Giao thông

Tắc luồng cảng Quy Nhơn, doanh nghiệp “đồng thanh” kêu cứu

18/11/2017, 10:36

Hơn 80 doanh nghiệp tại Bình Định đang đứng trước nguy cơ bị hủy hợp đồng do tắc luồng cảng Quy Nhơn...

tau-chim

 Việc trục vớt tàu chìm tại khu vực cảng Quy Nhơn chưa được khắc phục gây tắc luồng cảng

Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định vừa gửi đơn kiến nghị UBND tỉnh Bình Định và Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn đề nghị sớm giải phóng luồng tàu ra - vào cảng Quy Nhơn phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng và các ngành công nghiệp khác trên toàn tỉnh nói chung.

Sau bão số 12, việc trục vớt tàu chìm tại khu vực cảng Quy Nhơn vẫn kéo dài và chưa được khắc phục. Cùng đó, từ ngày 9/11, Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn chỉ cho phép khai thác luồng hàng hải Quy Nhơn tạm thời trong điều kiện thời tiết bình thường từ 6h - 18h hàng ngày đối với tàu có mớn nước tối đa đến 7m. Có nghĩa là chỉ cho phép các tàu hàng hoặc các tàu feeder trọng tải nhỏ của Việt Nam ra - vào. Còn lại, nhiều tàu container và tàu hàng có trọng tải lớn đem theo hàng nhập khẩu từ Singapore hoặc Malaysia, các tàu nhận hàng xuất khẩu không thể ra - vào luồng hàng hải Quy Nhơn. 

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định cho biết, những tháng cuối năm là khoảng thời gian cao điểm XNK hàng hóa, nhưng do luồng không vào được nên các tàu chở container hoặc là phải quay trở lại Singapore, hoặc là không về Quy Nhơn mà đi Đà Nẵng, Sài Gòn nên hơn 80 doanh nghiệp trực thuộc hiệp hội không thể xuất hàng lên được. 

“Một số hàng đã bốc về dưới cảng và “chôn chân” từ ngày 4/11 đến giờ, một số đang nằm tại doanh nghiệp không có vỏ container để bốc xếp hàng, gây ách tắc lượng rất lớn hàng hóa và sản phẩm gỗ xuất khẩu tại cảng và các nhà máy trên địa bàn tỉnh Bình Định. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhập khẩu nguyên phụ liệu gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ, tốn thêm nhiều chi phí và thời gian chờ đợi”, ông Thiện nói.

Cũng theo ông Thiện, một số công ty đang đứng trước nguy cơ bị đối tác từ bỏ các lô hàng đã ký kết hoặc bị phạt ở mức rất nặng. Vì vậy, hiệp hội cũng như các đơn vị kinh doanh rất mong phía Cảng vụ Quy Nhơn sớm cung cấp thời gian cụ thể khai thông luồng tuyến cho tàu lớn vào để doanh nghiệp có thể xây dựng lộ trình xuất, nhập hàng hóa rõ ràng với phía công ty đối tác”.

Về vấn đề này, ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết, việc thông luồng vẫn ở mức hạn chế, tàu nhỏ và vừa có thể ra - vào, các tàu lớn phải đợi quá trình trục vớt tàu bị nạn hoàn tất mới có thể di chuyển.

Cũng theo ông Vương, hiện tại, các tàu bị chìm còn lại trong cơn bão số 12 đang được lực lượng cứu nạn khẩn trương trục vớt. Theo kế hoạch, nếu không có diễn biến bất thường, khoảng 20-25 ngày nữa, hoạt động của tàu vận tải tại cảng Quy Nhơn mới bình thường như trước. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, ngày 15/11 vừa qua, lãnh đạo Cục Hàng hải VN đã họp trực tuyến với lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam và Công ty Hoa tiêu khu vực VII, yêu cầu triển khai gấp các giải pháp như: Dịch chuyển phao báo hiệu tàu đắm bị trôi lệch sau bão lui vào; dịch chuyển phao số 4 đến phao số 6 sang bên trái luồng, tận dụng độ sâu ở biên luồng để mở rộng luồng lưu thông; cho lắp đặt một thủy chí ở ngay cảng Quy Nhơn để đọc chính xác độ cao thủy triều thực tế nhằm đưa tàu lớn vào cảng trong thời gian sớm nhất.

“Sau khi tiến hành các giải pháp, cốt luồng của cảng sẽ lấy khoảng 8m, cộng với độ cao thủy triều từ 1,5 - 2,5m và trừ đi chân hoa tiêu thì tàu lớn nhất có độ mớn nước khoảng 9,5m có thể ra - vào được (gần bằng bình thường khoảng 10m)”, ông Sang nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.