Giao thông

Tắc thủ tục đổ bùn, nhiều cảng lớn “mắc cạn”

30/11/2017, 05:33

Trong khi hàng loạt cảng lớn gặp khó do luồng cạn, thì các dự án nạo vét đang không thể triển khai.

1

Việc nạo vét luồng hàng hải vào cảng Hải Phòng bị đình trệ từ năm 2016 đến nay vì không được cấp địa điểm đổ bùn thải (Trong ảnh: Nạo vét luồng hàng hải vào cảng Hải Phòng tháng 1/2015) - Ảnh: Võ Thái

Kỳ 1: Luồng cạn, dự án nạo vét tắc

Thiếu trầm trọng điểm đổ thải

TP Hải Phòng là cửa ngõ ra biển của các tỉnh miền Bắc với hơn 40 cảng biển lớn, nhỏ. Toàn bộ các tàu từ luồng hàng hải quốc tế đều phải đi qua luồng hàng hải Hải Phòng với điểm khởi đầu là phao số 0 ngoài biển, qua các luồng Lạch Huyện, kênh Hà Nam, Bạch Đằng, sông Cấm nếu muốn vào được các cảng biển ở Hải Phòng.

Để đảm bảo cho các tàu hàng tải trọng lớn lưu thông, hoạt động từ năm 2012, Bộ GTVT đã đưa ra công bố quy chuẩn luồng hàng hải Hải Phòng có tổng chiều dài 72,1km gồm 6 đoạn, chuẩn tắc thiết kế độ sâu trung bình của luồng là -7m đủ khả năng tiếp nhận các tàu tải trọng trên 5 vạn tấn vào làm hàng tại các cảng.

Ngoài Hải Phòng, Cửa Việt, còn có thể kể tới một số cảng khác cũng đang đối mặt với tình trạng cạn luồng và gặp khó khăn trong việc nạo vét như: Cửa Lò, Sa Kỳ, Hòn Gai - Cái Lân. Các cảng này đều có kế hoạch nạo vét, bảo trì trong năm 2017 nhưng đều đang gặp nhiều vướng mắc và gần như chưa thể triển khai.

Với đặc thù là hạ lưu của một loạt các con sông lớn chảy qua trước khi đổ ra biển mang theo một lượng phù sa rất lớn bồi đắp nên luồng hàng hải Hải Phòng thường xuyên phải duy tu, nạo vét để bảo đảm chuẩn tắc thiết kế.

Việc nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng và các luồng hàng hải miền Bắc được Bộ GTVT giao cho Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc. Đối với khu vực thủy diện cảng (vùng nước trước mặt cảng) thì mỗi cảng phải thực hiện nạo vét để đảm bảo chuẩn tắc thiết kế.

Ông Phạm Hồng Minh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng cho biết, nhiều năm qua, tuyến luồng hàng hải được Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc thực hiện theo cơ chế khoán nạo vét, luôn đảm bảo độ sâu theo chuẩn tắc thiết kế (thực hiện theo Quyết định số 73/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện cơ chế nạo vét duy tu luồng hàng hải do Bộ GTVT quản lý), tạo điều kiện cho các cảng biển Hải Phòng tiếp nhận các tàu tải trọng lớn ra - vào làm hàng, góp phần quan trọng tăng trưởng lượng hàng hóa lưu thông qua khu vực. Trong năm 2016, lượng hàng thông qua các cảng tại Hải Phòng đạt trên 80 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng 14%.

Ông Dương Ngọc Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc cho biết: “Từ cuối năm 2016 tới nay, việc nạo vét duy tu luồng hàng hải Hải Phòng gần như giậm chân tại chỗ. Mọi thủ tục, nhân lực, vật lực tổng công ty và các nhà thầu đã chuẩn bị đầy đủ từ năm 2016, nhưng tới nay vẫn không thể thực hiện vì không tìm được điểm đổ thải (bùn non hút lên trong quá trình nạo vét). Vì vậy, luồng hàng hải Hải Phòng trong 1 năm qua đang nông đi từng ngày”.

