Làm báo cùng Giao thông

Tại sao phải nhờ đến mạng xã hội?

28/07/2017, 07:52

Nếu không bị tố trên mạng, những ứng xử coi thường dân, những sai phạm của cán bộ sẽ được lờ đi?

10

Ảnh minh họa

Chuyện chị Hoa ở phường Văn Miếu (Hà Nội) tố phải đi lại 6 lần mới lấy được giấy chứng tử trong khi cán bộ một cửa của phường “hỏi không thèm trả lời” và vị phó chủ tịch phường có thể ký giấy thì ngồi ngay cạnh khiến dư luận phẫn nộ.

Không phẫn nộ sao được khi đặt mình vào tình huống tang gia bối rối, đến “cửa công” lại nhận được sự thờ ơ, vô cảm đến nhẫn tâm.

Khi người dân bức xúc gọi cán bộ phường là “chúng mày”, nguyên văn là: “Tại sao việc đám gia đình người ta thế này mà từ 9h sáng đến 4h chiều chúng mày không cho nổi dân cái chữ ký. Dân hỏi mà mày không trả lời lại còn hất tay sang bên cạnh là sao?”. Lập tức, bà phó chủ tịch phường cũng chẳng vừa, dọa “gọi công an, bảo vệ lôi cổ ra ngoài”.

Bà lãnh đạo phường Văn Miếu còn dọa sẽ hỏi tổ trưởng dân phố “xem gia đình đấy thế nào mà có loại người vô văn hóa đến thế”.

Câu chuyện như “đổ dầu vào lửa”, trên khắp mạng xã hội, người ta đua nhau kể tội chính quyền sở tại. Nào là làm giấy tờ, lấy chứng nhận khó khăn rao sao, đòi “bôi trơn” như thế nào…  Người ta mách nhau kẹp vài chục hay vài trăm nghìn đồng vào hồ sơ xin chứng nhận là mọi chuyện xong xuôi.

Tôi không lạ khi sự tức giận của đám đông lại cuồng nộ như thế, cũng không khác gì vài tuần trước, khi sự việc bà Phó chủ tịch quận Thanh Xuân đi ăn bún cùng nhân viên, đã đỗ ô tô sai quy định lại còn phản ánh tới lãnh đạo phường, khiến một chủ tịch phường, một cảnh sát khu vực phải ra tận nơi nói chuyện với dân, có mặt ở vị trí đỗ xe trong khi lãnh đạo quận điềm nhiên ăn bún. Thậm chí, người dân còn được thuộc cấp của vị lãnh đạo này yêu cầu xin lỗi phó chủ tịch quận nhưng họ không chịu.

Điều tôi thấy lạ là cả hai vụ đều đã xảy ra khá nhiều ngày trước khi bị đưa lên mạng xã hội. Sẽ không có ai biết gì hết, sẽ không cán bộ nào bị xử lý dù những bất cập, sai phạm là rõ ràng. Những cách ứng xử coi thường dân, không xứng đáng với vị trí đầy tớ của dân của những vị lãnh đạo này sẽ chìm đi nếu không bị tố trên mạng xã hội.

Thậm chí, khi làm giải trình, bà Phó chủ tịch quận Thanh Xuân còn báo cáo sự việc đã xảy ra từ chục ngày trước, tưởng đã xong nay lại được tung lên mạng, ắt hẳn có mục đích xấu làm hại đến uy tín cá nhân, uy tín cơ quan bà công tác.

Cách suy nghĩ ấu trĩ, bao biện này khiến người ta nhớ lại lời giải thích của bà Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận bẻ hoa anh đào ở Đà Lạt. Trước cuộc họp có lãnh đạo cấp cao hơn, bà thản nhiên nhắc nhở anh em trong cơ quan đừng để mạng xã hội dẫn dắt. Sự việc xảy ra là rất nhỏ và đang bị lợi dụng để làm mất uy tín cá nhân, cũng như cơ quan của bà.

Hóa ra, trong tư duy của không ít lãnh đạo, việc công khai những hành vi, ứng xử chưa đúng mực của họ lên mạng xã hội ắt hẳn phải có động cơ xấu nào đó chứ không phải vì chính họ đã phạm lỗi.

Tại sao, trong cả hai “sự cố” của lãnh đạo quận Thanh Xuân và phường Văn Miếu, lại phải chờ đến khi bị “tố cáo”, khi có lãnh đạo cấp cao hơn chỉ đạo, mà cụ thể ở đây là Chủ tịch UBND thành phố, mọi việc mới được xử lý rốt ráo? Tại sao những cơ quan công quyền có những cá nhân ấy không thể tự vận hành cho tốt, xử lý vi phạm trước khi sự việc bị vỡ lở để chấn chỉnh bộ máy làm việc sao cho đúng nghĩa vì dân?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.