Xã hội

Tại sao 5 triệu yên trong loa không đương nhiên thuộc về bà Hồng?

11/05/2015, 13:53

5 triệu yên chị Hồng phát hiện không phải là bộ phận cấu thành chiếc loa nên không đương nhiên thuộc về chị Hồng.

20150428083422-chi-ve-chai
Chị Hồng - người phát hiện ra 5 triệu yên Nhật trong chiếc loa thùng

 Theo Thạc sỹ Nguyễn Văn Hợi, 5 triệu yên được bà Hồng phát hiện không phải là bộ phận cấu thành chiếc loa nên không đương nhiên thuộc về bà Hồng. Sau 1 năm kể từ ngày thông báo, nếu không xác định được chủ sở hữu thì số tiền đó thuộc sở hữu của người phát hiện. 

Trong những ngày qua, liên quan đến vấn đề bà Huỳnh Thị Ánh Hồng phát hiện 5 triệu yên trong chiếc loa cũ mua được, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia về luật. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Để giúp bạn đọc có góc nhìn đa chiều hơn trong vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Nguyễn Văn Hợi – Giảng viên môn Luật Dân sự, ĐH Luật Hà Nội.

Thạc sỹ Hợi cho rằng: “Số tiền 5 triệu yên trong trường hợp của bà Hồng không thể coi như tiền nhặt được bởi theo tinh thần của Điều 241 Bộ luật Dân sự năm 2005, có thể thấy tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên là những tài sản có những dấu hiệu để xác định được ai là chủ sở hữu. Tuy nhiên, khi bà Hồng phát hiện ra 5 triệu yên trong chiếc loa thì không có bất cứ dấu hiệu nào để xác định ai là chủ sở hữu.

Do đó, 5 triệu yên này phải được xác định là tài sản không xác định được chủ sở hữu, và việc xác lập quyền sở hữu đối với 5 triệu yên này sẽ được điều chỉnh bởi quy định tại Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2005 về “Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu”.

Cũng theo vị giảng viên này, một vấn đề cần lưu ý là 5 triệu yên không phải là vật mà lại là tiền (ngoại tệ).

“Nhưng Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ đề cập đến việc xác lập quyền sở hữu đối với vật mà không đề cập đến xác lập quyền sở hữu đối với tiền. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự, chúng ta có thể áp dụng tương tự pháp luật về xác lập quyền sở hữu đối với số yên này như đối với vật.

Số tiền 5 triệu yên đó không thể là tài sản vô chủ. Bởi vì theo quy định tại khoản 1 Điều 239, vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Trong trường hợp này, không có bằng chứng chứng tỏ chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với 5 triệu yên này. Như vậy, chỉ có thể khẳng định số tiền 5 triệu yên đó là tài sản không xác định được chủ sở hữu, và số tiền này là động sản”, Thạc sỹ Hợi nói.

Theo ông Hợi, khi phát hiện ra 5 triệu yên, bà Hồng đã giao nộp cho cơ quan Công an để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Và theo quy định tại khoản 2 Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2005, sau 1 năm kể từ ngày thông báo mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì số tiền 5 triệu yên đó thuộc sở hữu của người phát hiện (bà Hồng).

Nếu chưa hết 1 năm mà có người đến nhận đó là số tiền của mình thì người đó phải có đầy đủ bằng chứng chứng minh. Nếu không chứng minh được thì không thể được nhận. Cho đến thời điểm hiện nay, đã quá 1 năm kể từ thời điểm thông báo mà vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu đối với số tiền 5 triệu Yên này.

Sự việc có người đến nhận là chủ sở hữu nhưng không đưa ra được bằng chứng chứng minh mình là chủ sở hữu thì cũng coi như chưa xác định được ai là chủ sở hữu. Do đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 239, bà Hồng được xác lập quyền sở hữu đối với số tiền 5 triệu yên này.

Thạc sỹ Hợi nhấn mạnh, trong trường hợp của bà Hồng, pháp luật chỉ quan tâm ai là người phát hiện chứ không phải là ai là người mua chiếc loa vì không phải đương nhiên ai mua chiếc loa cũng phát hiện ra tiền. Và loa được mua thì không đương nhiên bên trong phải có tiền. Tiền không phải là một bộ phận của loa. Mua loa thì không đương nhiên trong loa phải có tiền. Tiền không phải là một bộ phận của loa.

Liên quan đến các ý kiến cho rằng người mua ve chai đã mua chiếc loa thì bất cứ thứ gì trong đó cũng thuộc về người đó, chúng tôi tiếp tục trao đổi với TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội.

TS Đinh Xuân Thảo cho hay: Bà Hồng là người mua cái loa thì cái loa thuộc về người này. Nhưng việc phát hiện ra những vật có giá trị mà không phải bộ phận cấu thành cái loa thì không thể coi đó là tài sản đương nhiên thuộc về bà Hồng.

“Trong trường hợp này, tiền không phải bộ phận cấu thành của chiếc loa nên không thể coi số tiền đó đương nhiên thuộc về người chủ sở hữu cái loa. Trong việc mua chiếc loa thì chỉ là mua bán chiếc loa thôi.

Giả sử trong chiếc loa đó, một số chi tiết được làm từ những kim loại quý, có giá trị hơn chiếc loa nhiều thì đương nhiên, số kim loại quý được dùng để làm các chi tiết của loa đó thuộc về người mua ve chai. Còn tiền thì không phải như vậy. Nó là một tài sản khác. Nó thuộc dạng tài sản không xác định được chủ sở hữu và người phát hiện phải khai báo. Nếu không tìm được chủ sở hữu thì sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Thảo nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.