Xã hội

Tăng đầu tư đảm bảo an ninh mạng sau vụ sân bay bị hack

03/08/2016, 18:20

Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ và giải đáp nhiều câu hỏi nóng khiến dư luận băn khoăn trong thời gian qua.

5

Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo

Không thể ngăn chặn triệt để mọi cuộc tấn công

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn khi trả lời báo giới về sự việc vừa qua, một nhóm hacker được cho là của Trung Quốc xâm nhập hệ thống máy tính ở một số sân bay của Việt Nam. Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ vừa kết thúc vào chiều tối 2/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có nhờ ông chuyển lời cảm ơn tới các cơ quan báo chí thời gian qua đã thông tin chính xác, kịp thời, đồng hành giải quyết vụ việc.

“Ngày nay, trong môi trường không gian mạng phát triển, chúng ta không chắc cuộc tấn công như thế có xảy ra nữa hay không, chúng ta cũng khó có thể ngăn chặn triệt để mọi cuộc tấn công trên không gian mạng. Trong tương lai, mối nguy cơ thế này ngày càng cao, không bao giờ có sự an toàn tuyệt đối nên chúng ta càng phải nâng cao cảnh giác và tăng cường đầu tư để đảm bảo an ninh thông tin”, Bộ trưởng Tuấn nhấn mạnh.

Về việc thông điệp mà nhóm hacker đưa ra mang màu sắc chính trị, Bộ trưởng Tuấn nói: “Về nguyên tắc, chúng ta phải tìm ra thủ phạm với đầy đủ bằng chứng buộc tội. Trên diễn đàn của mình, nhóm hacker 1937 CN cũng bác bỏ việc cáo buộc nên chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về nguồn gốc cuộc tấn công này, cần có sự điều tra kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật. Trong khi cơ quan chức năng tìm kiếm nguyên nhân thì cần bình tĩnh, cẩn trọng”, Bộ trưởng nói và khuyến nghị cộng đồng mạng và cộng đồng thông tin Việt Nam cần tuân thủ pháp luật, tránh hành vi khiêu khích không cần thiết.

Hà Tĩnh cấp phép đầu tư 70 năm là sai thẩm quyền

Vấn đề cho Formosa thuê đất và cấp phép đầu tư 70 năm được nhiều báo quan tâm đặt câu hỏi, cụ thể là có xem xét lại không, xem xét trách nhiệm như thế nào, nếu phát hiện sai phạm có thu hồi giấy phép và hồi tố không?

TKV khắc phục hậu quả tràn kiềm nhà máy boxit Nhân Cơ

Hôm qua (2/8), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản VN (TKV) đã có báo cáo gửi Bộ Công thương về sự cố tràn kiềm do vỡ cổ bơm xảy ra tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Công ty Nhôm Đắk Nông (DNA) ngày 23/7. Theo Phó Tổng giám đốc TKV Nguyễn Anh Tuấn, ngay sau khi sự cố xảy ra, DNA đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả cũng như phòng ngừa sự cố tương tự tái diễn.

Biên bản làm việc giữa đoàn công tác của tổ giám sát môi trường (Bộ TN&MT, Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, đại diện chính quyền địa phương) với Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV xác định, lượng kiềm thất thoát do sự cố là 9,58m3, trong đó có một phần thẩm thấu xuống nền đất xốp trên phần diện tích khoảng 600m2 và một phần theo hệ thống thoát nước mưa chảy tràn ra suối Đăk Yao qua cửa xả số 3. Tuy nhiên, kết quả phân tích mẫu của cơ quan chức năng cho thấy, đến ngày 24/7, độ pH trong nước, đất nằm trong quy chuẩn Việt Nam, do vậy không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thảo Nguyên

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cho biết, Luật Đầu tư 2014 đã có quy định về tạm ngừng, ngừng hoạt động đối với DN để khắc phục vi phạm về môi trường theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, nếu nhà đầu tư không thể đáp ứng yêu cầu khắc phục, có thể chấm dứt dự án đầu tư.

Làm rõ thêm, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Khu kinh tế Vũng Áng của Hà Tĩnh được coi là khu được ưu tiên xem xét, theo Luật Đất đai thì thẩm quyền cho phép cho thuê đến 70 năm. Riêng đối với việc cấp giấy phép đầu tư trên 50 năm là thuộc thẩm quyền Chính phủ. “Việc này Thanh tra Chính phủ đã thanh tra, kiểm tra rồi. Đối với Hà Tĩnh, việc cấp giấy phép đầu tư với thời hạn 70 năm là sai thẩm quyền”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thêm, đây là vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận, sẽ xử lý nghiêm minh bất cứ ai vi phạm.

Trả lời các câu hỏi về việc xử lý các chất thải nguy hại đã chôn lấp của Formosa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT đã lấy mẫu nước ngầm, đất ở khu vực chôn lấp để xem có tác động môi trường không, nhưng rất may là do phát hiện sớm, chôn lấp chưa lâu nên chưa bị ảnh hưởng, các thông số vẫn trong tiêu chuẩn cho phép. Với 390 tấn chất thải nguy hại đem đi chôn, cách tốt nhất hiện nay là đốt, tiêu hủy đến khi bùn, đất không còn gây hại môi trường. Đối với các cơ quan môi trường Hà Tĩnh, Bộ trưởng cho biết, đã kiểm điểm vì đây là thiếu sót lớn của các cấp địa phương. Bộ sẽ kiểm kê toàn bộ chất thải của Formosa, cả số đã thu gom, số cất trong nhà kho, số đã ký kết xử lý để xem còn ở đâu nữa không, còn doanh nghiệp nào nhận và cố tình đổ ra môi trường hay không.

Không có vùng cấm khi thanh tra MobiFone mua lại AVG

Về việc yêu cầu thanh tra toàn diện việc MobiFone mua lại 95% cổ phần của Công ty AVG, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, việc một doanh nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam như MobiFone mua lại cổ phần của AVG là “hoạt động đầu tư lớn của doanh nghiệp nên rất cần một sự cẩn trọng”.

Theo người phát ngôn Chính phủ, ngày 22/7, Văn phòng T.Ư Đảng đã có văn bản thông báo ý kiến của Thường trực Ban Bí thư, giao Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Từ đó, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ký văn bản giao Thanh tra Chính phủ thực hiện đúng chỉ đạo. “Đây là chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng. Khi nào Thanh tra Chính phủ có kết luận thanh tra mới có thể công bố nội dung cụ thể”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng là trong quá trình thanh tra toàn diện nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm, không có vùng cấm trong xử lý sai phạm. Bất cứ tổ chức cá nhân nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình được phân công để thu lợi bất chính, cần xử lý nghiêm theo quy định.

Về việc Tổng công ty Hàng không Việt Nam đề xuất lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ ở sân bay, khi được hỏi về quan điểm của Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, hiện nay ta vẫn đuổi chim và phát hiện vật thể lạ trên đường băng bằng phương pháp thủ công, việc này rất vất vả khi tần suất chuyến bay lớn. Trong khi đó, các nước có điều kiện đã sử dụng phương pháp hiện đại như tia tử ngoại hay sóng điện. Theo người phát ngôn Chính phủ, đây là một dự án hết sức cần thiết nhưng đang trong giai đoạn nghiên cứu, đề xuất vì có mức đầu tư rất lớn. Chủ trương của ngành Hàng không là chuẩn bị kỹ để trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét và khả năng sẽ xem xét đầu tư bằng hình thức xã hội hoá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.