Giao thông

"Tai nạn nhức nhối vì đường sắt đang thụt lùi"

01/06/2018, 21:17

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi đường sắt thế giới tiến lên, đường sắt tại Việt Nam thụt lùi hoặc đứng im.

toa-dam-tai-nan-duong-sat

Các chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có thể chế, chính sách, đầu tư cho đường sắt để đảm bảo ATGT đường sắt

Đường sắt Việt Nam đang thụt lùi hoặc đứng im

Chiều nay (1/6), tại trụ sở Văn phòng Quốc hội diễn ra cuộc tọa đàm “ATGT đường sắt - thực trạng và giải pháp”. Ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Đại biểu nhân dân cho biết, những vụ tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra trong 4 ngày từ 24 - 27/5 gióng lên hồi chuông cảnh báo về ATGT đường sắt, trong đó có nguyên nhân từ chủ quan người lao động đường sắt. Vì vậy, cần xác định rõ nguyên nhân của thực trạng này: Phải chăng tất cả là do hạ tầng đường sắt quá lạc hậu, cũ kĩ do không được quan tâm đầu tư đúng mức?

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, trong khi đường sắt thế giới và nền kinh tế đất nước tiến lên, đường sắt Việt Nam thụt lùi hoặc đứng im. Trong khi đường sắt là công cụ để phát triển. “Quan trọng là phải nhận diện được tầm nhìn. Nếu chúng ta để một công cụ để phát triển cứ đứng im như thế, chắc chắn sẽ để lại hậu quả. Thể nào cũng có sự va đập, tai nạn xảy ra”, ông Thiên nói.

TS. Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, các bước đi vun vén cho hạ tầng kĩ thuật đường sắt rất chậm chạp, từ khâu xây dựng thể chế cho đến quá trình thực hiện, đặc biệt là đầu tư. 

Ông Nhưỡng cũng cho rằng, ý thức tham gia giao thông và ý thức trách nhiệm chung của cả cán bộ và người dân đối với giao thông còn hạn chế. Ông Nhưỡng nêu quan điểm: “Không nên đổ lỗi hoàn toàn cho ngành đường sắt, như thế là không công bằng.”

Vì ngoài nguyên nhân từ hạ tầng kinh tế kĩ thuật còn vấn đề nữa là hạ tầng ý thức.

Cho rằng chính quyền địa phương có trách nhiệm lớn đối an toàn giao thông nói chung và đường sắt nói riêng, ông Nhưỡng thẳng thắn: “Dường như giữa Bộ GTVT và địa phương đang có khoảng trống trong quản lý đường sắt, hiện vẫn chưa khắc phục được”. Theo ông Nhưỡng, ngành GTVT cần tham mưu Chính phủ để triển khai các thể chế, chính sách và chỉ đạo các bộ ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội phải thực sự vào cuộc. Nếu để đường sắt đơn độc sẽ không giải quyết được vấn đề.

Liên quan đến trách nhiệm của địa phương, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho biết, qua giám sát cho thấy có địa phương chỉ có 40km đường sắt đi qua nhưng có đến 320 lối mở qua đường sắt. Việc đảm bảo an toàn hay hạn chế những lối đi này rất khó khăn nếu địa phương không có trách nhiệm. “Nguy cơ tai nạn rình rập là đương nhiên khi mà nhiều lối đi tự mở như vậy”, ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT Bộ GTVT cho biết, xác định được vai trò quan trọng và trách nhiệm lớn của địa phương đối với bảo vệ đường sắt cũng như đảm bảo ATGT đường sắt, Luật Đường sắt 2017 và hàng loạt văn bản dưới Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đã quy định rõ những việc địa phương phải làm. Trong đó, hành lang đường sắt và lối đi tự mở, địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ. Thực tế, mặc dù Bộ GTVT đã khuyến cáo nhưng rất nhiều địa phương khi làm đường bộ qua đường sắt vẫn cấp đất trong hành lang ATGT đường sắt.

155705-se19

Vụ tai nạn lật tàu ở Thanh Hóa khiến 2 lái tàu tử nạn

Lương thấp, người lao động đường sắt lơ là?

Một vấn để được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua là phải chăng lương thấp nên tác động đến người lao động đường sắt, lơ là khi thực hiện nhiệm vụ? 

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh thừa nhận, lương CBCNV đường sắt hiện nay thấp, nhất là các nhân viên tuần đường, gác chắn. Vì đây là đối tượng hưởng lương từ nguồn ngân sách mà Nhà nước cấp cho ngành đường sắt bảo trì, duy tu. Trong khi nguồn kinh phí này mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với yêu cầu. “Mức lương là một chuyện, nhưng quan trọng nhất là môi trường, điểu kiện làm việc rất khó khăn, áp lực, trách nhiệm lớn”, ông Minh nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Thiên cũng cho rằng, trách nhiệm của nhân viên gác chắn rất lớn vì lượng ô tô, xe máy qua lại đường ngang ngày càng nhiều nhưng thu nhập vẫn thế. 

Ông Minh cho biết, năm 2018, lương nhân viên gác chắn, tuần đường sẽ tăng 12% và Tổng công ty Đường sắt VN đang có lộ trình tăng dần lương cho người lao động, mục tiêu đến 2020 đạt mức bình quân 9,5 - 10 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, theo ông Minh, lương thấp không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn vừa qua mà vấn đề mấu chốt là kỷ cương, kỷ luật đường sắt bị lơi lỏng.

Chính vì vậy, đường sắt đang xiết chặt lại kỷ cương trong công tác an toàn. Trong 3 tháng tới, nếu đơn vị nào để xảy ra sự cố do chủ quan mà chưa đến mức cách chức thì giám đốc buộc phải từ chức. Cùng đó, Tổng công ty cũng sẽ tăng cường áp dụng KHCN như lắp thiết bị giám sát hành trình trên đầu máy, camera trước và trong cabin đầu máy, tại khu vực ghi, phòng trực ban chạy tàu nhà ga, đường ngang… để tăng cường giám sát.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.