Quản lý

Tắc đổ bùn, cảng lớn “mắc cạn”: Yêu cầu Bộ TN&MT báo cáo

04/12/2017, 07:04

Ông Lê Hồng Tịnh cho biết sẽ yêu cầu Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) báo cáo lại tình hình để xác minh.

5

Do không được nạo vét kịp thời nên luồng hàng hải không đạt chuẩn tắc khiến các tàu lớn phải đỗ ngoài xa, chuyển tải vào cảng (Trong ảnh: Tàu chuyển tải hoạt động tại luồng hàng hải Hải Phòng)

Sau khi Báo Giao thông đăng loạt bài “Tắc thủ tục đổ bùn, nhiều cảng lớn “mắc cạn”, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Hồng Tịnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho biết sẽ yêu cầu Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) báo cáo lại tình hình để xác minh.

Ông Tịnh cho biết: Trước những phản ánh bất cập trong thủ tục cấp giấy phép nhận chìm, giao vùng biển đối với hoạt động nạo vét luồng hàng hải, cảng biển, chúng tôi sẽ yêu cầu Bộ TN&MT báo cáo lại tình hình để xác minh. Rõ ràng, Luật TNMT biển và hải đảo và Luật Biển Việt Nam ra đời là cần thiết nhằm ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển. Song, thực tế cũng cần linh hoạt trong thực hiện chính sách pháp luật, tránh tình trạng đưa ra những điều kiện bất khả thi. Để khách quan và khoa học, các bên liên quan cần ngồi lại để đối thoại, nhằm đưa ra những giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu nạo vét biển trong thực tế mà vẫn đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu vướng mắc nằm ở pháp lý, thì nên có văn bản chính thức kiến nghị sửa đổi các nghị định, thậm chí nếu cần thiết có thể sửa cả luật.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) cho rằng, Luật TNMT biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định để kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhận chìm chất nạo vét ở biển không phải là gây khó khăn cho việc nạo vét luồng hàng hải, mà đang kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, bao gồm cả hoạt động nhận chìm chất nạo vét. Việc này là phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả hơn các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc cam kết thực hiện và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước là “Không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế”.

Hoạt động nạo vét là hoạt động thường xuyên tại các khu vực có hoạt động khai thác cảng và luồng hàng hải. Trong những năm qua, các chất nạo vét này được xử lý bằng các phương thức chủ yếu là sử dụng để san lấp (đổ trên đất liền) hoặc nhận chìm ở biển. Hoạt động nhận chìm các chất nạo vét này ở biển chủ yếu được thực hiện sau khi có đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và văn bản chấp thuận của UBND tỉnh về vị trí đề nghị nhận chìm.

Việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động nhận chìm chất nạo vét ở biển thông qua hoạt động cấp phép nhận chìm chất nạo vét là thực sự cần thiết để thực hiện hiệu quả hơn các cam kết quốc tế và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường. Do vậy, Luật TNMT biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn được Quốc hội và Chính phủ ban hành đã quy định để quản lý hoạt động nhận chìm ở biển, theo đó, việc nhận chìm chất nạo vét ở biển phải:

- Được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền thông qua quy trình cấp phép chặt chẽ. Ngoài các điều kiện như chất nạo vét không chứa các chất độc hại vượt mức quy chuẩn kỹ thuật, không tác động có hại đến sức khoẻ con người, môi trường, hệ sinh thái, nguồn lợi thuỷ sản, thì điều kiện các chất nạo vét không thể đổ thải, lưu giữ, xử lý trên đất liền hoặc việc này không hiệu quả về kinh tế - xã hội cũng là một trong những điều kiện bắt buộc mà tổ chức, cá nhân khi đề nghị cấp phép nhận chìm ở biển phải đưa ra được các minh chứng phù hợp. Các quy định này hoàn toàn phù hợp với cam kết quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam. Thực tế, tại các tỉnh ven biển hiện nay có nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng chất nạo vét để san lấp, nuôi dưỡng bờ biển chống xói lở bờ biển, (đang là vấn đề nguy cấp ở nước ta), làm nguyên vật liệu trong xây dựng,… thì việc sử dụng chất nạo vét để phục vụ các mục đích này là “ích nước, lợi nhà”.

- Khu vực biển đề nghị nhận chìm các chất nạo vét phải phù hợp với các quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và các khu vực biển nhận chìm phải được giao khu vực biển. Việc nhận chìm chất nạo vét tại các khu vực biển phải đảm bảo việc không ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng hợp pháp khác, không ảnh hưởng đến các khu vực cần phải bảo vệ, bảo tồn,… Đây là các quy định phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng chất nạo vét để san lấp, nuôi dưỡng bờ biển, chống xói lở bờ biển, làm nguyên vật liệu trong xây dựng,… là rất cao. Thực tế, các tỉnh như: Quảng Ninh, Hải Phòng… những năm qua mặc dù có nhiều hoạt động nạo vét nhưng đã không nhận chìm xuống biển mà tận dụng để san lấp mặt bằng và hiện nay nhu cầu này vẫn rất cao; nhiều nơi cũng đã quy hoạch khu vực trên bờ để đổ chất nạo vét.

Như vậy, để tạo điều kiện cho các dự án nạo vét luồng hàng hải được diễn ra thuận lợi, đáp ứng nhu cầu về vận tải biển hiện nay, các chủ đầu tư thực hiện hạng mục nạo vét cần chủ động liên kết với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng các chất nạo vét làm nguyên vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng,… để xử lý chất nạo vét trên đất liền. Trường hợp các chất nạo vét không thể xử lý trên đất liền hoặc việc này không hiệu quả về kinh tế - xã hội thì cần thực hiện nghiêm túc các quy định để được cấp phép nhận chìm ở biển, tránh các tác động có hại đến môi trường biển, đảm bảo phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Ngoài ra, Bộ TN&MT đang xây dựng để thực hiện liên thông một số thủ tục hành chính như phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép nhận chìm ở biển; giao khu vực biển trong công tác cấp phép nhận chìm chất nạo vét ở biển nhằm rút gọn, tạo thuận lợi hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nhận chìm chất nạo vét ở biển.

Xem thêm: 

- Tắc thủ tục đổ bùn, cảng lớn mắc cạn

- Cảng lớn mắc cạn, doanh nghiệp lao đao

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.