Theo các thông báo hàng hải của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, tháng 12/2016, các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng vẫn đảm bảo độ sâu thiết kế trung bình -7m. Tuy nhiên, tới năm 2017, các luồng kênh Hà Nam, Bạch Đằng, Sông Cấm và các vũng quay tàu trước cảng lần lượt bị bồi lấp, độ sâu chỉ đạt -6,9m (tháng 4/2017) rồi tới -6,7m (tháng 7/2017). Tới tháng 10/2017, các luồng hàng hải trên trung bình chỉ đạt -6,5m, một số vũng quay tàu chỉ còn đạt độ sâu -5,3m. “Tới thời điểm này, luồng hàng hải Hải Phòng đã bị cạn đi 0,7m so với chuẩn tắc thiết kế”, ông Đức nói.

Cũng trong tình trạng tương tự là cảng Cửa Việt. Ông Phan Phùng Hải, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị cho biết, cảng Cửa Việt bắt đầu bị cạn vào khoảng thời gian 2015-2016, khiến gần như toàn bộ các loại tàu không thể lưu thông.

“Cảng Cửa Việt có 2 luồng, một luồng chính là luồng hàng hải theo chuẩn tắc thiết kế của Cục Hàng hải (Bộ GTVT) và một luồng tự nhiên. Chuẩn quy tắc thiết kế luồng hàng hải Cửa Việt rộng 60m, sâu 5,6m; phục vụ cho tàu trọng tải 5.000 tấn, nhưng hiện nay cốt luồng cảng này chỉ ở mức rất thấp, khoảng 1,8m. Với độ sâu này, tàu cá, tàu hàng và tàu công vụ của lực lượng biên phòng, cảnh sát biển… đóng trên địa bàn Quảng Trị không thể lưu thông trong nhiều năm qua”, ông Hải nói.

2

Do luồng hàng hải không đạt chuẩn tắc, các tàu lớn phải đỗ ngoài xa, chuyển tải vào cảng (Trong ảnh: Tàu chuyển tải hoạt động tại luồng hàng hải Hải Phòng) - Ảnh: Việt Hòa

Các dự án nạo vét đình trệ

Theo ông Dương Ngọc Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc: “Để đạt chuẩn tắc thiết kế, mỗi năm luồng hàng hải Hải Phòng phải hút, vét khoảng 1 triệu m3 bùn ra khỏi luồng hàng hải.

Thực tế, tại Việt Nam và đại đa số các quốc gia có biển, điểm đổ thải của hoạt động nạo vét đều là các vùng biển sâu. Theo số liệu của Tổ chức Hàng hải quốc tế năm 2015, hàng năm thế giới có khoảng 250 - 500 triệu tấn vật liệu nạo vét được cấp phép cho nhận chìm ở biển. Thực hiện việc nạo vét, duy tu luồng hàng hải, suốt 20 năm qua bùn nạo vét vẫn được vận chuyển ra khu vực biển sâu để đổ. Toàn bộ hoạt động này đều được quản lý, đánh giá tác động môi trường đầy đủ”.

Ông Dương Ngọc Đức cho hay: “Từ cuối tháng 4/2016, chúng tôi đã trình các hồ sơ, thủ tục xin phép các cơ quan chức năng xin điểm đổ thải tại khu vực phao số 0. Bộ GTVT và UBND TP Hải Phòng đã thống nhất đồng ý, thậm chí đã có nhiều công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện, tuy nhiên, hồ sơ vẫn chưa được thông qua”.

Ông Nguyễn Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, đã nhận được phản ánh của các doanh nghiệp về tình trạng luồng một số cảng bị tắc. Cục đang tập hợp để có hướng xử lý. Gần đây nhất, ngày 28/11/2017, trước vướng mắc trong việc nạo vét Cục Hàng hải VN liên tiếp có 3 văn bản do Phó cục trưởng Nguyễn Hoàng ký gửi UBND các tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An và Quảng Ngãi để cùng vào cuộc, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn.

Cụ thể, tại Văn bản 4832, 4833 và 4839 gửi UBND tỉnh Nghệ An, Quảng Ngãi và Quảng Ninh, ông Nguyễn Hoàng cho biết, theo tiến độ, công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Cửa Lò, Sa Kỳ và Hòn Gai - Cái Lân sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 10 và tháng 11/2017. Tuy nhiên đến nay, các công trình vẫn chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển. Để đảm bảo cho tàu thuyền ra - vào các cảng biển, Cục Hàng hải VN đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm cấp giấy phép để dự án có thể triển khai ngay trong năm 2017.

Kỳ  2: Tắc thủ tục đổ bùn, cảng mắc cạn, doanh nghiệp lao đao

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.