫn có phần lệch lạc, nhiều người cho rằng sức khỏe tâm thần là tâm thần phân liệt hoặc điên mà không biết có nhiều loại rối loạn tâm thần khác như: Trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Vì thế, vẫn còn hiện tượng kỳ thị, giấu bệnh. Rất nhiều người khi có triệu chứng bệnh tâm thần thì bản thân hoặc gia đình e ngại, tránh né không đi điều trị làm bệnh ngày càng nặng.

Ví như, trường hợp bệnh nhân H. có biểu hiện thường ngồi ghi chép rằng, sẽ gặp những nhân vật chính trị gia nổi tiếng. Thay vì cho con đi điều trị, bố mẹ H. đã nhốt con vào phòng riêng với hy vọng không ảnh hưởng tới người xung quanh, hàng xóm. Không chịu, H. luôn la hét, phá phách trong thế giới riêng của mình. Sau một thời gian, bố mẹ đưa H. đi khám và được xác định mắc bệnh loạn thần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.